THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

30 March 2011

# Bàn Mô.t Chút Vê` Vu. Án LS Cù Huy Hà Vu~ (1,2)

 
# Bàn Một Chút Về Vụ Án LS Cù Huy Hà Vũ
 
 
 
Xin nhắc lại, LS Nguyễn Xuân Phước có văn phòng ở thành phố Richarson, Texas, đã đại diện cho gia đình của TS Cù Huy Hà Vũ. Bà Cù Thị Bích Xuân, em gái của TS Vũ, là người đã trao quyết định ủy quyền cho LS Phước để nạp đơn khiếu kiện lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, về việc Nhà Cầm Quyền Hà Nội đã vi phạm vào Điều 19 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và cũng vi phạm vào Điều 19 của Bản Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự Và Chính Trị, trong tiến trình bắt giam và kết tội Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự đối với TS Vũ.
 
 
Qua bài phỏng vấn dưới đây của phóng viên Nguyễn Khoa Thái Anh với LS Nguyễn Xuân Phước, chúng ta có nhận xét rất đáng mừng khi thấy LS Phước rất tài giỏi, nắm rất rõ về luật pháp quốc tế, cũng như có rất nhiều những sáng kiến rất độc đáo như nhận xét: "Vụ án này không còn là vụ án xử TS CHHV mà là Đảng CSVN tự xử mình trước Tòa Án Quốc Tế" và đưa ra 3 giai đoạn của nền luật pháp nước CHXHCNVN: "pháp luật rừng sâu" ở thời kỳ đấu tranh giai cấp, đánh tư sản, tịch thu tài sản của giai cấp tư sản, bỏ tù các nhà tư sản một cách an nhiên tự tại, đến nền "pháp luật rừng xanh" khi bắt đầu đổi mới, và đến nền "pháp luật rừng thưa" khi hội nhập vào cộng đồng thế giới." Tuy nhiên, khi LS Phước cho rằng, "đây là vụ án chính trị lớn nhất từ xưa đến nay", e rằng nó đi trật đường rày với luật pháp của nước CHXHCNVN. Nên nhớ, Điều 88 (tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN) nằm trong Bộ Luật "Hình" Sự, và chưa bao giờ NCQ Hà Nội công nhận giam giữ 1 tù nhân chính trị. Ở đây, LS Phước nên quen phân biệt rõ giữa nước VN và nước CHXHCNVN, đừng nhầm lẫn 2 từ ngữ này, vì họ đã đổi tên nước thành CHXHCNVN từ năm 1976. NCQ Hà Nội thường cho rằng, không ai bị bắt bớ vì bất đồng chính kiến, nên đất nước CHXHCNVN không có tù chính trị. Đây là điểm rất lưu manh trong luật pháp nước CHXHCNVN, nó bảo vệ NCQ Hà Nội trước con mắt của quốc tế. Tuy rằng quốc tế cũng hiểu sự bịp bợm của nó, nhưng vẫn không làm gì được nó, qua những vụ xử án mang tính chất "chính trị" rất rõ ràng như vụ xử án linh mục Nguyễn Văn Lý, LS Lê Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Đài, và LS Lê Công Định, và hàng chục vụ xử án khác.

Có 4 điểm cần phân tích cho rõ:

A) Thông thường đối với bất kỳ quốc gia nào, luật quốc tế phải cao hơn luật quốc gia, nhưng đối với NCQ Hà Nội có thể thứ tự này bị đảo ngược.

Trong qúa khứ, đã có những phản ứng rất quyết liệt của quốc tế; vì thế, bà phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCNVN Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng tố cáo đích danh Liên Minh Âu Châu, Anh, Mỹ xâm phạm vào nội bộ của nước CHXHCNVN, nguyên văn như sau:
"Việc bắt giữ, điều tra, xét xử và kết án các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Đáng tiếc là đại diện của Anh, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã có những nhận xét thiếu thiện chí về vấn đề này, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam." (http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Dai-dien-Anh-My-va-EU-can-thiep-viec-noi-bo-VN-891051/). Có lẽ bà Nga chẳng biết gì về 2 văn kiện, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (*1)Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự Và Chính Trị (*2) mà nói: "các quy định của pháp luật Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế". Bà Nga đâu biết rằng, pháp luật của nước CHXHCNVN đã vi phạm rất nhiều vào những quy định của luật pháp quốc tế qua văn kiện (*1) và (*2). Ngày 18 tháng 7 năm 1977, Hà Nội gia nhập Liên Hiệp Quốc, đương nhiên Nhà cầm quyền Hà Nội phải công nhận và cam kết tuân thủ những gía trị của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) khi trở thành một thành viên của Liên Hiệp Quốc. Kế đến, vào ngày 24 tháng 9 năm 1982, Hà Nội lại ký kết tuân thủ theo Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự Và Chính Trị (1966). Tóm lại, NCQ Hà Nội phải tuân thủ 2 văn kiện này và phải soạn luật pháp của mình cho phù hợp với 2 văn kiện này. Quốc tế cũng có luật chơi của quốc tế. Thà rằng NCQ Hà Nội đừng ký kết tham gia, còn tham gia thì phải tuân thủ luật chơi của quốc tế, không thể cứng đầu lên tiếng: "Nhân quyền Việt Nam khác với nhân quyền của Hoa Kỳ, hay khác với nhân quyền của các quốc gia khác." Nhiều khi, NCQ Hà Nội lại thường lên tiếng: "Luật pháp của CHXHCNVN khác với luật pháp của thế giới, không thể đem luật pháp của một nước này áp đặt lên một nước kia." Thật ra, câu trên này chỉ đúng có một nửa. Đúng là không thể áp dụng luật pháp của quốc gia này lên quốc gia kia, nhưng vẫn phải tuân thủ những điểm chung chung mà quốc tế đã đặt ra. Chính vì những điểm chung chung này mà đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak, trước đây đã lên tiếng kêu gọi NCQ Hà Nội phải phóng thích vô điều kiện những nhà dân chủ, và cáo buộc nước CHXHCNVN đã vi phạm vào những quy định trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Tương tự, bà Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton, Dân Biểu Cao Quang Ánh, Dân Biểu Loretta Sanchez... cũng đồng loạt lên tiếng. Cùng lúc đó, các hiệp hội về nhân quyền như Human Rights Watch, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Hội Luật Sư Quốc Tế, ... cũng đã lên tiếng cáo buộc Nhà cầm quyền CHXHCNVN vi phạm những nguyên tắc căn bản trong việc xử án.
Dưới đây chỉ là sơ khởi tóm lược những vi phạm của NCQ Hà Nội vào 2 văn kiện quốc tế (*1) & (*2):
 
 
1) Điều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN) trong Bộ Luật Hình Sự đã vi phạm vào Điều 19 của BTNQTNQ. Bất cứ công dân nào cũng có quyền chỉ trích những việc làm sai trái của NCQ, nhờ đó, đất nước mới tiến bộ, phát triển, NCQ cần cám ơn những công dân nào chỉ trích. Chỉ Thị 37 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vi phạm vào điều 19 này khi cấm tư nhân ra báo. Điều 19 cho mọi người được quyền tiếp nhận và phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện, lẽ dĩ nhiên trong đó có cell phones, laptop, computers,.. Nhà cầm quyền CHXHCNVN không thể dùng những phương tiện này coi như những vật chứng để kết tội những nhà dân chủ tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN.
 
 
2) Rất nhiều vụ xử án, quan tòa cứ đem "nhân thân tốt" ra để giảm án cho những đảng viên của ĐCSVN như chúng ta thường thấy qua những vụ xử án của Thiếu Tướng Bùi Quốc Huy, Ủy Viên Trung Ương Đảng Trần Mai Hạnh, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Thể Dục Thể Thao Phó Lương Quốc Dũng, Thứ Trưởng Bộ Thương Mại Mai Văn Dâu, Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải Huỳnh Ngọc Sỹ, Tổng Biên Tập Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam Đào Duy Quát... Những việc làm này vi phạm vào Điều 1 của BTNQTNQ cũng như Điều 52 Hiến Pháp (Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật). Một sự bất công rất khủng khiếp: Tấm thẻ Đảng không khác gì kim bài miễn tử vua cho của thời phong kiến, cùng lắm là bị xử lý nội bộ. Nhiều khi người phạm tội còn được thuyên chuyển đi nơi khác với quyền hành chức vụ còn cao hơn xưa.
3) Việc anh Trần Huỳnh Duy Thức khai trước tòa rằng anh ta bị ép cung, bị nhục hình. Điều này đã vi phạm vào Điều 5 của BTNQTNQ. Tất cả những ai từng ở tù, ít nhiều đều bị tra tấn, đánh đập rất tàn nhẫn, rất dã man. Việc vi phạm này coi như là điều hiển nhiên không cần phải chứng cớ. Còn muốn bằng cớ, có lẽ chúng ta đếm không hết những nạn nhân như: Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Ms Nguyễn Công Chính, chị Lê Thị Kim Thu, Ms Trần Văn Kỳ, Ms Nguyễn Trung Tôn ... Công An đánh dân được coi như luật bất thành văn. Qúy vị có thể vào http://youtube.com và tìm "công an đánh dân", sẽ có biết bao nhiêu video clips chứng minh điều đó. Chỉ cần qúy vị quên mang mũ an toàn là đã bị công an đánh rồi. Việc tra tấn, đánh đập này cũng đã vi phạm vào điều 72 Hiến Pháp (Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật...)

4) Trường hợp chị Trần Khải Thanh Thủy, bị bọn xã hội đen hay công an gỉa xã hội đen, ném phân tươi vào nhà 14 lần. Dù chị Thủy đã khiếu nại nhiều lần trước nơi công quyền, nhưng không được luật pháp bảo vệ. Việc này NCQ Hà Nội đã vi phạm vào Điều 7 của BTNQTNQ. Vì thế, chẳng lạ gì ông Tham Tán Chính Trị Brian Aggeler đã chính thức viết đơn can thiệp thẳng với ông Nguyễn Thanh Sơn, trực thuộc Bộ Công An lúc đó.

5) Chị Trần Khải Thanh Thủy cũng đang bị giam cầm một cánh độc đoán. Chỉ vì một cuộc ấu đả, mà Nhà cầm quyền CHXHCNVN đã giam chị Thủy từ ngày 10/10/2009 đến hôm nay 25/01/2010, vị chi đã 3 tháng 15 ngày. Việc này đã vi phạm vào Điều 9 của BTNQTNQ. Việc NCQ Hà Nội đã tạm giam chị Phạm Thanh Nghiên trong suốt 16 tháng 13 ngày cũng vi phạm Điều 9 này.
 
 
6) Vừa rồi, hàng chục công an đã xâm nhập vào nhà ở của anh Nguyễn Bá Đăng, và bắt anh đi mà chẳng có một trát tòa án. Anh Đỗ Nam Hải cũng thường xuyên bị những trường hợp như thế. Việc này vi phạm điều 12 của BTNQTNQ.
 
 
7) Chánh sách hộ khẩu của Nhà cầm quyền CHXHCNVN đã vi phạm vào điều 13.1 của BTNQTNQ. Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia của mình mà không cần phải xin phép ai, hoặc phải có hộ khẩu mới được ở.

8) Mới đây thôi, bà phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao nước CHXHCNVN, Nguyễn Phương Nga đã từng lên tiếng rằng Tham Tán Chính Trị Hoa Kỳ Christian Marchant phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vì ông Christian Marchant không tuân thủ nên bị nhiều cảnh sát VN vật nằm xuống đường, cùng khiêng ông lên xe, rồi đóng cửa xe làm giập chân ông ta vài lần. Điều này NCQ Hà nội đã vi phạm luật quốc tế Vienna Convention về Quan Hệ Ngoại Giao (Diplomatic Relations), trong có điều khoản "bất khả xâm phạm thân thể nhà ngoại giao" (diplomatic immunity).

B) Có một điểm rất lưu manh cần nhắc nhở, nó nằm ở Điều 69 Hiến Pháp (công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật).

Từ câu thòng "theo quy định của pháp luật", NCQ Hà Nội đẻ ra Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự. Có nghĩa rằng, anh có quyền tự do ngôn luận, muốn nói gì nói, nhưng phải theo quy định của Điều 88, đừng có tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN, mang tội hình sự. Có 2 cách để phản biện, câu "theo quy định của pháp luật" này mâu thuẫn với toàn bộ Bản Hiến Pháp. Đơn giản, luật hiến pháp là luật cao nhất của một đất nước, không thể chạy theo bất kỳ một quy định nào của Nhà nước. Cách thứ hai, căn cứ vào điều 146 Hiến Pháp (Hiến pháp nước CHXHCNVN là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp), Điều 88 đã vi hiến vì không phù hợp với Điều 69, coi như Điều 88BLHS là luật con, hãm hiếp luật mẹ Điều 69HP.

C) Nước CHXHCNVN cũng có tam quyền: hành pháp, lập pháp, và tư pháp, nhưng thực chất không phân (không phân quyền riêng biệt, 1 người có thể nắm 2 quyền), không lập (không độc lập, dưới sự chỉ huy của Đảng).

Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã từng tuyên bố: "3 quyền này phải được chỉ đạo bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam." Những người nằm trong hành pháp và tư pháp đều do Đảng chỉ định, hay lập pháp được bầu cho có lệ, 95% là đảng viên của ĐCSVN, 5% chỉ để làm kiểng cho việc hợp thức hóa là có người ngoài Đảng nằm trong quốc hội. Một cái quốc hội tả bí lù, hành pháp như Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Minh Triết còn là đại biểu quốc hội (lập pháp). Coi như một người có thể vừa có trách vụ hành pháp và lập pháp cùng một lúc, coi như vừa làm luật rồi vừa thi hành luật, nên bị gọi "vừa đa banh, vừa làm trọng tài". Theo Điều 83 Hiến Pháp (Quốc Hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCNVN, nhưng theo link (http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201008/Quoc-hoi-co-the-hop-bat-thuong-ban-sua-Hien-phap-931640/), QH đã không dám quyết định bất cứ việc gì, mà phải "trình sang" Bộ Chính Trị, Trung Ương, thế này là thế nào ??? Qủa thật, đây là một điều qúa nhục nhã cho Chủ Tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ Tịch QH Uông Chu Lưu khi lên tiếng: "Việc đại sự liên quan đến sửa Hiến pháp, tôi đã nêu từ sớm lắm rồi. Đảng đoàn QH đã gửi tờ trình sang Bộ Chính trị, Trung ương với giả định nếu bỏ HĐND thì phải sửa Hiến pháp ngay kỳ họp này hoặc kỳ họp khác vào cuối năm". Điều này khẳng định qúa rõ, QH chỉ là bù nhìn, dưới sự chỉ đạo của ĐCSVN.

D) Điều 4 Hiến Pháp (ĐCSVN, ..., là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội).

1) Hiến Pháp là bộ luật cao nhất nước, được đặt ra nhằm mục đích mang lại công bằng, bình đẳng cho mọi người, mọi đảng phái... Câu hỏi được đặt ra, tại sao Hiến Pháp lại dành quyền ưu tiên cho ĐCSVN được quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội??? Chẳng lẽ các đảng phái khác không được quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội??? Tại sao lại có sự bất công vô lý như thế??? Điều 4 Hiến Pháp bất công rõ rệt như thế này đáng cho vào sọt rác.

2) Đảng Cộng Sản Việt Nam, là một danh từ riêng của một nhóm người, không thể được phép bỏ vào Hiến Pháp. Một đảng có thể bị giải tán là trường hợp rất bình thường. Chẳng lẽ mỗi khi ĐCSVN chết đi lại phải sửa bản Hiến Pháp à ??? Theo quy luật tự nhiên, tất cả những điều khoản trong Hiến Pháp phải dựa theo những luật lệ chung chung để áp dụng chung cho tất mọi trường hợp xảy ra.

Qủa đúng như LS Phước đã nói: "Nước Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống pháp luật tôn trọng công lý và lẽ phải. Điều này đã được xác định bởi cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An, và cựu Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Văn Hiện." Ba người này đã từng là những người đứng đầu cơ quan tư pháp, lập pháp, tòa án nhân dân tối cao, nên sự xác định của họ rất là chính xác. Hệ thống pháp luật của nước CHXHCNVN được đặt ra với mục đính bảo vệ cho một nhóm cầm quyền có Đảng tịch, không bảo vệ cho người dân. Bởi vậy, gần như sau bất kỳ phiên xử án nào, khi bản án được đưa ra, đa số đều cho là "bản án bỏ túi". Dễ hiểu, bản án được viết sẵn nằm trong túi chánh án, trước phiên xử án. Còn người ngoại quốc, khi xem xong bản án thì thốt lên: "Tòa án của loài đại thử (Kangaroo Court)

Tổng Nổi Dậy Xuống Đường Bà Con Ơi,
Ngày 29 tháng 3 năm 2011
Xin phổ biến tự do
 
 
PS: BTNQTNQ (1948) và BCUQTVNQDSVCT (1966)

(*1) Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Việt)
http://www.vietnamhumanrights.net/viet/vintbill/phanmodau.htm

TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (1948)


LỜI MỞ ĐẦU

Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,

Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, đượïc giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,

Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,

Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,

Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,

Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,

Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.

Vì vậy,

ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC

Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.

Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.

Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.

Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.

Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.

Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.

Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.

Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.

Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.

Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.

Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.

Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.

Điều 11:

  1. Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
  2. Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.

Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.

Điều 13:

  1. Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
  2. Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.

Điều 14:

  1. Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
  2. Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

Điều 15:

  1. Ai cũng có quyền có quốc tịch.
  2. Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.

Điều 16:

  1. Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.
  2. Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
  3. Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.

Điều 17:

  1. Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
  2. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.

Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Điều 20:

  1. Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.
  2. Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.

Điều 21:

  1. Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
  2. Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
  3. Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.

Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.

Điều 23:

  1. Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.
  2. Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.
  3. Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.
  4. Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghĩ định kỳ có trả lương.

Điều 25:

  1. Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
  2. Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.

Điều 26:

  1. Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.
  2. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.
  3. Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.

Điều 27:

  1. Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.
  2. Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.

Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.

Điều 29:

  1. Ai cũng có nghiã vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
  2. Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.
  3. Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.

(Phỏng theo bản dịch của Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền
với sự tu chính của Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Nhân Quyền.)

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~