2011-06-21
Trung Quốc cung cấp hơn 60% nguyên liệu và thiết bị máy móc giá rẻ để
Việt Nam phát triển xuất khẩu trong những năm vừa qua. Điều gì xảy ra
nếu hai bên giảm buôn bán với nhau.
AFP photo
Một trung tâm thương mại của Trung Quốc xây dựng ở cửa khẩu Tân Thanh
thuộc biên giới phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn tháng 02/2009.
VN cần thận trọng
Trong kịch bản xấu nhất về tranh chấp chủ quyền biển đảo, giả thiết
quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam Trung Quốc xấu đi. Hai bên hạn chế
buôn bán với nhau thì điều gì xảy đến cho nền kinh tế Việt Nam.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định:
"Tôi nghĩ rằng, đấy là một trong những kịch bản mà chúng ta phải xem
xét. Bởi vì đối với người Trung Quốc, không thể lường được những gì mà
họ đã làm. Cần nhìn rõ những gì người Trung Quốc làm đối với bản thân
người Trung Quốc, đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc như ông Lưu Thiếu Kỳ
(*) thì có thể hình dung điều người Trung Quốc đối xử với người khác.
Tôi nghĩ rằng, người Trung Quốc có thể cho melamin vào sữa đầu độc trẻ
em Trung Quốc, thì chúng ta có lý do phải suy nghĩ về sự an toàn của
nền kinh tế Việt Nam.
Nhưng tôi nghĩ rằng, Trung Quốc cũng phải cân nhắc vì nếu họ làm như
vậy thì Trung Quốc cũng chịu thiệt hại không chỉ riêng Việt Nam chịu
thiệt hại. Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ rất kỹ bởi vì hiện nay nếu
Trung Quốc vẫn cứ hành xử như vậy thì Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô
lập, vị thế của Trung Quốc trên trường thế giới đang được xem xét dưới
ánh sáng phê phán và hoài nghi.
Song hiện nay theo chúng tôi quan sát, chủ nghĩa dân tộc đại Hán và
chủ nghĩa bá quyền ở Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Kinh nghiệm cho
thấy nếu như nền kinh tế xã hội Trung Quốc gặp khó khăn thì họ sẽ đẩy
cái khó khăn đó ra bên ngoài, họ kiếm một chuyện gì đó để gây sự rồi
kêu gọi sự thống nhất của cả nước. Trong trường hợp đó, rất có thể
Việt Nam sẽ là một con bài mà Trung Quốc sử dụng."
Theo nhận định của TS Lê Đăng Doanh tại cuộc tọa đàm hồi trung tuần
tháng 6 ở Hà Nội, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam Trung Quốc là
điển hình cho cơ cấu bất bình đẳng của nước phát triển mạnh ở phương
Bắc với một nước chậm phát triển hơn ở phương Nam. Nhập siêu từ Trung
Quốc năm 2010 lên tới 12,7 tỷ USD cao hơn tổng nhập siêu của Việt Nam
với các nước khác cùng năm. Có thể nhìn thấy sự phụ thuộc vào Trung
Quốc qua tình trạng nhập siêu. Giả dụ Việt Nam mua hàng của Trung Quốc
và thanh toán bằng nhân dân tệ, thì thêm phần phụ thuộc tài chánh. Đây
là một viễn cảnh kinh tế không hề đơn giản cho Việt Nam.
Cùng câu hỏi, điều gì xảy đến cho nền kinh tế Việt Nam giả sử Trung
Quốc và Việt Nam ngừng hoặc giảm quan hệ kinh tế thương mại do tranh
chấp Biển Đông. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn ở TP.HCM có cách nhìn
khác:
"Tôi không tin sẽ đi tới mức độ đó, tuy nhiên trong trường hợp có suy
giảm đi nữa thì trong quan hệ của Việt Nam với phần còn lại của thế
giới chẳng hạn, tôi nghĩ rằng nó sẽ không có ảnh hưởng gì lắm. Với tư
cách là thành viên của WTO thì Việt Nam vẫn có thể mở rộng các mối
quan hệ với những nước khác với những cường quốc kinh tế khác, tìm
được những nguồn cung cấp thiết bị máy móc nguyên vật liệu cho mình,
cũng như tìm được thị trường xuất khẩu cho mình. Tuy nhiên đây vẫn là
một chữ 'Nếu' rất lớn, tôi cho rằng những mâu thuẫn sẽ được dàn xếp.
Ai cũng mong muốn mọi chuyện sẽ tốt đẹp hỗ trợ cho sự phát triển hơn
là làm tổn hại."
Lệ thuộc quá nhiều vào TQ
000_Hkg2105338-250.jpg
Một tiệm bán vật dụng gia đình ở Lạng Sơn trưng bày toàn hàng Trung
Quốc. AFP photo
Được biết, năm 2011 ngành dệt may Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu
13 tỷ USD, da giày khoảng 5 tỷ USD. Nhưng để đạt mức xuất khẩu như thế
dệt may và da giày Việt Nam lệ thuộc 80% nguồn cung cấp nguyên vật
liệu giá rẻ từ TQ. Điều gì sẽ xảy ra cho ngành dệt may da giày khi mất
nguồn cung cấp nguyên vật liệu từ Trung Quốc, ông Diệp Thành Kiệt, Phó
chủ tịch hội dệt may thêu đan TP.HCM cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội da
giày Việt Nam phát biểu:
"Cố gắng đừng để tình huống đó xảy ra, tôi cho rằng quan hệ về mặt
kinh tế phải gắn với những mối quan hệ khác, cụ thể là quan hệ chính
trị. Lệ thuộc vào một quốc gia nào đó hay một nhà cung cấp nào đó, nếu
vì lý do nào đó họ không tiếp tục cung cấp thì sẽ gặp khó.
Hầu hết nguyên phụ liệu và thiết bị đều nhập từ Trung Quốc, sở dĩ nhập
như vậy vì giá rẻ, giá thành thấp, những nguyên vật liệu đó kể cả máy
móc phù hợp cho thị trường cấp trung và cấp thấp. Lâu dài có thể
chuyển dần từ sản phẩm cấp thấp lên trung và từ trung lên cấp cao thì
có thể nhập nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan….như vậy có thể giải
bài toán phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc."
Kinh nghiệm cho thấy nếu như nền kinh tế xã hội Trung Quốc gặp khó
khăn thì họ sẽ đẩy cái khó khăn đó ra bên ngoài. Trong trường hợp đó,
rất có thể Việt Nam sẽ là một con bài mà Trung Quốc sử dụng.
TS Lê Đăng Doanh
Năm 2010, lượng hàng hóa, thiết bị máy móc mà Việt nam mua của Trung
Quốc lên tới 19 tỷ USD trong khi xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang
Trung Quốc chỉ đạt 6,4 tỷ USD. Một mình Trung Quốc cung cấp tới 1/4
nguyên liệu đầu vào cho nền kinh tế Việt Nam trong khi Việt Nam trao
đổi thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng giảm thâm hụt cán cân thương mại của Việt
Nam nên bắt đầu từ mối nguy Trung Quốc là vì vậy.
(*Lưu Thiếu Kỳ nguyên chủ tịch Trung Quốc, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản
Trung Quốc nạn nhân cuộc cách mạng văn hóa, chết năm 1969 trong khi bị
giam giữ)
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.