THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 April 2011

Thế giới hai tốc độ


2011-04-13

Hôm 11/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa công bố báo cáo về viễn ảnh kinh tế thế giới, trong đó họ dự báo sự hồi phục của kinh tế toàn cầu nhưng theo hai tốc độ.

AFP photo

Ảnh minh họa kinh tế thế giới

Tốc độ thấp là của các nước Tây phương đã phát triển và tốc độ cao của các nền kinh tế tân hưng hoặc đang trên đà phát triển. Tiêu biểu cho hai hình thái kinh tế này tại Đông Á chính là Nhật Bản và Trung Quốc. Cùng ngày Thứ Hai 11, Hải quan Trung Quốc cho biết là trong quý đầu của năm nay, kinh tế xứ này bị nhập siêu hơn một tỷ đô la, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2004. Chúng ta có thể thấy những gì qua hai báo cáo đó? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện.

Hồi phục nhưng không quân bình

Vũ Hoàng: Thưa ông, sáng Thứ Hai 11, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2004 kinh tế của họ bị nhập siêu hơn một tỷ đô la trong Quý Một. Sau đó, tại thủ đô Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố báo cáo về viễn ảnh kinh tế thế giới mà báo chí cho là đã hồi phục nhưng không quân bình. Liệu việc kinh tế Trung Quốc bị nhập siêu trong quý một có thể là dấu hiệu đầu tiên cho tiến trình tái lập quân bình hay chưa? Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông phân tích cho vấn đề này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hàng năm, sáu tháng một lần, Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại cập nhật việc khảo sát để đưa ra phúc trình về viễn ảnh kinh tế thế giới. Lần trước là vào tháng 10, lần này là vào đầu tháng Tư để chuẩn bị cho khóa họp mùa Xuân vào ngày 15 này tại thủ đô Hoa Kỳ. Khóa họp sẽ quy tụ lãnh đạo tài chính và ngân hàng của các nước và bản báo cáo dài hơn 280 trang này được dùng làm tài liệu tham khảo. So với phúc trình sáu tháng trước và được cập nhật vào đầu năm nay thì dự báo của Quỹ IMF không  thay đổi gì nhiều và so với dự phóng của nhiều cơ quan nghiên cứu khác thì vẫn lạc quan hơn một chút. 

Trên đại thể, Quỹ IMF dự báo là kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi sau nạn Tổng suy trầm 2008-2009, với tốc độ tăng trưởng bình quân năm nay là 4,4% và năm tới là 4,5%. Kết quả đó tổng hợp sự khác biệt giữa các nền kinh tế tiên tiến chỉ đạt nức tăng trưởng 2,4% và các nền kinh tế tân hưng hay đang phát triển thì đạt tốc độ là 6,5%, có thấp hơn bình quân năm ngoái là 7,3%.

Tôi thiển nghĩ rằng thế giới vẫn còn nhiều ẩn số chưa biết được với những rủi ro có thể lớn hơn những tính toán vào đầu năm nay. 

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhóm đã phát triển thì có Mỹ, khối Euro, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật, Anh, Canada, một số kinh tế tiên tiến Á châu như Úc, New Zealand. Nam Hàn, Đài Loan, Hong Kong, Singapore và bảy nước Âu châu khác cùng Israel, tổng cộng là 40 nước. Khối kia là các nước còn lại, như Nga và Đông Âu Trung Âu trong khối Xô viết cũ, các nước Bắc Phi Trung Đông, các nước Mỹ châu La tinh, nhưng đáng kể nhất vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Vì hai tốc độ tăng trưởng cao thấp khác nhau nên truyền thông mới kết luận theo IMF là hồi phục mà vẫn chưa quân bình hay "unbalanced recovery". Vì Trung Quốc lại bị khiếm hụt ngoại thương trong ba tháng đầu năm nên người ta cũng nói đến hy vọng tái lập quân bình khi kinh tế xứ này sẽ nhập nhiều hơn xuất, nhưng tôi nghĩ rằng đây lại là một sự lạc quan khác.

000_Hkg4698964-250.jpg
Các siêu thị tại Trung Quốc không còn hàng hóa (muối Iốt) sau trận động đất tại Nhật hôm 11/3/2011. AFP photo
Vũ Hoàng: 
Vì sao ông cho rằng số nhập siêu một tỷ đô la của Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2004 đến nay, vẫn chưa là một sự điều chỉnh cho quân bình hơn? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi đó khiến chúng ta sẽ phân tích riêng về Trung Quốc căn cứ trên một lượng định rất đáng chú ý khác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế mà ta sẽ tìm hiểu sau.
Nếu theo dõi thống kê kinh tế của Trung Quốc, ta thấy xứ này luôn luôn đạt xuất siêu ít hơn và đôi khi còn bị nhập siêu vào ba tháng đầu năm. Lý do gọi là sinh hoạt theo mùa là doanh nghiệp Hoa lục nhận tiền và ráo riết tích lũy nguyên nhiên vật liệu cho đầu năm sau khi bán mạnh vào dịp Giáng Sinh cho các nền kinh tế Tây phương rồi tăng gia sản xuất cho yêu cầu tiêu xài của thị trường nội địa thường kéo dài nhiều tuần vào Tết Nguyên đán.

Vì vậy mà nhập khẩu thường tăng khi xuất khẩu lại giảm sau đợt mua bán mạnh vào đầu năm dương lịch của các thị trường Tây phương. Tình trạng khiếm hụt hơn một tỷ này là kết số của xuất siêu 6,4 tỷ vào tháng Giêng, và nhập siêu 7,3 tỷ vào tháng Hai và nhập siêu chút ít là 139 triệu vào tháng Ba.

Nếu tình trạng nhập siêu là mua nhiều hơn bán của Trung Quốc mà kéo dài nhiều tháng liền sau Quý I thì ta mới có thể tin là đã có sự điều chỉnh, như lãnh đạo Bắc Kinh trù tính từ năm ngoái trong Kế hoạch Năm năm thứ 12 của họ khi Diễn đàn này nói đến khúc quanh của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, cũng qua thống kê vừa rồi của Hải quan, ta thấy một điều rất đáng chú ý là giá cả các loại nguyên nhiên vật liệu như dầu khí, quặng sắt hay kim loại và cả nông sản lương thực mà xứ này phải nhập đều tăng mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp lại càng mua vào rất nhiều để đầu cơ nên số nhập siêu có thể sẽ còn cao và điều ấy cũng gây ra áp lực lạm phát mà lãnh đạo Trung Quốc rất sợ. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một kỳ khác, nếu kết hợp thêm sự kiện là thị trường Nhật Bản bị co cụm nên sẽ nhập khẩu ít hơn từ Trung Quốc. 

Nói chung, lãnh đạo Bắc Kinh có thể viện dẫn một tỷ đô la nhập siêu vào đầu năm để giải tỏa sức ép về tỷ giá đồng bạc của họ trong hội nghị tài chính quốc tế tuần này tại thủ đô Hoa Kỳ, nhưng trong bụng thì họ không mấy yên tâm về tình hình trước mắt. Họ muốn điều chỉnh nhưng trong nhịp độ mà họ phải kiểm soát được.

Kinh tế Trung Quốc

Vũ Hoàng: Ông có nói đến một lượng định rất đáng chú ý trong báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về kinh tế Trung Quốc. Lượng định đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin nói đến lý luận theo kiểu "âm mưu đen tối" mà có thể lãnh đạo Bắc Kinh đang lởn vởn trong đầu. Đó là Hoa Kỳ có ý đồ gây sức ép để Trung Quốc nâng giá đồng bạc và vì đó mà sẽ bị khủng hoảng như Nhật Bản đã từng bị trong 20 năm qua. Báo cáo hôm Thứ Hai của Quỹ Tiền tệ Quốc tế xoáy thẳng vào vấn đề này để chứng minh là sai!

Vũ Hoàng: Đề mục này quả là hấp dẫn, xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của sự việc.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Bắc Kinh không chỉ thầm nghĩ vậy mà còn nói ra. Ngày 19 tháng Chín năm ngoái, một kinh tế gia tư vấn của Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh có nêu luận điểm ấy. Đó là ông Lý Đạo Quỳ, tốt nghiệp Đại học Harvard, nay là tư vấn về chính sách tiền tệ. Ông nhận định là Trung Quốc sẽ không phạm vào sai lầm của Nhật Bản khi chiều theo sức ép của Mỹ tại hội nghị Plaza ở New York năm 1985 mà nâng giá đồng Yen khiến kinh tế bị khủng hoảng từ năm 1991. Cuối chương một ở trang 53 của bản phúc trình, các chuyên gia kinh tế IMF phân tích thẳng vấn đề và vừa phản bác lý luận này vừa khuyến cáo Bắc Kinh. Đây mới là đề mục đáng chú ý trong cuộc tranh luận hiện nay vì Trung Quốc không là Nhật Bản!

Tôi xin được giải thích tóm gọn chuyện đó như sau: Tháng Chín năm 1985, năm nền kinh tế đứng đầu thế giới khi ấy là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp có hội nghị tại Khách sạn Plaza ở New York để thảo luận về tình trạng Mỹ kim lên giá và cần sự phối hợp để điều chỉnh khi hai nền kinh tế xuất khẩu mạnh nhất là Nhật và Đức có mức thặng dư mậu dịch quá lớn. Kết quả của hội nghị mà người ta gọi là "Thỏa ước Plaza 1985" là sự can thiệp có phối hợp trong ngắn hạn để hạ giá đồng Mỹ kim. Hậu quả là đồng Yen Nhật tăng giá mạnh, tới 46% so với đô la, làm xuất khẩu giảm mạnh và đà tăng trưởng của Nhật bị khựng vào đầu năm 1986. Đó là sự thể khách quan.

000_Hkg4703419-250.jpg
Giám đốc IAEA Yukiya Amano (T) trò chuyện cùng Thủ tướng Nhật Naoto Kan tại Tokyo hôm 18/3/2011. AFP photo
Vũ Hoàng: 
Nhưng nếu xuất khẩu và tăng trưởng của Nhật đều giảm thì vì sao kinh tế Nhật lại bị bể bóng đầu tư và khủng hoảng từ năm 1991 cho đến nay?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thế mới là vấn đề! Không phải Thoả ước Plaza năm 1985 hoặc ý đồ của Mỹ làm cho Nhật Bản bị khủng hoảng. Chính là vì chính quyền Nhật sau đó ráo riết bơm tiền và hạ lãi suất để kích thích kinh tế, cũng y như Trung Quốc gần đây. Và quyết định ấy mới thổi lên trái bóng đầu tư về cổ phiếu và địa ốc, với lượng tín dụng tăng 150% cho hai khu vực này làm giá cả tăng gấp ba trong năm năm, tính từ 1985 đến 1989. Đầu năm 1990 thì bóng bể và các biện pháp chống đỡ sau đó mới kéo dài sự suy sụp kinh tế. 

Nói cho ngắn gọn thì vì sợ xuất khẩu suy giảm khi đồng bạc lên giá mà Nhật bơm quá nhiều tiền vào kinh tế và thổi lên bong bóng rồi tự mang họa khi bóng bể vì những yếu kém ngay trong hệ thống tài chính và ngân hàng của họ. Đáng chú ý là khi ấy Đức cũng thấy đồng bạc tăng giá nhưng không vì vậy mà đà xuất khẩu hay tăng trưởng bị sút giảm mạnh, cho dù Đức có ngân khoản kích thích còn ít hơn Nhật Bản.

Cảnh báo của IMF

Vũ Hoàng: Thưa ông, như vậy thì chìm trong báo cáo rất chuyên môn về kinh tế, Quỹ Tiền tệ IMF có cảnh báo lãnh đạo Trung Quốc. Rằng thứ nhất, đừng đổ lỗi cho một âm mưu mờ ám nào đó từ phía Hoa Kỳ. Và thứ hai, khi thấy đồng bạc lên giá thì đừng quá sợ mà ào ạt bơm tiền kích thích. Chính là biện pháp kích thích quá mạnh đó mới gây vấn đề, có phải là như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế. Hoàn cảnh Trung Quốc ngày nay có khác với Nhật ngày xưa, báo cáo của Quỹ Tiền tệ IMF có nhấn mạnh như vậy để trấn an Bắc Kinh sau khi điều chỉnh lại lý luận về tương quan nhân quả, tức là cái nhân không phải là áp lực hay ý đồ của Hoa Kỳmà là sai lầm về chính sách tại Nhật. Khác biệt ngày nay là Trung Quốc không mắc nợ nhiều như Nhật Bản thời trước nên rủi ro về vay mượn cũng thấp hơn. Thứ hai, vì trình độ sản xuất thấp hơn nên Trung Quốc còn có thể cải tiến phẩm chất hàng xuất khẩu theo nhịp tăng giá của đồng bạc là trường hợp nan giải hơn cho Nhật khi sản phẩm của họ đều có đẳng cấp cao nên khó lên cao hơn. Sau cùng, Trung Quốc chưa có chế độ ngoại hối tự do như Nhật và có dự trữ ngoại tệ dồi dào nên sẽ không bị nạn đồng bạc lên giá quá mạnh như Nhật Bản. 

Kết luận hàm chứa bên dưới là Trung Quốc nên điều chỉnh, có thể điều chỉnh và nên học hỏi từ sai lầm của Nhật Bản mà tránh những động thái quá mạnh quá lớn so với khả năng hấp thụ của hệ thống ngân hàng và cơ chế kinh tế. Đây là một lời khuyên rất chừng mực của một thầy thuốc khi thấy con bệnh quá sợ hãi mà không chịu uống thuốc hoặc lại uống liều thuốc đổ bệnh và gây hậu quả là lại thổi lên bong bóng đầu cơ rồi đổ lỗi cho người khác.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ông có nói rằng dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể là hơi lạc quan. Vì sao lại như vậy?

Quốc nên điều chỉnh, có thể điều chỉnh và nên học hỏi từ sai lầm của Nhật Bản mà tránh những động thái quá mạnh quá lớn so với khả năng hấp thụ của hệ thống ngân hàng và cơ chế kinh tế. 

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng thế giới vẫn còn nhiều ẩn số chưa biết được với những rủi ro có thể lớn hơn những tính toán vào đầu năm nay. 

Thứ nhất, hậu quả của thiên tai, động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân tại Nhật Bản có thể trầm trọng hơn những dự đoán ban đầu khi xứ này còn bị hàng loạt dư chấn và tai họa quá nặng về năng lượng sẽ đẩy thêm sức ép trên giá dầu thô. Thứ hai, tình hình Trung Đông và Bắc Phi chưa êm nên giá dầu có thể sẽ còn tăng và cao hơn cơ sở dự phóng của bản báo cáo là dầu thô ở khoảng 107 đồng năm nay và 108 đồng vào năm tới. Thứ ba, giá thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu và nông sản lương thực có thể còn tăng vì giá dầu, vì sức hút của kinh tế Trung Quốc và vì đà hồi phục nói chung của cả thế giới nên lạm phát sẽ trở thành mối nguy cho các nền kinh tế phải nhập khẩu thương phẩm. Vì vậy, đà hồi phục của thế giới có khi thấp hơn và một số quốc gia sẽ gặp nhiều biến động đột ngột hơn....

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành cho cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự: