Gọt vỏ cho cây chết dần, đốt rẫy, thậm chí dùng thuốc khai hoang là những cách mà một số người dân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên dùng để triệt phá rừng đầu nguồn chắn lũ lấy đất trồng sắn.
Việc làm trên được thực hiện ồ ạt khi những tháng gần đây, giá nguyên liệu sắn tăng cao.
Thân gỗ thông gần 40 tuổi bị cưa hạ để trồng sắn ở làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín. |
Ngay giữa làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi), từng vạt thông hàng chục năm tuổi bị gọt vỏ xoay quanh từ gốc lên thân cây khoảng 80 cm đang chết dần giữa rừng. Thân gỗ thông bị cưa hạ chưa kịp chuyển đi nằm ngổn ngang khắp quả đồi. Cạnh gốc cây bị cưa xén, những đọt sắn mới nhú lên khỏi nền đất đỏ bazan.
Ông Tạ Tiến, quyền trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà cho biết, tình trạng phá rừng trồng sắn rộ lên từ cuối tháng 2 đến nay, đáng lo nhất là có sự tham gia của một số con em lãnh đạo thôn, xã. "Ngăn chặn ban ngày thì ban đêm họ vào rừng dùng rựa gọt vỏ cây dưới gốc rồi lấy lá rừng phủ lấp. Khi cây chết cũng là lúc sắn lên cao nửa thân người khó mà kiểm soát nổi", ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, giá củ sắn tươi đang ở mức 2.200 đồng một kg, sắn khô dao động 4.800-5.000 đồng một kg, tăng gấp đôi so với niên vụ năm trước. Bà Đinh Thị Hồng ở xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà lý giải: "Trồng sắn với chi phí thấp, công chăm sóc ít và cứ mỗi ha sắn thu lãi 15-35 triệu đồng, tùy theo năng suất, sản lượng thu hoạch. Chính nguồn thu nhập lớn nên chúng tôi đã đổ xô lên núi, khai hoang, phát rẫy mở rộng diện tích trồng sắn".
Vạt thông bị gọt vỏ chết đứng giữa rừng nhường đất cho các rẫy sắn ở huyện miền núi Sơn Hà. Ảnh: Trí Tín. |
Tại Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, mỗi tuần lực lượng kiểm tra phát hiện từ 15 đến 20 vụ phá rừng để trồng sắn. Tổng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm để trồng sắn, trồng mía lên đến 8.700 ha, trong đó diện tích đất rừng đã bị mất hơn 5.100 ha.
Còn ở Bình Định tình trạng người dân ở các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão xâm lấn, phá rừng trồng sắn cũng trở nên phổ biến. Hiện diện tích trồng loại cây này đã lên đến 10.320 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm trước.
Trước tình hình phá rừng trồng sắn ngày càng phức tạp, tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Hân, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm cho biết đang phối hợp với cơ quan điều tra, chính quyền huyện Sơn Hà củng cố hồ sơ những vụ án phá rừng trồng sắn để khởi tố hình sự, xử lý nghiêm.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để tháo gỡ vấn đề này, trước hết cần có quy hoạch tổng thể cho các địa phương, không để nông dân tuỳ tiện trồng sắn. Các địa phương phải đưa giống mới, tiến bộ kỹ thuật thì sản xuất sắn mới hy vọng phát triển bền vững.
"Bản thân sắn là cây nguyên liệu rất tạp ăn, có thể làm cho đất nhanh chóng bị suy kiệt về mặt dinh dưỡng. Đặc biệt ở những vùng đồi núi, việc trồng sắn làm cho đất rất dễ bị rửa trôi, xói mòn và thoái hoá", ông Ngọc nói.
Trí Tín