Thứ tư, 13/4/2011, 16:45 GMT+7
|
Nhiều người đến nhà băng rút tiền gửi tiết kiệm USD và chuyển sang gửi tiền đồng. Ảnh: Lệ Chi |
Trong khi đó sau động thái siết lãi suất huy động USD cá nhân 3%, nhiều ngân hàng cho biết lượng tiền USD gửi tiết kiệm đang bị rút ra khỏi nhà băng.
Việc khống chế trần lãi suất huy động USD cá nhân ở mức 3% chính thức có hiệu lực trong ngày hôm nay (13/4), các ngân hàng thương mại đồng loạt ban hành biểu lãi suất huy động mới; trong đó, lãi suất huy động USD đối với các cá nhân hầu hết được áp dụng 3% một năm ở tất cả kỳ hạn (ngoại trừ qua đêm và kỳ hạn tính theo tuần).
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tất cả các kỳ hạn 1-60 tháng đều được áp ở mức 3% một năm. Hay như Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ở biểu thông thường phổ biến là 2,9% mỗi năm; nhưng mức 3% một năm có ở tất cả các kỳ hạn của sản phẩm "Tiết kiệm chọn kỳ lãnh lãi" - kỳ hạn 36 tháng....
Các nhà băng cho biết khách hàng gửi tiết kiệm USD đã ngay lập tức có phản ứng. Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, trong ngày hôm nay, một lượng tiền gửi bằng ngoại tệ tại nhà băng đang bị rút ra khỏi ngân hàng. "Số tiền này được rút ra để làm gì vẫn chưa rõ. Nếu nói rút ra để bán lấy tiền đồng và gửi tiết kiệm thì chưa có căn cứ. Bởi lượng tiền gửi bằng đồng tại nhà băng vẫn chưa tăng lên bao nhiêu", đại diện Sacombank nói.
Lý giải cho thực tế này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ sẽ hạ mức cung tín dụng USD của ngân hàng. Đồng thời, song song đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức lãi suất huy động trần khá thấp 3% làm cho người dân giảm mong muốn gửi tiết kiệm bằng USD.
Chuyên gia này cho rằng, bên cạnh đó, việc tăng tỷ giá liên ngân hàng trong thời điểm tỷ giá USD tự do giảm là để kích thích tổ chức, người dân bán USD cho ngân hàng (gửi không có lãi cao, tỷ giá tự do xuống dần và sắp ngang với ngân hàng thì bán USD là an toàn).
Cũng theo đánh giá của ông, việc Ngân hàng Nhà nước phối hợp đồng bộ giữa tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ, siết lãi suất tiết kiệm USD, thắt chặt điều kiện cho vay cùng các động thái như là kết hối... sẽ làm cho cá nhân, tổ chức găm giữ USD bán cho hệ thống ngân hàng, và cũng làm ngân hàng hạn chế việc huy động, cho vay USD.
"Việc này sẽ tăng cung tiền đồng trong nền kinh tế, dẫn đến tăng lượng tiền gửi bằng đồng, giảm lãi suất tiền gửi và kéo lãi suất cho vay hạ nhiệt trong thời gian không xa", chuyên gia kinh tế nhận định.
Lệ Ch
i