THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 July 2011

Hiệu quả kinh tế cho VN nửa cuối năm


2011-07-11

Mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng cả năm từ 7,5% xuống 6%, tuy nhiên, do hiệu ứng từ việc kiềm chế lạm phát nên tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có những suy giảm rõ rệt.

000_Hkg4927770-200.jpg
Một người đầu tư chứng khoán tại một sàn giao dịch ở Hà Nội hôm 23/5/2011
Để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng mới điều chỉnh, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều với tốc độ tăng GDP 6 tháng cuối năm là 6,4%, trong đó tính hiệu quả kinh tế cho nền kinh tế vĩ mô đang được tập trung nghiên cứu.

Với Nghị quyết 11 kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng xuyên suốt cho đường hướng phát triển năm nay, Việt Nam dường như đang vấp phải những khó khăn nhằm tìm ra giải pháp cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, trong đó nếu không có lời giải cho bài toán hiệu quả đầu tư cho các dự án và lĩnh vực sản xuất thì mục tiêu đề ra khó thực hiện được.

Theo Nghị định 11 thì tổng vốn đầu tư phát triển xã hội/GDP là 40%, nghĩa là để tạo ra 100 đồng cho GDP, Việt Nam cần lượng vốn khoảng 40 đồng. Trong phạm vi 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã làm được việc này. Tuy nhiên, đây chỉ là con số sơ bộ, duy trì cho tiếp 6 tháng cuối năm sẽ là thách thức vì hiệu quả đầu tư còn được biểu hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau mà nền kinh tế đang chống chọi. 

Cân đối tín dụng

Trước hết, tính hiệu quả về đầu tư cần phải được xem xét trên toàn bộ nền kinh tế, cần sự phân bổ hợp lý giữa khối doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp NN phải giảm bớt đầu từ ra ngoài ngành và lĩnh vực mà trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Về mặt tín dụng đầu tư, nền kinh tế cần phải chuyển cơ cấu tín dụng từ phi sản xuất sang sản xuất. 

Về vấn đề vốn tín dụng này, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập, cho đài chúng tôi biết mức tăng trưởng tín dụng năm nay, Việt Nam cố gắng giảm tốc tăng trưởng xuống dưới 20%, tuy nhiên, điều quan trọng phải là mức phân bổ, nghĩa là tăng tín dụng vào đâu và giảm ở khu vực nào:

"Tôi cho rằng quan trọng nhất là làm sao giảm tín dụng quá nhiều và ở mức quá lớn ở các doanh nghiệp Nhà nước và các dự án liên quan đến đầu tư công. Nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực tạo công ăn việc làm lớn nhất cho toàn xã hội Việt Nam, hoặc khu vực nông nghiệp để phát triển lên gắn với vận mệnh của hơn 50% dân số Việt Nam là nông dân, sống dựa vào nông nghiệp còn rất lớn. Tôi cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp hoặc phát triển nông thôn và đời sống nông dân nói chung, vẫn rất cần tín dụng." 

Bên cạnh tiêu chí về cân đối tín dụng nhằm đạt hiệu quả đầu tư, các ngành công nghiệp hỗ trợ cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các mặt hàng nhập khẩu.

Quan trọng nhất là làm sao giảm tín dụng quá nhiều và ở mức quá lớn ở các doanh nghiệp Nhà nước và các dự án liên quan đến đầu tư công.

Bà Phạm Chi Lan

Theo định nghĩa, công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày… hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, vì thế sản xuất dù có nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn nhỏ lẻ và manh mún. 

Theo lời Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân thì hiện nay "Việc xây dựng và ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là hết sức cần thiết nhằm tập trung ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quan trọng, tránh ưu đãi tràn lan gây lãng phí". 

Mất cân đối vĩ mô 

sicxh1236490385-250.jpg
Giao dịch qua ngân hàng. Ảnh minh họa. RFA files
Hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế còn được thể hiện trên sự phân bổ giữa sản xuất và đầu tư mà hiện tại Việt Nam đang bị mất cân đối. Theo lời của ông Nguyễn Trần Bạt giám đốc công ty Tư Vấn Đầu Tư Invest Consult, thì hiện tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề, bắt nguồn từ sự mất cân đối trên quy mô xã hội. Ông cho biết: 

"Thật ra các vấn đề về kinh tế của Việt Nam hiện nay chủ yếu nó là hệ quả tự nhiên của sự mất cân đối trên quy mô xã hội. Sự phân bố chú ý chính trị của nhà nước vào các khu vực kinh tế khác nhau là mất cân đối. Sự chú ý đến khu vực của nền kinh tế tài chính và những nền kinh tế công nghiệp khác cũng mất cân đối. 
Mất cân đối giữa sản xuất và đầu tư. Mất cân đối giữa các thị trường như bất động sản và các thị trường công nghiệp hàng tiêu dùng khác. Hay nói cách khác là mất cân đối vĩ mô là nguồn gốc chủ yếu của tình trạng kinh tế hiện nay ở Việt Nam, và dễ dàng trông thấy nhất là hiện tượng lạm phát."

Cuối cùng, thước đo hiệu quả kinh tế còn được đánh giá qua tình trạng xuất nhập khẩu. Theo báo cáo mới nhất trong tổng kết 6 tháng đầu năm nay, nhập siêu của Việt Nam là 6,65 tỷ đô la. Trong 6 tháng trước mắt, Việt Nam sẽ vẫn phải tiếp tục duy trì giảm thiểu nhập khẩu bằng cách đầu tư cho sản xuất những mặt hàng thay thế với lợi thế so sánh của mình.

Về vấn đề này, T.S Vũ Đình Ánh, chuyên gia về giá cả thị trường nhận định:

Hay nói cách khác là mất cân đối vĩ mô là nguồn gốc chủ yếu của tình trạng kinh tế hiện nay ở Việt Nam, và dễ dàng trông thấy nhất là hiện tượng lạm phát.

Ông Nguyễn Trần Bạt

"Hiện nay sản xuất trong nước của Việt Nam, kể cả sản xuất đồ tiêu dùng cũng như sản xuất để xuất khẩu đều phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Do đó chuyện thắt chặt nhập khẩu thậm chí liên quan tới chuyện giảm nhập siêu cũng rất cần phải cân nhắc để làm sao có những cái thay thế cho nhập khẩu. Lúc đó mới có thể giảm được đáng kể cái qui mô nhập khẩu kéo theo đó là nhập siêu."

Có thể nói bên cạnh việc chống lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu, Chính phủ Việt Nam trong 6 tháng cuối năm cần tập trung vào hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế, thể hiện qua các dự án và lĩnh vực công nghiệp, nguồn vốn tín dụng phân bổ cho các nhóm ngành, vấn đề cân đối giữa sản xuất và đầu tư và cuối cùng là hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo dòng thời sự: