Ngày 12 tháng 2 năm 2011
H,
Theo dõi tình hình ở quốc nội, người ta được biết:
"Vào lúc 16h00 ngày 08/02/2011 tức mùng 6 tết, tại chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM đã tổ chức buổi lễ cầu an rất "hoành tráng" (nói theo ngôn từ của Việt cộng) cho gia đình Nguyễn Tấn Dũng".
Nó khiến dư luận mỉa mai cho rằng "Chắc nhờ Trời Phật phù hộ độ trì nên người có "xú danh" là Thái thú "Dũng Bauxite-Vinashin-Rác" chẳng những được tai qua nạn khỏi mà ông còn được tiếp tục ngồi ở chiếc ghế Thủ tướng tưởng như đã bị bẻ gãy trước đó. Ðã vậy, Thái thú Dũng còn đưa được con trai là Nguyễn Thanh Nghị vào Trung ương Ðảng, chuẩn bị nối ngôi, dầu rằng cậu ta không phải là đại biểu dự đại hội Ðảng……."
Sở dĩ có được như vậy là nhờ Dũng nắm thế thượng phong ở cả 2 cánh bộ đội và công an với Tướng Nguyễn Chí Vịnh [nhân vật chủ chốt của Tổng Cục 2, người anh em cùng là con của Nguyễn Chí Thanh] ngồi ở Bộ Quyốc phòng, và đáng kể nhất là Tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ công an [nhân vật hàng đầu trong việc dàn dựng những vụ triệt hạ các thành phần chống đối], mặc dầu Dũng chỉ được 200 phiếu trong tổng số gần 1400 đại biểu đảng tham dự đại hội; và Nghị chỉ được 15/400 phiếu bầu thành ủy viên và cũng chỉ được 2/15 phiếu của các thành viên chóp bu.
Ngoài ra, dự luận cũng nhận định thêm là Dũng vẫn tồn tại ở ngôi vị "béo bở" nhờ lật ngược ván cờ, phản công hiệu quả, sau các đòn độc của Trương Tấn Sang, một đồng chí cùng ngồi trong Bộ Chánh trị và cùng lăm le chiếc ghế Tổng Bí Thư, không ai nhường ai, nên để lọt vào tay Nguyễn Phú Trọng [Xem hình Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Trương Tấn Sang (mặt)].
Còn nhớ, tin được đài BBC loan đi ngày 23/11/2010 cho biết Luật sư Trần Vũ Hải, người hôm 22/11 đã viết thư thúc giục đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đòi Chính phủ cung cấp thông tin đầy đủ về Vinashin, nói về cả trách nhiệm của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rằng: "Anh nhận trách nhiệm ở đây là anh phải xin lỗi nhân dân, đúng ra là phải từ chức." Ông Hải nói các Ðại biểu Quốc hội cần "gây sức ép" để ông Nguyễn Tấn Dũng và những người có liên quan nhận trách nhiệm; nếu họ tiếp tục cương vị thì cần có cam kết nếu không phục hồi được Vinashin vào một thời điểm cụ thể trong tương lai, họ sẽ phải từ chức.
Ðại biểu Quốc hội CSVN Nguyễn Minh Thuyết
Nhưng, tất cả đều chẳng đi đến đâu, vì theo tường thuật của Trềnh A Sáng được đăng trên DCVOnlie thì trong thời gian ngắn, trước ngày khai mạc Ðại hội Ðảng XI, sáng ngày 02.11.2010 báo Tuổi Trẻ đăng trên trang nhứt hình Ðại biểu Quốc hội Cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Thuyết [xem hình] thật lớn với dòng tít cũng rất lớn:"Cần thành lập ủy ban điều tra vụ Vinashin". Mà điều tra Vinashin ở đây có nghĩa là điều tra Thủ tướng Dũng, một kiểu luận tội Thủ tướng theo kiểu phương Tây, trong bối cảnh cuộc họp Quốc hội đang đến hồi nóng bỏng. Phe Thủ tướng Dũng coi như bị dồn đến chân tường, sau khi dự án đường sắt cao tốc bị bác, vụ Bauxite Tây Nguyên bị xới tung và vụ Vinashin bị đổ vỡ, nhứt là trận bùn đỏ tận bên Hungary tưởng đã nhấn chìm Dũng và đồng bọn tay sai của Trung quốc.
Nhưng, bất ngờ, một cú điện thoại từ Hà Nội gọi vào cho người cầm đầu báo Tuổi Trẻ là Phạm Ðức Hải, hỏi rằng:"Nguyễn Minh Thuyết là nguyên thủ quốc gia hay sao ông tương hình to tổ bố lên mặt báo thế? Báo Ðoàn Thành phố muốn chống chính phủ hả?"; rồi ra lịnh:
"Phải chấm dứt chỉ trích Thủ tướng, Chính phủ, chấm dứt phê phán Vinashin, Bauxite… Tường thuật họp Quốc hội là phải đa chiều, trong đó nhấn mạnh những thành tựu đạt được của đất nước, những thành tích điều hành Chính phủ của Thủ tướng, của các Bộ trưởng… Sắp tới, khi Thủ tướng và các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, báo chí cũng không được làm đậm những mặt tiêu cực, chưa được để làm hoang mang lòng dân, phải nêu bật các thành tựu để lòng dân phấn chấn hướng tới Ðại hội XI…"
Hồ Thu Hồng (áo đen) trong cuộc biểu tình chống TQ
Sáng sớm hôm sau, 3/1/2011, trên trang bìa báo Tuổi Trẻ hình ảnh hai Ðại biểu tay sai của Dũng được in lớn cùng size với hình Thuyết của ngày hôm trước, với tựa cũng lớn "Ðừng vì Vinashin mà làm rắc rối thêm tình hình". Ðại biểu Nguyễn Ðức Kiên (Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) khẳng định Vinashin không phá sản. Còn đại biểu Tướng Bế Xuân Trường (Tư lệnh Quân khu 1, Bắc Cạn) thì nói rằng không nên lập ủy ban điều tra vụ Vinashin; đồng nhịp với các báo Pháp Luật TP.HCM, Người Lao Ðộng, Sài Gòn Tiếp Thị, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn… Khi thấy Tuổi Trẻ quy phục Thủ tướng; Blogger Beo, tức Hồ Thu Hồng, Tổng biên tập báo Thể thao TP HCM, reo mừng chiến thắng la toáng lên rằng "Chưa bao giờ Tuổi Trẻ có một trang bìa hay như thế". Nó khiến người ta nhớ lại bản thân bà Hồ Thu Hồng, từ khi bà lãnh đạo báo Thể Thao & Văn Hóa thuộc TTXVN cùng một số văn nghệ sĩ và blogger đứng trong đám biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa – Trường Sa, ngày 9.12.2007 [Xem hình Hồ Thu Hồng (áo đen) trong cuộc biểu tình chống TQ], cho đến khi mọi người đều biết người điều khiển bà [hay là tình nhân của bà] là Tướng công an Nguyễn Văn Hưởng [một đàn em trung thành của Thái thú "Dũng Vinashin"], người được coi là "Beria của Việt Nam" [Xem hình Hồ Thu Hồng và Tướng Hưởng cạnh bức biếm họa trích từ Dân Làm Báo].
Hồ Thu Hồng và Tướng Hưởng cạnh bức biếm họa trích từ Dân Làm Báo
Từ đó, Dũng "ngộ" ra rằng khi đối thủ nắm được báo chí và sử dụng nó để chống lại ông, dồn ông tới chân tường thì ông cũng phải dùng mọi thế lực có trong tay, đặc biệt là công an, để nắm bắt báo chí và dùng nó để phản công. Nhờ đó ông đã thoát nạn. Giờ đây, sau khi đã đánh bại đối thủ và khiến cho cả làng báo phải quy phục, chủ trương của Dũng trong những ngày sắp tới sẽ là xây dựng một đội ngũ báo chí ngoan ngoãn, phục tùng, một mô hình mà Nguyễn Bá Thanh đã xây dựng thành công ở Ðà Nẵng, khiến Tướng Thanh của công an phải ngồi xe cứu thương để hầu tòa.
Trên đà thắng lợi, Thái thú "Dũng Bauxite" tiến xa hơn trong việc bịt miệng báo chí như tin được anh Nhữ Ðình Hùng ở Pháp ghi nhận:
"Theo tin trên báo điện-tử Figaro ngày 13.01, viện dẫn lời cáo buộc của Ủy Ban Mỹ bảo-vệ ký-giả (Comité américain de protection des journalistes, viết rút gọn CPJ) Cộng sản Việt Nam đã phê-chuẩn một luật mới đóng khung các hoạt-động của ký-giả và những người viết blog, dự-trù những khoản phạt vạ nặng, thêm vào khối những luật-lệ hiện-hành đã có tính-cách diệt tự-do (liberticide). Văn-bản luật đã được ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ-tướng Cộng sản Việt Nam ký và sẽ có hiệu-lực kể từ tháng hai, cho thấy những khoản phạt vạ nặng lên đến 40 triệu đồng, tương- đương với 2000 đô la, dành cho tác-giả các tin-tức "không được cho phép" hay không phù-hợp "với quyền-lợi của nhân-dân". Theo Shawn Crispin, đại-diện của CPJ ở Ðông-Nam-Á, luật này đã gia tăng hơn nữa sự kiểm-soát của chánh-quyền đối với giới truyền-thông ở VN vốn dĩ đã bị ràng buộc với quá nhiều qui định và thường xuyên bị khiển trách. Các báo ở VN đều bị kiểm soát của chánh-quyền, hoặc trực tiếp bởi các cơ sở đảng, hoặc gián-tiếp bằng các cơ sở ngoại-vi. Gần đây, một số ký giả đã lên tiếng chỉ trích về tham nhũng đã bị kết án 2 năm tù vì đã 'lạm dụng các quyền tự do dân chủ!' CPJ cũng tố cáo việc buộc các ký-giả phải cho biết nguồn tin và việc cấm đội tên. Ðiều này rõ ràng nhắm vào các người viết Blog vì họ không đề tên thật. Việc ra sắc luật mới này của Cộng sản Việt Nam xem chừng rất cần thiết với chế-độ vì cuộc cách-mạng hoa nhài vừa qua ở Tunisie đã được đánh giá là nhờ internet các blogeurs đã có thể thông tin, thảo luận và hẹn xuống đường".
Chính vì nhận định được vai trò quan trọng của báo chí nên Dũng đã vận động cho Ðinh Thế Huynh [Chủ tịch Hội Nhà báo VN, Tổng Biên tập báo Nhân Dân] vào Bộ Chánh trị và sau đó cho giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thay thế Tô Huy Rứa. Chính Ðinh Thế Huynh đã bộc lộ trước vị thế của mình khi cướp quyền Tô Huy Rứa để trả lời phóng viên hãng tin AFP, trong cuộc họp báo về Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, sáng ngày 10/1/2011, khi ông này gọi đích danh Tô Huy Rứa, đặt câu hỏi thẳng với Tô Huy Rứa,:
"Xin hỏi ông Tô Huy Rứa, ông có dự đoán một thời điểm nào đó trong tương lai khi hệ thống đa đảng có thể được áp dụng ở Việt Nam? Nhiều người nói rằng ông có thể là ứng cử viên Tổng Bí thư?
Ðinh Thế Huynh
Ðinh Thế Huynh [Xem hình] đã mau lẹ cướp lời Tô Huy Rứa trả lời rằng:
"Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng. Ðiều đơn giản là Việt Nam đã có lúc đa đảng, vào năm 1946 khi chúng tôi tổng tuyển cử lần đầu tiên có mấy đảng tham gia, nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược đất nước, chúng tôi chỉ còn Ðảng Cộng sản Việt Nam cùng với nhân dân Việt Nam kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc. Và bây giờ Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo điều lệ Ðảng hiện hành, bất cứ người nào trong Ban chấp hành trung ương cũng có thể là ứng cử viên Tổng Bí thư, nhưng tùy thuộc vào uy tín và trước hết là phải được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Sau đó Ban Chấp hành Trung ương sẽ bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư".
Qua cách trả lời, Huynh đã xem thường Rứa; và xuyên tạc lịch sử, bôi lọ các đảng phái Quốc gia tham gia Chính phủ Liên hiệp năm 1946 với Hồ Chí Minh, bị Hồ Chí Minh và đảng CSVN phản bội sự đóng góp xương máu của những người Việt không Cộng sản để chiếm quyền, rồi cướp công cách mạng của tòan dân trong cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, và cuộc chiến chống Pháp, kéo dài đến cuộc xâm lăng Miền Nam Việt Nam, theo đúng con đường độc đảng độc tài, đưa Huynh ngồi trước trên chiếc ghế Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Gần đây, Ðảng CSVN của Huynh chẳng những không bảo vệ được Tổ quốc mà còn dâng đất hiến biển của Tổ quốc cho Tàu, Huynh và các cấp lãnh đạo hàng đầu Ðảng CSVN trở thành những Thái thú cai trị đất nước Việt Nam theo lịnh của Tàu, đưa Việt Nam vào Ðại Họa Mất Nước vô cùng thê thảm.
Bên cạnh đó, Dũng cũng tận dụng thế lực của công an và Bộ Chánh trị, với sự tăng cường Tướng Trần Ðại Quang bên cạnh Lê Hồng Anh, Lê Thanh Hải; và của bộ đội với Nguyễn Chí Vịnh trở thành Uỷ viên Trung ương Ðảng chính thức, để Dũng trở thành kẻ mạnh có thể khống chế sân chơi độc đảng độc tài, để không ai dám nhắc tới câu nói của Dũng trong buổi lễ nhậm chức lần trước, rằng:"Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay"; cho dầu đến nay, các Ðại biểu Quốc hội, các đồng chí của Dũng vẫn thẳng thắn nhìn nhận "tham nhũng ngày càng tinh vi và khó đối phó", đồng nhịp với những kết luận của thanh tra chính phủ cho thấy "tham nhũng về đất đai đang ở khắp mọi nơi"…
Và mới đây, trả lời trước Quốc hội hôm 24-11-2010 xung quanh trách nhiệm liên quan đến sự đổ vỡ của Vinashin, Dũng đã hứa: "Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó. Tôi cũng nói rõ hơn, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai". Lời hứa này đến nay vẫn còn đăng trên trang web Thủ tướng; nhưng cũng không ai dám nhắc tới, bởi Dũng không cần phải thực hiện lời hứa chống tham nhũng, không cần làm rõ trách nhiệm; Dũng dung dưỡng tham nhũng để dùng nó điều khiển đàn em và khống chế đối thủ.
Nhưng, trong tư thế kẻ mạnh có thể khống chế sân chơi độc đảng độc tài, Dũng bắt đầu run sợ khi tin tức dồn dập trên các diễn đàn Internet và các cơ quan truyền thông quốc tế cho biết ngày17.12.2010, Mohamed Bouazizi, một thanh niên thuộc loại "có bằng cấp nhưng thất nghiệp" phải sống bằng nghề bán rong rau, quả. Vì không có môn bài, không chịu đút lót cho giới chức địa-phương, quầy hàng của anh bị tịch thu và cá-nhân bị lăng nhục. Anh ta tự thiêu trước toà hành chánh tỉnh khiến mọi người phẫn nộ chánh phủ; nên kể từ ngày 04.01.2011 biểu tình nổi dậy ở khắp các đô thị lớn. Cho đến ngày 14.1.2011, sau khi ra lệnh giới nghiêm và dùng đủ mọi phương pháp để cứu vãn tình thế nhưng không thành công, đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Ben Ali lên máy bay tẩu thoát sang Pháp; Pháp không cho, xin Ý; Ý không cho, máy bay đáp xuống Ý đổ xăng, rồi bay về hướng đảo Malta, không được đáp xuống Qatar, đành bay sang Arabie Saoudite. Nơi này cũng đón tiếp vợ ông là Leila Ben Ali, mà lúc đầu người ta nghĩ là chạy trốn sang Dubai [xem hình].
Ðể tìm hiểu nguyên nhân cuộc chính biến, đài RFI đã phỏng vấn giáo sư Hamadi Ghilane, người Tunisia, và ông đã giải thích như sau:
"Tại vì chế độ này, năm này qua năm kia, mỗi ngày mỗi áp bức không cho xã hội dân sự và các lực lượng đối lập phát triển. Những tổ chức nào bất chấp lệnh cấm mà vẫn hoạt động thì bị công an truy bức. Các cấp chính quyền thì không lo phục vụ quyền lợi đất nước, quyền lợi kinh tế quốc gia, mà chỉ lợi dụng chức tước để thu vén cho cá nhân. Một hệ thống chính trị gồm một ông thủ lãnh ngồi ở trên, độc quyền thu tóm mọi quyền lực. Lực lượng an ninh, đúng ra là có bổn phận bảo vệ dân chúng, thì lại làm tay sai phục vụ các quan lớn, các ông bộ trưởng và gia đình những kẻ có chức quyền. Người dân Tunisia biết rõ những bất công xảy ra trên đất nước mình. Do vậy, người dân đã đứng lên tranh đấu đòi tự do, nhân phẩm và quyền lợi của mình. Chế độ Ben Ali gây hận thù trong dân chúng. Thượng tầng lãnh đạo làm gương xấu cho cấp dưới. Hậu quả là mọi ngành, mọi lãnh vực đều sinh hoạt theo mô hình tham ô từ trên xuống dưới… Những kẻ hoan hô chế độ là những kẻ lợi dụng chế độ để làm giàu. Gọi chế độ Ben Ali là gì nhỉ? Phải gọi là chế độ xã hội đen, chế độ mafia".
Ðược biết, để giữ cho quyền lực độc tôn không bị tố cáo và thách thức, Ben Ali đã thực hiện các chính sách bóp nghẹt thông tin, reo rắc sợ hãi, theo rõi và trấn áp mọi tiếng nói chỉ trích trong đời sống dân chúng. Một hệ thống cảnh sát khổng lồ được dựng lên và trà trộn vào trong dân chúng [với tỷ lệ 1cảnh sát/100 dân]. Các hệ thống cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều do chính quyền khống chế, buộc phải sàng lọc thông tin và theo dõi các trao đổi của dân chúng. Các cơ quan thông tin độc lập bị kiểm soát gắt gao, các blog, websites tự phát bị tường lửa (firewall), bị phá, các nhà báo, bologger dám chỉ trích hoặc đăng các thông tin bất lợi cho chính quyền đều bị trấn áp thẳng tay [sách nhiễu, bỏ tù]. Năm 2008 Economist xếp hạng dân chủ cho Tunisia ở mức 144/167 (Việt Nam: 140/167), thuộc nhóm các nước độc tài. Tổ chức Phóng viên Không biên giới [RSF] xếp Tunisia vào danh mục các "quốc gia kẻ thù Internet" (giống Việt Nam), bảng xếp hạng về Tự do Báo chí của RSF năm 2010 xếp Tunisia ở hạng 164/178 (Việt Nam: 165/178). Ben Ali cũng đầu độc dân chúng bằng chủ nghĩa "tôn thờ lãnh tụ" qua cách dùng truyền thông ca ngợi đạo đức, tài năng của tổng thống…
Phần Giáo sư Lê Ðình Thông, Giảng sư tại đại học Naterre về ngành quan hệ Quốc tế, diễn giải sự liên hệ giữa tự do báo chí và tham nhũng đã dẫn đến 1 cuộc cách mạng tất yếu như sau:
"Nguyên nhân đầu tiên là tham nhũng đã đưa đến các hệ quả khác. Sở dĩ có nạn tham nhũng là vì thiếu một hệ thống pháp luật công minh, thiếu một nền truyền thông lành mạnh, tức là không có tự do báo chí. Không có tự do báo chí thì các thành phần tham nhũng tự do tác yêu, tác quái. Họ không bị tòa án trừng phạt. Tất cả những tệ nạn đó đã đến một mức độ báo động khiến cho người dân không thể nào chịu đựng được và cuộc cách mạng hoa nhài mới bùng nổ."
Giáo sư Lê Ðình Thông cũng cho biết sự ra đi này đã có sự chuẩn bị trước từ phía Hoa Kỳ:
"Chuyện cựu Tổng thống Ben Ali bắt buộc phải đào nhiệm là một hành động có sự can thiệp của tướng Tư lệnh Lục quân của Tunisia. Chính ông tướng này đã yêu cầu Tổng thống ben Ali phải rời khỏi đất nước. Chúng ta cũng biết các thành phần chủ chốt trong quân đội luôn luôn họ được đào tạo và tu nghiệp tại Hoa kỳ. Chính vì vậy cho nên họ có các liên hệ với Hoa kỳ, trước tình trạng bạo loạn như hiện nay thì tất nhiên là Mỹ họ đưa ý kiến là để tránh đổ máu nên Ben Ali phải ra đi. Như vừa rồi chúng ta vừa nói đó là hành động đó có sự sắp xếp trước."
Câu chuyện xảy ra ở Tunisia, nhưng nếu đem các nguyên nhân được các Giáo sư Hamadi Ghilane và Lê Ðình Thông nói ở trên đặt vào bối cảnh Việt Nam hiện nay các lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đang dự Ðại hội XI chắc chắn phải giựt mình.
Theo nhận định của báo Pháp Libération thì sự sụp đổ của chế độ Ben Ali đang làm các nhà độc tài Ả rập lo ngại là tinh thần dân chủ sẽ lây lan sang các nước Hồi giáo khác. Phản ứng đầu tiên rõ nét nhất là tại Jordanie, 8.000 người biểu tình tại nhiều thành phố để chống lại việc vật giá tăng cao. Họ hô các khẩu hiệu như "Chào đón cách mạng của người Tunisia". Còn tại Syria, chính phủ đã quyết định trợ giá cho chi phí sưởi ấm của hai triệu gia đình, và từ một tuần qua Tổng thống nước này đã tiếp kiến đại diện rất nhiều giới để đảm bảo là họ vẫn trung thành với chế độ. Ðến ngày Thứ Bảy 12.02.2011, phe đối-lập ở Algérie đã kêu gọi một cuộc tuần hành ôn-hoà, nhưng chánh-quyền đã ngăn chặn. Ngay trước khi cuộc tuần hành diễn ra ở Alger, đã có đụng độ xảy ra giữa lực lượng bảo vệ trật tự và những người biểu tình. Theo nguồn tin cảnh sát, chỉ có khoảng 800 người biểu tình ở thủ đô Alger, trong khi đó theo các người tổ chức thì số biểu tình lên đến 2000 người. Lực lượng cảnh sát được huy động đông gấp bội số biểu tình, khoảng từ 25000 đến 30000 người. Tại Oran cũng đã có một cuộc tập họp khoảng 400 người ở công trường 1 tháng 11. Có khoảng 30 người bị bắt giữ trong đó có đại diện tại địa phương của CNCD, giáo sư đại học Kadour Chouicha và hai ký giả, Djaafar Bensaleh của báo El-Khabar và Kamel Daoud của báo Quotidien d'Oran.
Ðặc biệt là tại Ai Cập, Ủy ban Quốc phòng cấp cao đã yêu cầu các bộ trưởng ngưng đưa ra những lời tuyên bố về cuộc khủng hoảng ở Tunisia. Chuyên gia Khattar Abou Diab ở Paris đã nhận định: "Một bức tường tâm lý đã bị sụp đổ trong thế giới Ả rập". Ðúng vậy, được kích thích bởi cuộc bạo động lật đổ chính phủ ở Tunisia, những cuộc biểu tình tại Ai Cập bắt đầu từ ngày 25-1 và theo mô tả của Reuters là "trong cơn cuồng nộ chưa từng có tiền lệ chống lại thể chế cai trị mạnh tay của ông Mubarak". Ông Mohamed ElBaradei (68 tuổi), người được giải Nobel hòa bình và là cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Liên Hiệp Quốc, đã trở về Ai Cập từ Vienna ngày 27-1, kêu gọi ông Mubarak từ chức và tuyên bố gia nhập đoàn người biểu tình. Một trang trên Facebook đã trở thành địa điểm tập hợp của những người làm biểu tình với liệt kê hơn 30 nhà thờ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo nơi những người biểu tình sẽ đến. Facebook, Twitter và các phương tiện thông tin xã hội đã đóng vai trò phương tiện đắc lực của những người biểu tình, thống nhất địa điểm tụ tập và đưa ra những mẹo đối phó với các cuộc đàn áp của nhà chức trách.
Báo chí Việt Nam không đưa tin, nhưng trong thời đại internet toàn cầu này thì khó lòng ém nhẹm thông tin. Nên, không thể im lặng mãi được, báo Tuổi Trẻ của Việt cộng, ngày 28.1.2011, buộc phải đưa tin nói rằng cuộc biểu tình đòi lật đổ Tổng thống đang lan rộng ở Ai Cập:"Ðược kích thích bởi sự thành công của người dân Tunisia, từ ngày 25.1.2011, người dân Ai Cập bắt đầu tổ chức biểu tình. Làn sóng biểu tình dâng cao và lan rộng khắp toàn quốc nhằm gây sức ép lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, nhà độc tài thống trị Ai Cập suốt 30 năm, buộc ông này phải từ chức."
Mặc dù tại Ai Cập, các cuộc biểu tình chống Mubarak bị nhà cầm quyền đàn áp bằng hơi cay, đạn, gậy gộc…, giờ chót còn cho cả du đảng cởi ngựa và lạc đà mạnh tay đánh đập [xem hình]…; có hơn 1.000 người đã bị bắt. Tuy nhiên, người dân Ai Cập không chùn bước, họ đã quá chán ngán Mubarak và bày tỏ thái độ cương quyết, Ali M viết trên Facebook: "Con đường tự do đã mở ra và chúng tôi sẽ không dừng lại". Kết quả là chiều hôm qua, 11.2.2011, sau 18 ngày biểu tình rầm rộ, vào lúc hơn một triệu người đang xuống đường trên toàn Ai Cập, một cuộc đảo chính quân sự không tiếng súng trước áp lực của nhân dân thành tựu, Phó Tổng thống Omar Suleiman lên tiếng thông báo là tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức. Khi thông báo tin này Phó Tổng Thống Suleiman cũng cho biết một Hội đồng Quân nhân sẽ được thành lập để điều hành guồng máy lãnh đạo quốc gia, và một cuộc bầu cử tự do, dân chủ, công bằng sẽ được tổ chức vào tháng Chín tới đây. Tuy nhiên cũng có dư luận nói rằng có thể cuộc bầu cử sẽ diễn ra sớm hơn. Tường trình của thông tín viên RFI Catherine Monet từ Cairo cho biết:
"Tiếng reo mừng, còi xe inh ỏi, kèn trống… Mọi người vui mừng chiến thắng và giương cao lá cờ Ai Cập. Không khí tại quảng trường Giải Phóng Tahrir và tại trung tâm thủ đô Cairo không khác nào một ngày hội, sau một trận chung kết bóng đá! Tối nay mọi người hò reo, ăn mừng chiến thắng của cả một dân tộc. Họ đã chiếm đóng đường phố trong suốt 18 ngày trời và cuối cùng, duới áp lực của đường phố, tổng thống Mubarak đã phải ra đi. Dân chúng Ai Cập tự hào vì vừa hoàn tất một cuộc cách mạng ôn hòa. Giờ đây mọi người dón chào tự do. Một phụ nữ giải thích: bà nhập cuộc để được sống những giây phút lịch sử của đất nước. Bà nói: "Tổng thống Mubarak từng cai trị đất nước với một bàn tay sắt nay đã phải ra đi. Ðây là cơ hội để nhân dân nắm lại vận mệnh đất nước"… [Xem hình: Niềm vui của người biểu tình tại quảng trường Tahrir (REUTERS)].
