Tại hiện trường ngôi nhà 122 Nguyễn Văn Hới (Hải Phòng), ngoài loa công suất lớn, đèn màu gây ảo giác, cơ quan điều tra còn tìm thấy các dấu hiệu cho thấy nhóm thanh niên có thể sử dụng ma túy trước khi tử nạn. |
Hàng chục cảnh sát xuống hiện trường bảo vệ. Ảnh: Lê Thanh. |
Ngôi nhà nơi phát hiện vụ việc gồm một tầng, rộng khoảng 40m2, dùng cửa cuốn, gian ngoài làm chỗ để xe. Khi người nhà đến mở, toàn bộ hai lớp cửa (kính và cuốn) cũng như toàn bộ cửa kính ở cửa sổ và nhà vệ sinh được đóng kín. Chiếc xế hộp 4 chỗ màu đỏ loại thể thao với 2 ống xả vẫn nổ máy.
Người dân nơi xảy ra vụ việc cho biết, đêm 5/2, họ thấy nhiều thanh niên về ngôi nhà trên và đóng cửa, bật nhạc to cả đêm. Khi mất điện, tiếng xe nổ từ trong căn nhà vẫn vọng ra.
Liên lạc với con nhiều lần không được, chiều 6/2, ông Phạm Văn Thúc (50 tuổi) đến mở cửa phát hiện con trai mình là Phạm Văn Thức (28 tuổi) đang trong tình trạng hấp hối, nằm vật vã dưới sàn nhà. 8 thanh niên khác (hầu hết ở độ tuổi 8X, trong đó có hai nữ) đã tắt thở. Được đưa đến viện cấp cứu nhưng Thức cũng chết ngay sau đó.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: An ninh Hải Phòng. |
Ngay sau khi nhận được thông tin, hàng chục cảnh sát đã xuống hiện trường căng dây bảo vệ. Cả trăm người hiếu kỳ kéo đến con phố Nguyễn Văn Hới, phường Cát Bi, quận Hải An ( TP Hải Phòng) tắc nghẽn.
Trao đổi với VnExpress sáng nay thạc sĩ công nghệ ôtô Nguyễn Minh Đồng (chuyên gia về khí thải) nhận định, khi ôtô nổ máy sẽ thải ra khí CO và CO2, trong đó khí CO sẽ ngăn cản phổi tiếp nhận khí O2 vào cơ thể. Do đó, việc nổ máy ôtô trong nhà kín sẽ dẫn tới hiện tượng thiếu dưỡng khí, nạn nhân bị hôn mê, sau đó tử vong.
"Trong vụ việc trên, khi nổ máy ôtô trong ngôi nhà 40m2 đóng kín cửa, thì chỉ 30 phút các nạn nhân sẽ bị mê man, chết ngạt", ông Đồng nói.
Thạc sĩ Đồng cho biết thêm, những xe có tiêu chuẩn khí thải thấp thì lượng thải CO càng cao. Với cùng tiêu chuẩn khí thải, lượng CO thải ra của một ôtô gấp gần 20 lần xe máy.
Lê Thanh - Hà Anh