THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 November 2011

Chơi máy bay riêng tại Việt Nam không dễ

4 chiếc máy bay cá nhân do Công ty Hành Tinh Xanh nhập sẽ mất nhiều thời gian hoàn tất thủ tục bay. Việt Nam không hạn chế cá nhân sở hữu nhưng để được bay, mỗi chiếc phi cơ riêng phải qua những kỳ sát hạch rất gắt gao.
>Thêm 6 máy bay cá nhân chuẩn bị về Việt Nam
>Máy bay riêng về Việt Nam giá chỉ bằng chiếc xe hơi
>Cận cảnh 2 dòng máy bay riêng mới nhập vào Việt Nam

Một trong những mẫu máy bay sắp có mặt tại Việt Nam. Ảnh: RotorWay

Không giống như chiếc tàu bay cánh bằng trị giá hơn 5,1 triệu USD của bầu Đức hay chiếc trực thăng bạc tỷ của ông chủ Hòa Phát - Trần Đình Long, 4 chiếc máy bay do Công ty Hành Tinh Xanh nhập thuộc hàng 'độc', Việt Nam chưa từng có. Cả 4 chiếc máy bay riêng này đều được xếp vào hàng siêu nhẹ, bay ở tầng thấp có thể hạ cánh ở mọi địa hình miền núi, đồng bằng mà không cần sân bay hay đường cất hạ cánh...
Chính vì sự mới lạ này, nên cả phía cơ quan hải quan và đơn vị quản lý chuyên ngành về hàng không đang đi tìm câu trả lời cho bài toán quản lý. Trong khi đó, dư luận cũng bắt đầu đặt câu hỏi làm thế nào để kiểm soát chặt vấn đề an toàn.
Một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết Việt Nam cho hay lịch sử ngành hàng không Việt chưa tiếp nhận bất cứ chủng loại máy bay nào giống như 4 chiếc máy bay riêng mà Công ty Hành Tinh Xanh nhập về và đang "kẹt" tại cảng Hải Phòng. Dù rằng, khi xây dựng các quy định của Luật cũng như chiến lược phát triển ngành hàng không, cơ quan chức năng đều tính đến việc Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều máy bay sở hữu cá nhân.
Việt Nam đã có 2 cá nhân sở hữu máy bay riêng là ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long. Tuy nhiên, cả 2 chiếc phi cơ riêng này đều thuộc hàng "dễ quản lý" vì vẫn thuộc các chủng loại mà đội bay ở Việt Nam đang có.
Tại thời điểm ông Đức và ông Long mua phi cơ riêng, hoạt động bay cá nhân tại Việt Nam bước vào giai đoạn manh nha của sự phát triển. Hai công ty là Dịch vụ bay miền Bắc và Vasco đã thực hiện một số chuyến bay bằng tàu bay trực thăng ở tầm thấp, bay ngoài đường hàng không hay đi, đến các điểm không phải là sân bay dân dụng (ví dụ đến một bãi đỗ tại sân golf), cho khách hàng bay cá nhân. Tuy nhiên, các chuyến bay này dù là cá nhân nhưng vẫn có phi hành đoàn, phi công đảm nhận chứ chưa có trường hợp nào thuê tự lái.
Vị lãnh đạo này cho biết các quy định của Việt Nam không hạn chế cá nhân sở hữu máy bay riêng. Tuy nhiên, sau khi nhập về chủ sở hữu muốn sử dụng tàu bay không vì mục đích thương mại mà bay tư nhân sẽ phải đáp ứng các thủ tục cấp phép. Thông thường mỗi chiếc máy bay sẽ phải đáp ứng 4 loại thủ tục gồm cấp phép (chứng chỉ phân loại tàu bay, giấy chứng nhận đủ điều kiện bay); thủ tục cấp chứng chỉ cần thiết cho tổ bay (bằng lái, giấy phép...); thủ tục cấp chứng nhận hoạt động hàng không chung và thủ tục cấp phép bay.
Đối với trường hợp của Công ty Hành Tinh Xanh, do doanh nghiệp này nhập máy bay hạng nhẹ và trực thăng, do vậy, các chuyến bay của các loại tàu bay này sẽ phải thực hiện ở ngoài đường bay thông thường (ngoài đường hàng không). Vì vậy, thủ tục cấp phép bay sẽ phức tạp hơn.
"Muốn thực hiện các chuyến bay, doanh nghiệp phải có đơn xin cấp phép bay với các thông số kỹ thuật cụ thể, chặng bay... gửi đến Cục Hàng không VN. Cục sẽ hỏi ý kiến Bộ Quốc Phòng. Nếu được Bộ chấp nhận, Cục sẽ cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện. Nói chung, thủ tục cấp phép này cũng không đơn giản, thường mất một khoảng thời gian nhất định và không thể hoàn tất trong một ngày", vị lãnh đạo này nói.
Vì vậy, Cục Hàng không VN đang trình Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư quy định việc cấp phép bay trên cơ sở rút ngắn thời gian cấp phép cho các chuyến bay tư nhân. Theo đó, cơ quan này đề xuất thời hạn cấp phép bay cho từng chuyến bay cụ thể tối đa là 5 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn đề nghị cấp phép bay, trong khi hiện tại, quy trình này không ít hơn 3 ngày.
Giới chuyên gia nhìn nhận ngoài các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép, cá nhân sở hữu phi cơ riêng buộc phải tính đến việc tìm bãi đỗ cho máy bay. Hiện nay, tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài… đều đang ở tình trạng quá tải. Máy bay của bầu Đức đang thuê bãi đỗ ở Tân Sân Nhất với chi phí khá tốn kém. Phi cơ riêng của bầu Long được Công ty bay Dịch vụ miền Bắc thuê lại để kinh doanh và tự lo bãi đỗ với mức phí cũng không rẻ.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà các cá nhân sở hữu máy bay riêng buộc phải tính đến là dịch vụ bảo hành, sửa chữa máy bay. Hiện tại, ngay cả Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam khi sửa chữa lớn cũng phải đưa tàu bay ra nước ngoài để làm. Chi phí cho các chuyến xuất ngoại bảo dưỡng này cũng rất đắt đỏ.
"Nói như vậy để thấy, sở hữu một chiếc phi cơ riêng tại Việt Nam không đơn giản. Đây là cuộc chơi tốn kém, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tính toán thận trọng để máy bay riêng không trở thành công cụ đốt tiền", một chuyên gia am hiểu lĩnh vực hàng không chia sẻ.
Hồng Anh