Thứ Bảy, 30/11/2013 22:04
Không phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng nhưng việc hiểu không đúng, sản xuất và tiêu dùng không đúng đã dẫn đến những phản ứng trái chiều
Nên hiểu thực phẩm chức năng (TPCN) như thế nào cho đúng? Có nên cho phép thầy thuốc kê TPCN vào toa?... Những vấn đề này đã được mổ xẻ tại hội thảo về TPCN do Bộ Y tế tổ chức ở TP HCM ngày 30-11 với sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế, nhà quản lý, bệnh viện của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Nơi “thần thánh” hóa, chỗ tẩy chay
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế, trong 10 năm trở lại đây, TPCN phát triển với số lượng tiêu thụ lớn ở nước ta. Hiện có gần 10.000 sản phẩm, trong đó nhập khẩu chiếm gần 40%; gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN.
TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết TPCN (gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học) góp phần trong việc dự phòng và nâng cao sức khỏe người dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng còn nhiều bất cập.
Người tiêu dùng rất cần được tư vấn trước khi sử dụng thực phẩm chức năng. Trong ảnh: Tư vấn cho người tiêu dùng thực phẩm chức năng tại một nhà thuốc ở TP HCM
Việc hiểu không đúng, sản xuất không đúng hay tiêu dùng TPCN không đúng đã dẫn đến những phản ứng trái chiều trong xã hội, có nơi “thần thánh” hóa, có nơi lại tẩy chay. “TPCN không phải là thuốc hay thần dược. Chúng tôi luôn chỉ đạo các chi cục ATTP kiểm soát nghiêm ngặt” - ông Trung nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, điều mà người tiêu dùng quan tâm là trước những thông tin đa chiều, cuối cùng bản chất TPCN là gì? Có thực sự tốt như nhiều quảng cáo? Giá bán đến tay người tiêu dùng có phản ánh đúng giá trị hay đã bị đẩy lên quá cao?
Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế), một số nước không cho phép ghi công dụng TPCN, đối tượng sử dụng trên nhãn nhưng bác sĩ được phép kê đơn, chỉ định, hướng dẫn cho bệnh nhân. Chỉ một số nước cho phép ghi và tại những nước này, TPCN được bán tự do tại siêu thị, cửa hàng thuốc và không cần đơn thuốc.
Nước ta hiện cấm bác sĩ kê TPCN trong đơn thuốc. Vì vậy, lâu nay, TPCN được sử dụng tại Việt Nam chủ yếu thông qua quảng cáo, truyền miệng, thậm chí có cả kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn y tế. “Câu hỏi đặt ra là để bảo vệ người tiêu dùng, liệu có nên cho phép bác sĩ kê toa TPCN hay không?” - ông Truyền thắc mắc.
Quản lý kiểu “làm dâu trăm họ”
Theo PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, tiềm năng sản xuất và xuất khẩu TPCN của nước ta là rất lớn nhưng cần chính sách phù hợp để phát triển, đồng thời bảo đảm quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia y tế, cần có quy định cho phép người có kiến thức chuyên môn hướng dẫn, tư vấn để người tiêu dùng sử dụng đúng TPCN; cần đánh giá một cách khoa học để ngành này phát triển đúng hướng.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, băn khoăn liệu có nên xây dựng luật, pháp luật về TPCN? Nên phát triển TPCN thế nào cho minh bạch? Ông Hùng cho rằng pháp luật về ATTP đã được nhà nước ban hành khá đồng bộ nhưng văn bản pháp luật về TPCN thì vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP, khó khăn trong quản lý TPCN là do tốc độ phát triển quá nhanh, trong khi hệ thống các văn bản chưa theo kịp; công tác thanh tra, truyền thông còn hạn chế; việc kiểm nghiệm xác định hàm lượng còn khó khăn. Đáng lưu ý là chuyện kinh doanh đa cấp; quảng cáo vượt quá công dụng; hàng lậu; chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng; các phép thử đối với thảo dược chủ yếu là định tính, chưa định lượng được hàm lượng; giá thành cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết TPCN là lĩnh vực còn mới, việc quản lý như “làm dâu trăm họ”. Trong hơn 10 năm gần đây, ít nhất có 5 văn bản quản lý TPCN được bộ ban hành. Bà Tiến bày tỏ lo ngại nhất là sự biến tướng của các đại lý kinh doanh đa cấp, thổi phồng TPCN, người dân lãnh đủ. Bộ Y tế sẽ sớm ban hành thông tư về TPCN. Riêng việc cho phép bác sĩ được phép kê đơn TPCN hay không thì còn phải căn cứ hài hòa thực tế, tuân thủ quy định chung các nước trong khu vực ASEAN.
Để “siết” tình trạng TPCN bị thổi phồng, biến tướng, bà Tiến cho biết Bộ Y tế tập trung giải pháp chuẩn hóa phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025; khuyến khích cộng tác giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất, cơ quan quản lý để cho ra sản phẩm tốt, giá thành hạ. Ngoài ra, khuyến khích việc tư vấn của cán bộ y tế trong sử dụng TPCN; định hướng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; truyền thông giúp phần hiểu đúng - làm đúng - dùng đúng....
Theo Bộ Y tế, các hành vi vi phạm thường gặp trong lĩnh vực quản lý TPCN là: hàng xách tay chưa công bố nhưng lưu hành, chứng nhận hết hạn vẫn sản xuất, sản xuất kinh doanh không đủ điều kiện ATTP, sản phẩm không đúng chất lượng như công bố, vi phạm quảng cáo.
|
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH