THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 January 2011

Minh bạch trong hiến máu nhân đạo


2011-01-17

Trong thời gian vừa qua, trên các diễn đàn và nhiều tờ báo trong nước đề cập đến chuyện minh bạch trong hiến máu nhân đạo.

Photo courtesy of vicongdong.vn

Các bạn trẻ Bắc Ninh đang hiến máu nhân đạo.

 

Người nghèo không được hưởng

Một số ý kiến cho rằng người nghèo không được hưởng lợi bình đẳng từ số máu hiến nhân đạo, chẳng hạn khi bị bệnh tật cần đến máu, thì những người nghèo cũng phải trả tiền như người giàu mà không có một ưu tiên nào cả. Điều này cho thấy người nghèo không nhận được ưu đãi nào khác từ nguồn máu hiến tặng.Vũ Hoàng đã tìm hiểu và có buổi nói chuyện với PGS. TS. Vũ Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để sáng tỏ vấn đề.

Phải thông qua ngân hàng máu, các cơ sở truyền máu cũng như các bệnh viện, để đảm bảo việc phân phối máu về từng người có nhu cầu cần máu.

Ô. Vũ Trí Anh

Sau khi hiến tặng máu cho người nghèo, những nhà thiện tâm không biết nguồn máu của mình có thể sẽ đến được với người nhận máu hay không, nhất là khi mà báo chí trong nước liên tục nhắc đến chuyện cần phải minh bạch hoá việc hiến tặng và sử dụng máu. Những người hiến tặng máu luôn tâm niệm rằng, dù chỉ là hi vọng, nhưng những giọt máu của mình có thể cứu mạng những người bệnh nghèo, đang trong cơn nguy kịch. 

Tuy nhiên, sau khi số máu hiến tặng ra khỏi cơ thể, thì một vòng đời mới bắt đầu, và mọi chuyện từ bảo quản đến phân phối không hề đơn giản như người ta vẫn nghĩ. 

Theo lời PGS.TS Vũ Anh Trí, sau khi máu tiếp nhận từ người hiến máu, thì lượng máu sẽ phải trải qua một quá trình chuyên môn hết sức nghiêm ngặt, từ việc xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (như HIV, giang mai, sốt rét), cho đến thực hiện quy trình lưu trữ và bảo quản chặt chẽ về nhiệt độ, thời gian, độ rung lắc… trong điều kiện của ngân hàng máu. Đồng thời bệnh viện phải tiến hành các xét nghiệm về nhóm máu, các kháng thể bất thường trước khi phát đơn vị máu đó cho người bệnh sử dụng. Theo tính toán của chuyên gia kinh tế của Tổ chức y tế thế giới khi nghiên cứu tại Việt Nam, thì phải mất khoảng 1.200.000 đồng/đơn vị máu (250 ml). 

Trong buổi nói chuyện với Đài chúng tôi, ông Vũ Trí Anh cho biết:

"Minh bạch trong việc phân phối máu về các bệnh viện. Tất cả các bệnh viện đến nhận máu từ các ngân hàng máu, các trung tâm truyền máu, đều thực hiện theo đúng quy trình mang tính chất hành chính, tài chính và chuyên môn. Và tất cả các quy trình đó đều rất nghiêm túc, theo đúng quy định của Nhà nước." 

Lý giải về việc minh bạch hoá hoạt động hiến máu tình nguyện dành cho người nghèo mà hiện các tỉnh thành trong cả nước đang thực hiện, ông Vũ Trí Anh đã giải thích như sau: 

000_HKG2004032033398-200.jpg
Một y tá về xét nghiệm máu tại Hà Nội. AFP PHOTO.
"Người bệnh ở Việt Nam, tất cả bệnh nhân cần đến máu đều được sử dụng như nhau, chứ không kể người nghèo hay người giàu. Vì tất cả những người bị bệnh đều khổ cả, cần máu. Còn người nghèo, họ nghèo, nhưng chưa chắc họ đã ốm, khi họ ốm, chưa chắc họ đã cần đến máu, mà nếu họ cần đến máu thì chưa chắc đã cần đến nhóm máu họ truyền." 

Theo quan điểm của ông Vũ Trí Anh, thì cần phải phân biệt rạch ròi giữa người nghèo và người khổ. Những người cần đến máu khi mang bệnh tật hoặc tai nạn thì đều là những người khổ, người giàu cũng khổ mà người nghèo cũng khổ. Một khi đã vào đến bệnh viện và cần máu cứu sinh thì ai cũng là người khổ cả.

Tuy nhiên, khi đem câu hỏi liệu có gì khác biệt giữa việc phải trả tiền máu giữa người có tiền và người nghèo hay không? Và tại sao người nghèo không được hưởng ưu đãi hơn so với người giàu thì ông Trí cho biết thêm:

"Cho nên phải thông qua ngân hàng máu, các cơ sở truyền máu cũng như các bệnh viện, để đảm bảo việc phân phối máu về từng người có nhu cầu cần máu, bao gồm: người đau ốm, bệnh tật, tai nạn thương tích mà cần đến máu. Người nghèo cần tiền bạc, cần nhà cửa, chưa chắc họ đã cần đến máu. Người nào cần đến máu thì đều được sử dụng máu như nhau chứ không phải chỉ có riêng người nghèo." 

Theo ông Trí, hiến máu tình nguyện đang hướng đến là không lấy tiền, tuy nhiên bệnh nhân khi dùng máu thì vẫn phải thanh toán. Hiện nay, các bệnh viện chỉ được phép thu của người bệnh là 447.000 đồng/ đơn vị máu, Nhà nước vẫn đang phải tiếp tục bao cấp cho người bệnh khi sử dụng máu. 

Như vậy, dù là người nghèo hay người không nghèo, thì khi cần đến máu, họ cũng đều phải trả tiền giống nhau và vì số tiền chi trả cho kinh phí xét nghiệm, bảo quản và phân phối máu vượt quá số tiền hỗ trợ của Nhà nước, nên bất kể đối tượng nào cũng phải trả khoản chi phí cố định này. 

Ngân hàng máu cho người nghèo

Trước hết là mở rộng đối tượng hiến máu, mở rộng địa bàn hiến máu, chứ không dừng lại ở các thành phố hay học sinh, sinh viên, phải mở rộng đến cả những đối tượng khác.

Ô. Vũ Trí Anh

Dường như, những mong đợi mà người hiến tặng máu dành cho người nghèo đã không được đáp ứng vì thực tế sử dụng máu hoàn toàn khác xa với những nghĩa cử mà các nhà hảo tâm này mong đợi. Vì thế, khi đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có nên có những ngân hàng máu dành riêng cho người nghèo hay không, ông Trí đã giải thích như sau:

"Đề cập đến việc cần ngân hàng máu cho người nghèo, không có nước nào làm như thế cả, vì làm như thế đã chắc gì người nghèo cần. Người nghèo cần tiền bạc, cần nhà cửa, chưa chắc họ đã cần đến máu. Khi nào ốm thì mới cần. Theo tôi, thì ý kiến đó là không hợp lý."

Trước khi chia tay với ông Vũ Anh Trí, chúng tôi cũng đề cập đến hiện trạng khan hiếm máu nhân đạo, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ Tết hay nghỉ hè của các sinh viên, là đối tượng hiến máu nhiều nhất tại Việt Nam. Để giải quyết những khúc mắc này, ông Trí cho biết:

"Trước hết là mở rộng đối tượng hiến máu, mở rộng địa bàn hiến máu, chứ không dừng lại ở các thành phố hay học sinh, sinh viên, phải mở rộng đến cả những đối tượng khác. Nhu cầu máu vẫn đang còn thiếu, phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào hiến máu nhân đạo hơn nữa, mở rộng môi trường, địa bàn, có luật hiến máu, huy động người dân tham gia hiến máu, có quyền lợi khi cuộc đời của họ cần đến máu. Tất cả các cấp chính quyền phải vào cuộc, tất cả người dân phải hưởng ứng, hiểu biết, chia sẻ và sẵn sàng đi hiến máu. Đây là câu chuyện mà chúng tôi đang có kế hoạch và chắc chắn sẽ thực hiện được." 

Hiến máu, mà nhất là hiến tặng cho người nghèo là việc làm thiện nguyện hết sức đáng trân trọng, tuy nhiên, việc nhận được những giọt máu tình nghĩa này lại là một câu chuyện khác. Hi vọng rằng, bằng những biện pháp hỗ trợ khác chẳng hạn thông qua bảo hiểm y tế trang trải phần viện phí này hoặc thông qua những hỗ trợ tài chính của các tổ chức tình nguyện khác, mà gánh nặng viện phí cho người nghèo sẽ được giảm thiểu, để những ước nguyện của các nhà hảo tâm hiến máu được trọn vẹn nghĩa tình. 

Theo dòng thời sự: