6 tấn vàng trị giá hơn 300 triệu USD đã được xuất khẩu dưới dạng nữ trang trong tháng 6/2011, chỉ cần lãi suất VND giảm, vàng và ngoại tệ sẽ trở lại tầm ngắm là tài sản cất giữ.
Do giá vàng nội địa thấp hơn giá quốc tế từ 400.000-450.000 đồng/lượng tùy thời điểm, các doanh nghiệp đã vay ngoại tệ nhằm hưởng lãi suất thấp, bán cho ngân hàng lấy tiền đồng mua vàng và khi xuất khẩu có ngoại tệ trả nợ vay.
Khoảng 6 tấn vàng trị giá hơn 300 triệu đô la Mỹ đã được xuất khẩu dưới dạng nữ trang kể từ đầu tháng 6-2011 là ước tính của giới kinh doanh thứ kim loại quý hiếm này.
|
Minh họa (IE) |
Tỷ giá ổn định, thậm chí đồng Việt Nam còn đang lên giá so với đô la Mỹ, nên vay ngoại tệ càng có lợi. Kim ngạch xuất khẩu vàng chắc chắn sẽ giúp giảm nhập siêu trong tháng, đồng thời làm cho nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Xu hướng xuất khẩu vàng được đánh giá sẽ còn tiếp diễn vì giá vàng trong nước đang giữ khoảng cách với giá thế giới đủ sức thúc đẩy các công ty xuất khẩu tìm kiếm lợi nhuận. Khoảng cách này có khả năng nới rộng nếu lãi suất tiền đồng tiếp tục đứng ở mức cao, kích thích sự dịch chuyển từ nắm giữ vàng sang giữ tiền đồng ở người dân.
Thực vậy, nếu bạn có một lượng vàng, bán lấy tiền ở thời điểm này được 37,8 triệu đồng, gửi tiết kiệm lãi suất 14%/năm, mỗi tháng nhận lãi 441.000 đồng. Trong trường hợp ba tháng sau bạn chuyển ngược lại tiền thành vàng, giá trị một lượng vàng của bạn lên tới 39,12 triệu đồng. Đó là cách không ít người tận dụng lãi suất tiền đồng, sự lên giá của đồng nội tệ và giá vàng để gia tăng giá trị tài sản.
Trước mắt nó ít rủi ro nhưng không phải không rủi ro vì sự biến động của giá vàng quốc tế là khó lường, thời gian ổn định của tỷ giá hối đoái và lãi suất tiền đồng cũng chưa thể xác định chính xác được. Chỉ cần tiền đồng rời neo lãi suất cao, vàng và ngoại tệ có thể trở lại tầm ngắm là tài sản cất giữ.
Mấu chốt của thị trường tiền tệ hiện nay là gì? Là lãi suất tiền đồng. Chỉ cần tiền đồng rời neo lãi suất cao, vàng và ngoại tệ có thể trở lại tầm ngắm là tài sản cất giữ. Những tuần gần đây lãi suất tiền đồng đang dịu lại khi nguồn cung có dấu hiệu được bung ra.
Việc đưa tiền ra qua kênh tái cấp vốn đã mau chóng cải thiện thanh khoản các ngân hàng. Một số tổ chức tín dụng thừa tiền đã mua trái phiếu chính phủ.
Lãi suất trái phiếu từ mức 13,3%/năm đã rớt xuống 12,65%/năm. Tuần trước 7.765 tỉ đồng trái phiếu đã được bán. Số lượng trái phiếu đăng ký mua nhảy vọt lên cả chục ngàn tỉ đồng/đợt với hy vọng trần lãi suất do Bộ Tài chính ấn định vẫn giữ nguyên.
Rõ ràng lượng tiền hút về ròng qua kênh thị trường mở và kênh trái phiếu vẫn đang thấp hơn lượng tiền bơm ra qua kênh tái cấp vốn.
Nhìn lại, Nghị quyết 11 mới thực hiện được ba tháng rưỡi, nguy cơ lạm phát vẫn đang hiện hữu, tại sao cung tiền lại bất ngờ tăng mạnh?
Tại hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thuyết phục thị trường rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát trở lại một chữ số và dự trữ ngoại hối được củng cố ở mức cao hơn. Chỉ khi đó mới tạo điều kiện cho lãi suất giảm lâu bền.
Tại hội nghị trên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trấn an: NHNN sẵn sàng phát hành tín phiếu bắt buộc nếu thanh khoản các ngân hàng được cải thiện. Cuối tháng 5-2011 đích thân Thống đốc Nguyễn Văn Giàu phát biểu với báo chí rằng NHNN không có chủ trương phát hành tín phiếu bắt buộc.
Vậy thông điệp thực sự của NHNN hiện nay là gì? Và thông điệp ấy có đi liền với các động thái thực tế?
Điều hành lãi suất theo tín hiệu lạm phát là điều được NHNN nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Lạm phát tháng 5 vẫn còn ở mức 2,21%, trong khi cung tiền đã được mở rộng đột ngột. Nếu lạm phát tháng 6 ở mức 1%, cung tiền sẽ đi theo hướng nào? Không lẽ gia tăng "linh hoạt" gấp đôi? Để rồi cuối quí 3 đầu quí 4 theo chu kỳ hàng năm, giá cả bắt đầu tăng lên, cung tiền lại tụt xuống?
Bài học chống lạm phát của năm 2008 vẫn còn chưa nguội. Kiểm soát lạm phát là cả quá trình dài hơi và nếu không kiên quyết, nó có khả năng bùng phát trở lại dữ dội hơn.
Sự kiểm soát cung cầu tiền tệ của NHNN lúc này đang thể hiện sự kiên định theo đuổi đến cùng chủ trương ghìm cương lạm phát hay để lạm phát dẫn dắt và chạy theo sau.
Lưu Hảo (Theo TBKTSG)