Sự việc xảy ra tại Hội Chợ thương mại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vào ngày 29/5 vừa qua. Phóng viên Trần Công Lũy bị an ninh tỉnh An Giang hành hung. An ninh cướp camera, phối hợp cảnh sát cơ động còng tay phóng viên Trần Công Lũy bắt về công an huyện Tịnh Biên. Tại nơi này, phóng viên vẫn bị còng tay và làm việc với công an: lấy lời khai, làm kiểm điểm. Cùng bị nạn với phóng viên báo Công Lý thì phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay cũng bị bắt bớ.
Báo Công Lý là cơ quan truyên thông của Tòa án Tối Cao có trụ sở tại 48 Lý Thường Kiệt - Hà Nội. Phóng viên của Báo Công Lý mà bị đối xử tồi tệ kiểu ấy thì huống gì là người dân bình thường. Sự việc ngay giữa ban ngày, trước đám đông Hội Chợ mà còn vậy thì huống gì tại đồn công an im lìm mức độ côn đồ của công an sẽ nhiều hơn thế. Đó cũng là lý do mà gần đây nhiều người bị bắt về đồn công an thì hôm sau gia đình được nhắn lên nhận xác về.
Dùi cui nó có uy quyền hơn vạn lần Công Lý.
Với thẩm quyền vô hạn và tính côn đồ du côn thì dùi cui của công an có thể bẻ cong Công Lý. Luật pháp trở nên mớ rác rưởi tầm thường. Viện kiểm sát, Tòa án cũng bị dùi cui công an điểu khiển như là con rối và trò hề. Các phiên tòa xét xử các bất đồng chính kiến trở nên những màn biểu diễn uy lực của công an côn đồ hơn là thực thi công lý và pháp luật.
Ai cho phép và chỉ đạo cho công an uy quyền để hành xử như là côn đồ man rợ?
---
Công an còng tay nhà báo, dẫn giải như tội phạm
Cập nhật lúc 07:45 | 02/06/2011 (GMT+7)
Ngọc Long (phapluatvn) - Không hiểu vì lý do gì, một nhà báo trong quá trình tác nghiệp không vi phạm pháp luật bị còng tay dẫn giải về trụ sở công an như tội phạm.
Vô cớ còng tay nhà báo
Công an còng tay, dẫn giải nhà báo về trụ sở Công an thị trấn |
Khoảng 12h ngày 29/5, khi đang tác nghiệp tại trước cổng Ban Tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế ĐBSCL-Tịnh Biên 2011 (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang), phòng viên Trần Công Lũy (Báo Công Lý) bất ngờ bị 2 người đàn ông ngăn cản, không cho quay phim chụp hình. Sau khi trình bày ở đây là khu vực Hội chợ Thương mại, không có biển cấm quay phim chụp hình, PV Lũy tiếp tục tác nghiệp, thì 2 người đàn ông liền xông vào tấn công, khóa tay, giật camera của phóng viên. PV Lũy đã tự vệ quyết liệt để bảo vệ tài sản, đồng thời la lớn: "Tôi là nhà báo đang tác nghiệp, sao các anh giật máy của tôi?".
Không khống chế và giật được chiếc camera, một trong 2 người đã gọi cảnh sát 113 và bảo vệ Hội chợ tổng cộng hơn 10 người kéo đến trấn áp PV Báo Công Lý. Dù liên tục la lớn mình là nhà báo, nhưng Cảnh sát 113 đã còng ngược tay phóng viên này ra sau lưng, tiếp tục bóp cổ, bẻ tay giật chiếc camera. Sự việc được một phóng viên BáoNông thôn Ngày nay ghi lại bằng hình ảnh, videoclip..
Phát hiện có phóng viên báo khác ghi hình, lực lượng nói tiếp tục xông đến với thái độ rất hung hăng và giật camera của PV Báo Nông thôn ngày nay. PV này giơ cao thẻ nhà báo và nói: "Tôi là nhà báo, anh bạn đi cùng tôi cũng là nhà báo. Chúng tôi không phạm tội, tại sao bắt giữ, còng tay chúng tôi". Lúc đó, rất đông người dân kéo đến phản đối công an còng tay nhà báo.
Điểm đ - Khoản 4 - Điều 15, Luật Báo chí năm 1999 quy định Quyền và nghĩa vụ của Nhà báo: "Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật". |
Dẫn giải như tội phạm
Trước sự phản đối gay gắt của người dân và thấy không thể giật được camera của 2 PV, nhóm bảo vệ đã buông tay, rời khỏi đám đông. Trong khi đó, PV Công Lũy trong tư thế hai tay bị còng ngược ra sau, hai bên 2 Cảnh sát 113 áp giải và kéo lê như tội phạm đến trụ sở Công an Thị trấn Tịnh Biên.
Tại đây, mặc dù đã cung cấp đầy đủ thẻ nhà báo, giấy giới thiệu, nhưng PV Báo Công Lý vẫn bị tạm giữ trong tình trạng hai tay bị còng chặt… 30 phút sau, khi các PV đồng nghiệp khác liên lạc với một vị Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang để phản ánh, vụ việc mới được vãn hồi.
Sau đó, theo các phóng viên có mặt tại Hội chợ ghi nhận: Có 2 Phó Công an huyện Tịnh Biên đến trụ sở Công an thị trấn để làm rõ. Tại đây, hai PV Báo Công Lý và Nông thôn Ngày nay tiếp tục bị yêu cầu trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu đến 4 lần.
Dù đã trình bày đầy đủ theo yêu cầu Công an, PV Công Lũy vẫn tiếp tục phải làm việc với công an trong tình trạng tay bị còng ngược ra sau. Sau khi xác nhận đầy đủ chính danh, còng phía tay phải của của PV Trần Công Lũy mới được mở ra, trong khi tay trái vẫn còn chiếc còng xiết chặt, treo lủng lẳng. Hơn 1 giờ sau, Công an huyện Tịnh Biên mới đồng ý cho lập biên bản sự việc và nghe tường trình của PV Báo Công Lý cùng hai đối tượng đã tấn công, trấn áp, còng tay và dẫn giải nhà báo giữa hội chợ như tội phạm..
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, hai đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nói trên đều là cán bộ chiến sỹ của Công an huyện Tịnh Biên và Công an tỉnh An Giang. Sau khi biên bản kết thúc, chiếc còng trên tay PV Báo Công lý mới được tháo ra và anh Lũy được cho ra về…
Chiều 31/5, liên lạc với phóng viên Nông thôn Ngày nay - người chứng kiến và ghi lại vụ việc, anh cho biết: "Tôi cũng bị tấn công giật máy ảnh khi ghi lại cảnh PV Báo Công Lý bị tấn công. Tuy nhiên, tôi không hề được công an mời lập biên bản, lấy lời khai như một nhân chứng". Ngoài ra, PV Nông thôn Ngày nay cho biết, người dân chứng kiến vụ việc hôm đó rất bức xúc, trong đó có một số người chủ động tiếp xúc với anh để kể lại diễn biến sự việc... Nhưng tại thời điểm lập biên bản giải quyết vụ việc, họ cũng không được mời với tư cách nhân chứng?.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin diễn biến tiếp theo của sự việc này đến bạn đọc…
Ngọc Long
...
Hình ảnh công an còng tay phóng viên Báo Công Lý lôi đi như tội phạm là hình ảnh tiêu biểu nhất cho quyền tự do ngôn luận và xa hơn là nhân quyền ở Việt nam hiện nay.
Khánh Nam, Tây Ninh, Ngày 2.6.2011 kính chuyển Dân Làm Báo.