THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 February 2011

"Tù nhân thế kỷ" Trần Văn Thiêng được tự do


2011-02-14

Ông Trần Văn Thiêng, một "tù nhân thế kỷ" ở Việt Nam vừa thoát khỏi cảnh lao lý, đoàn tù với gia đình ở Tiền Giang.

Hình do gia đình ông Đoàn Văn Thiêng gửi RFA

Ông Đoàn Văn Thiêng được tự do sau 26 năm tù đày.

Hồi năm ngoái, công luận trong và ngoài nước xôn xao và xúc động sau khi được tin các "tù nhân thế kỷ" như ông Trương Văn Sương, Nguyễn Anh Hảo trở về với gia đình và bằng hữu sau hơn 30 năm và trên 20 năm lâm cảnh đoạ đày, thì hôm nay một "tù nhân thế kỷ" khác cũng vừa thoát khỏi cảnh lao lý.

Người tù "thâm niên"

Vào lúc 8 giờ sáng thứ Hai ngày 14 tháng Hai này, tù nhân chính trị bất khuất Trần Văn Thiêng, 75 tuổi, từ trại giam Xuân Lộc được trở về với gia đình sau tổng cộng 26 năm trong cảnh tù đày. Ông trước hết bày tỏ nỗi thương nhớ vợ con:

"Có lúc nhớ…(khóc). Nhớ nhiều khi đau quả tim (khóc). Nhiều khi tôi nhớ mẹ con nó quả tim tôi đau. Đang hạnh phúc bị cộng sản nó làm (khóc) con xa cha, vợ xa chồng."

Đi rước người tù chính trị này tại trại Xuân Lộc có con gái ông, cô Trần Thị Thiên Kim, cùng một số người thân. Cô Thiên Kim bày tỏ nỗi vui mừng trong ngày mà cô gọi là "đại hỷ" này:

"Nói chung gia đình chúng tôi rất là mừng. Cả tuần nay gia đình nôn nóng đi lo cho Ba. Thứ nhất là sức khoẻ của Ba. Thứ nhì là hôm nay ngày 14 tháng 2 là ngày kỷ niệm, ngày đại hỷ của gia đình khi gia đình được xum họp với nhau. Và gia đình cũng tự hào có một người Cha rất là vỹ đại."

Là sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát đặc biệt của VNCH, nên sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, ông Trần Văn Thiêng, quê quán ở Tiền Giang, phải chấp hành lệnh gọi là "học tập cải tạo" và trải qua tù đày 6 năm trước khi ông bị Hà Nội bắt vào tháng 2 năm 1991 vì tội gọi là "viết tài liệu chống phá cách mạng", " âm mưu lật đổ chính quyền", nhất là cuốn "Chiến Quốc Sách VN – Thí Điểm Chiến Lược Hoa Kỳ" – qua đó ông dự báo về chiến lược Hoa Kỳ tại Đông Dương cùng những thách thức mà Hà Nội gặp phải sau khi chiếm được Miền Nam tự do.

Năm 1991 ấy, ông bị án tù 20 năm – và thọ án cho tới hôm thứ Hai này. Ông Trần Văn Thiêng phản ứng trước hành động của giới cầm quyền Việt Nam:

"Họ vi phạm Hiệp định Paris, xâm lăng miền Nam, là tội phạm chiến tranh mà  lại vô bắt người ta bỏ tù. Hiện nay tôi trở về nhà sau trên 35 năm sống xa nhà, trên 25 năm sống trong tù. Thì tôi thấy là trên thế giới này chỉ có nước CHXHCNVN là nhốt người ta lâu như vậy, mà nhốt người vô tội.  

thieng3-250.jpg
Ông bà Trần Văn Thiêng đoàn tụ sau hàng chục năm lao lý. Hình do thân nhân ông Đoàn Văn Thiêng gửi RFA
Những người vô tội mà bị nhốt 20 năm trở lên là rất nhiều. Hiện nay trong tù Xuân Lộc còn những người 20 năm mà vẫn còn ở trại K2. Nghĩa là trên thế giới này chỉ có nước VNCS là bỏ tù người ta quá nhiều.

Tại Châu Phi, có ông Nelson Mandela ở tù 25 năm, rồi ra tù làm Tổng thống Nam Phi lúc bảy mươi mấy tuổi. Mai mốt tôi sẽ viết thư gởi ông thông báo rằng "Tôi ở tù hơn Ngài 1 năm". Trên thế giới này ông ấy ở tù nhiều nhất là 25 năm mà tôi phải ở tù tới 26 năm, tức trên ông 1 năm."

Những cái chết thương tâm

Nhân dịp này, cựu tù nhân bất khuất Trần Văn Thiêng kể lại những gì ông chứng kiến trong nhà tù CS, và kể lại cái chết cận kề với chính mình khi ông thường xuyên trong tình trạng bệnh nặng  phải cấp cứu – và đang bị suy thận cấp độ 4, bị bứu tiền liệt tuyến nguy hiểm.

"Ở tù tôi chứng kiến bao nhiêu cái chết của anh em chính trị, chứng kiến bao nhiêu cái chết của anh em hình sự. Tôi vô bệnh xá hổm rày có mấy tháng mà chứng kiến khoảng 10 anh em hình sự chết. Họ chết giống con chó chết, chỉ hơn con chó có cái hòm thôi."

Tội nghiệp ghê lắm. Cho về với gia đình đi thì họ chết còn mát thân hơn. Đàng này để đó khiến họ bị giằn vặt trước khi chết cả tuần lễ. Lúc tôi còn ở chung với anh em tại trại K3, tôi hỏi tại sao trại này chết nhiều quá vậy?

Họ cố ý giết mình về vấn đề vết thương, toan tính giết bằng tuổi già ăn uống không được. Tôi đi không nỗi mà. Có lúc rán bước lên xe để đi bệnh viện nhưng tôi đi không nỗi ! Nhưng tới bệnh viện thì trị sơ sài, trị mới mười mấy ngày thì tôi bị chở về trại bỏ đó khiến bệnh tái phát. Tới một, hai tháng khi mình gần chết thì họ chở đi nữa.

Tôi bị 3 lần đi bệnh viện mà 9 lần đổi bệnh viện. Mỗi lần phải đợi người ta làm thủ tục rồi trị mình mười mấy ngày thì lại chở về trại bỏ đó. Cứ làm vậy hoài bệnh không thể nào hết được. Người ta nói họ nuôi bệnh chớ không phải trị bệnh.

Và ông không quên nêu ra một dẫn chứng cụ thể như sau:

"Nhân đây tôi xin báo động với công luận thế giới là hiện nay họ đối xử với tù nhân nói chung và bệnh tù nói riêng rất là ác độc. Bây giờ nếu thế giới muốn biết VN có nhân đạo hay không thì cứ đi tới thăm nghĩa địa của trại Z30A thì sẽ thấy mộ nhiều hơn nấm."

Báo động…

Vừa thoát khỏi vòng lao lý sau gần 3 thập niên trong cảnh đoạ đày, tù nhân chính trị Trần Văn Thiêng có nhận xét về chế độ CS như sau:

"Cảm xúc của tôi là kể từ khi CS chiếm Miền Nam VN thì hiện nay lần đầu tiên tôi mới được tự do – lần đầu tiên gần 40 năm tôi mới được tự do. Được tự do về với gia đình thì tôi không biết rồi đây họ có làm khó làm dễ mình hay không?

Bây giờ tôi xin báo động với thế giới rằng chế độ CS là một chế độ kém văn minh. Nếu họ tồn tại ở nước VN nầy 1 thế kỷ, 1 thiên niên kỷ nữa thì VN vẫn giậm chân tại chỗ hoặc là thụt lùi chớ không thể nào tiến bộ được. Bởi vì sự văn minh chỉ do con người - con người là yếu tố quan trọng.

Cho dù đem thứ văn minh gì tới đây người CS vẫn không áp dụng được. Luật pháp họ nói một đàng xử một nẻo. Họ bắt tội tôi là lật đổ chính quyền trong khi không có chứng cứ nào, tôi không có cây súng nào thì làm sao lật đổ chính quyền được?

Tôi hồi nhỏ, khi còn là sĩ quan thì học với Mỹ rồi làm việc với Mỹ thì họ nói tôi là CIA của Mỹ - họ chỉ nhắm chừng nói vậy thôi. Khi tôi gởi một cuốn sách sang Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để trình luận án thì họ nói tôi hoạt động để lật đổ chính quyền. Họ chụp mũ như vậy. Do đó tôi xin báo động với thế giới là chế độ này vẫn còn nằm trong u ám."

Và ông không quên lo cho số phận của những anh em bạn tù còn tiếp tục trong cảnh đoạ đày:

"Tôi về thì anh em có gởi lời cảm ơn thế giới, gởi lời cảm ơn Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, Chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ xin làm sao Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Hội Chữ thập Đỏ quản lý sức khoẻ cho anh em tù chính trị. Bằng không thì sinh mạng của họ rất lâm nguy!"

Nhân lúc tù nhân chính trị Trần Văn Thiêng rời khỏi cảnh lao lý, một số bạn tù trước kia của ông bày tỏ tâm trạng của mình. Chẳng hạn như cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển không bao giờ quên tinh thần bất khuất cùng tâm sự khắc khoải của ông Trần Văn Thiêng trước sự tồn vong của quê hương và tự do, dân chủ của dân tộc.

Nguyễn Bắc Truyển: "Là người từng được sống trong nhà tù với ông Trần Văn Thiêng, tôi cảm thấy rất là xúc động ngày hôm nay khi được tin ông Trần Văn Thiêng đã rời khỏi nhà tù Xuân Lộc để về với gia đình. Trong thời gian qua, khi ở tù chung với ông, tôi cảm nhận được tình cảm của ông đối với đất nước và dân tộc vẫn còn nhiều lắm. Sức khoẻ của ông bị sút giảm rất nhiều sau thời gian tù đày 26 năm, thời gian xa gia đình là ba mươi mấy năm. Khi tôi còn trong đó thì bác Thiêng bệnh rất nặng làm cho tôi nghĩ ông rất khó vượt qua. Do đó phải nói rằng hôm nay tôi rất vui khi thấy ông được trở về mặc dù sức khỏe của ông còn phải được chữa trị rất nhiều. Nhưng ông đã về với gia đình, về với đồng bào của mình. Và có những người bạn tù rất trông đợi bác về."

Một bạn tù khác của ông Trần Văn Thiêng là Thượng Toạ Thích Thiện Minh, bày tỏ cảm xúc như sau:

Thượng Toạ Thích Thiện Minh: "Tôi vừa cảm động vừa vui mừng, nghĩa là nửa vui nửa buồn. Tôi vui là vui ông Trần Văn Thiêng được ra khỏi tù. Còn buồn là lo rằng trong tù hiện vẫn còn nhiều người lâm hoàn cảnh túng khó trong lao tù CS. Và tôi cũng buồn lo vì hiện ông Trần Văn Thiêng bị bệnh nặng lắm, không biết ra ngoài có điều trị được không những chứng bệnh nan y của ông. Tôi mong rằng tất cả đồng bào VN trong và ngoài nước – những người yêu chuộng tự do, dân chủ, nhân quyền cũng như hoà bình nên có tinh thần giúp đỡ ông Trần Văn Thiêng khi ông ra ngoài điều trị."

Thưa qúy vị, sau khi những "người tù thế kỷ" như ông Trần Văn Thiêng, và trước đó là các ông Trương Văn Sương, Nguyễn Anh Hảo…được rời khỏi cảnh đoạ đày, thì câu hỏi được nêu lên là thân phận của những tù nhân chính trị bất khuất, lâu năm khác, nhất là cựu đại uý Nguyễn Hữu Cầu, sẽ ra sao?

Đó là chưa kể còn biết bao ngừơi tù chính trị vô danh khác mà công luận cho là đang bị giam đâu đó trong hơn 80 trại tù lớn nhỏ rải rác trên khắp đất nước Việt Nam.