Báo chí của chính phủ, mà mấy chục năm qua vẫn ủng hộ hết mình chế độ Mubarak, hôm nay cũng ca ngợi điều mà họ gọi là "Cách mạng của giới trẻ", chỉ khiến ít nhất 300 người chết, theo Liên hiệp quốc và tổ chức Human Rights Watch. Hiện thời chưa rõ ông ta và gia đình sẽ đi đến xứ nào. Bà Tổng thống Micheline CALMY-REY (đang công du ở Tây Ban Nha) đã ra lịnh phong tỏa tài sản của ông Mubarack và gia đình ở Thụy Sĩ, đài truyền hình CNN đã nhắc lại nhiều lần tin tức này cho những quốc gia khác được biết để thực hành theo. [Tài sản của Hosni Mubarak tùy theo ước tính của các nguồn điều tra có thể khác nhau. Nhưng dầu nguồn nào, cũng vào khoảng từ 40 tỉ đến 70 tỉ đô la].
Ngay sau đó, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự hân hoan. Có 2 tiếng nói rất được quan tâm là tại Washington, Tổng Thống Barack Obama nói rằng "Dân chúng Ai Cập đã cất tiếng nói bày tỏ quyết định của họ, và việc làm này đã tạo khí thế cho người dân toàn cầu". Nhiều vị dân cử Mỹ cũng đã lên tiếng cho rằng quyết định từ chức của ông Mubarak là quyết định sáng suốt. Và tại Pháp, Tổng thống Sarkozy nói: "Nước Pháp gởi lời chào mừng quyết định can đảm và cần thiết của tổng thống Mubarack… Hy vọng rằng tân chánh phủ Ai Cập sẽ có những biện pháp cần thiết để tái lập trật tự cũng như hình thành một hiến pháp dân chủ cho phép tổ chức bầu cử tự do và trong sáng…"
Một lần nữa, báo chí Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước không thể im lặng. Tất cả đều loan tin ông Mubarak "đã chấp nhận từ chức" ngày 11.2.2011 mặc dầu mới ngày hôm trước ông còn nói cứng. Chưa thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội Nguyễn Phương Nga nói gì, mặc dầu ngày 8/2 vừa qua, khi trả lời câu hỏi của nhà báo, bà mơ hồ nói là "Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến gần đây tại Ai Cập và mong muốn tình hình Ai Cập sớm đi vào ổn định". Ðiều đáng ngạc nhiên là, bên cạnh bản tin "Tổng Thống Ai Cập Mubarak đã chấp nhận từ chức", và "Người biểu tình tại Ai Cập bao vây dinh tổng thống", cùng ngày 11.2.2011, người ta thấy TTXVN vẫn còn có bản tin "Quân đội Ai Cập tuyên bố ủng hộ ông Mubarak" dù dân chúng giận dữ đòi hỏi ông tổng thống độc tài ra đi tức khắc. Các báo điện tử lớn và nhiều độc giả ở Việt Nam như VNExpress, Tuổi Trẻ, Vietnamnet, Sài Gòn Tiếp Thị, Người Lao Ðộng, v.v… cũng đều có tin tức cập nhật về tình hình chính trị Trung Ðông.
Trong khi đó, ở Hà Nội nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân tuyên bố với báo Người Việt:
"Chúc mừng cho nhân dân Ai Cập… Nhân dân Ai Cập đã thành công trong một cuộc đấu tranh cách mạng bất bạo động chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Tôi phải theo dõi báo đài nước ngoài mới biết sự thật vì đài truyền hình ở Hà Nội ngay ngày hôm qua vẫn còn đưa tin lươn lẹo là quân đội Ai Cập sẵn sàng tuân lệnh tổng thống dẹp các cuộc biểu tình mà họ gọi là bạo loạn, trong khi quân đội Ai Cập không đàn áp người biểu tình. Những hình ảnh thấy chiếu trên truyền hình Việt Nam cho thấy hoàn toàn trái với lời tuyên truyền đổ tội cho dân chúng và đe dọa đàn áp. Họ cố tình bưng bít thông tin, khi không bưng bít được thì tuyên truyền theo nhu cầu của mình dù trái sự thật. Chắc chắn là tầng lớp thống trị đang rất rúng động. Họ không ngờ các cuộc đấu tranh dân chủ ở Tunisia và Ai Cập lại xảy ra nhanh chóng và êm đềm như vậy. Những người tham gia đấu tranh dân chủ hóa đất nước ở Việt Nam hiện nay chỉ là những người khơi mào chứ chưa thể thành những phong trào quần chúng vì hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo".
Ở Sài Gòn, Luật sư Lê Trần Luật, người bị tước giấy phép hành nghề vì đấu tranh dân chủ, đã nói: "Nghĩ rất nhiều! Và nghĩ rất nhiều đến Việt Nam, và trong suy nghĩ đó là một niềm tin là độc tài rồi sẽ bị sụp đổ." Sinh viên cơ khí Tấn Nguyễn, 24 tuổi, ra trường từ hè năm ngoái, nói:"Mừng cho dân Ai Cập bao nhiêu thì xót xa cho dân mình bấy nhiêu. So với người Ai Cập, dân ta khổ hơn nhiều, không những đã bị một đảng độc tài cai trị, nhưng còn bị người cầm quyền cam tâm nhường dần lãnh thổ cho bá quyền Trung Quốc". Nữ Blogger tên Hương cho biết: "Ðược tin bọn bloggers tụi em vui mừng gọi phôn báo cho nhau ngay. Chuyện trò trao đổi hân hoan lắm, và cùng nghĩ đến câu hỏi không ai thốt thành lời là bao giờ thì đến lượt Việt Nam?"
Ở hải ngoại, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, Phó chủ tịch đảng Tân Ðại Việt, cư ngụ tại quận Cam, California, Hoa Kỳ cho biết:
"Theo tôi, Việt Nam sẽ có những biến động trong năm 2011 hoặc 2012. Các biến động có dẫn đến cách mạng thay đổi thể chế của Việt Nam hay không thì khó biết được nhưng tôi nghĩ là sẽ đưa đến sự sụp đổ chế độ. Ðiểm khác của Việt Nam so với Ai Cập và Tunisia là ở Việt Nam là sự độc tài tập thể chứ không phải cá nhân cho nên mục tiêu tương đối khó nhắm hơn. CSVN tinh vi hơn với sự xoay vòng lãnh đạo và đặt ra hạn tuổi là 65 phải về hưu dù có ngoại lệ. Việt Nam rất cần một cuộc cách mạng tương tự như Ai Cập và Tunisia thì mới giải quyết được các bế tắc của đất nước và thực sự giải phóng được người dân trước sự bóc lột và cản trở của đảng CSVN".
Những chuyển biến dồn dập từ Tunisia đến Ai Cập khiến"Dũng Bauxite" cho dầu có cố gắng thu xếp cho có thêm Tướng công an Trần Ðại Quang vào trong Bộ Chánh trị và cho Tướng bộ đội Nguyễn Chí Vịnh lọt vào Trung ương Ðảng, đồng nhịp với bóp nghẹt tự do ngôn luận, để tạo thêm quyền lực trấn áp Trương Tấn Sang trong nội bộ và trấn áp những đòi hỏi Dân chủ hóa Việt Nam, trấn áp dân oan, trấn áp tự do tôn giáo, gia tăng tham nhũng làm giàu gia đình và nuôi dưỡng đàn em…; nhưng tất cả cũng không ngăn được đôi chưn run rẩy vì những gì xảy ra ở Tunisia và Ai Cập quá giống Việt Nam.
Cái khác của cá nhơn độc tài và độc đảng độc tài không khiến "Dũng Vinashin" yên tâm vì cái độc đảng trong Bộ Chánh trị không còn là chất keo gắn liền đám Thái thú của Bắc Kinh, nó đang nát thành manh mún, mà Ðại hội Ðảng XI vừa qua đã cho thấy tham vọng cha truyền con nối và tham vọng quyền lực phe nhóm càng làm rộ thêm những bông hoa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngoạn mục, cả từ trên xuống lẫn từ dưới lên; cho thấy Vinashin chỉ còn là đống sắt vụn, bùn bauxite không nhuộm đỏ được Cao nguyên Trung phần, và các khu rừng minh mông ở đầu nguồn rồi cũng phải được trả lại cho… "khổ chủ"; để mọi người được thấy"Dũng Rác" đi bằng đầu gối đến chùa Vĩnh Nghiêm đọc lời ăn năn sám hối thay lời cầu an "hoành tráng" cho gia đình hôm Tết Tân Mão vừa qua. Xin chờ.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già