(Dân trí) - Sau khi thu gom cá trắm từ Trung Quốc, các đầu nậu
sẽ không đưa cá về thẳng Hà Nội bằng xe tải mà sẽ tập kết ở các tỉnh
thành lân cận, sau đó xé lẻ rồi đưa hàng vào thủ đô để tránh sự phát
hiện của lực lượng chức năng.
>> Buôn cá tầm lậu lãi ngang... buôn ma túy?!
>> Hà Nội tiêu hủy hơn 8 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc
Vụ việc lô hàng cá trắm nhập lậu từ Trung Quốc bị các cơ
quan chức năng phát hiện, bắt giữ tại bến xe Lương Yên được thu mua tại
tỉnh Hải Dương đã dần hé lộ thủ đoạn mới của các nậu cá trắm nhập lậu.
Theo chính khai nhận của chủ lô hàng cá trắm này thì số cá bị lực lượng
chức năng phát hiện chính xác có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chiều ngày 29/7, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường -
Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, đơn vị này đã làm rõ chủ lô hàng
400kg các trắm không rõ nguồn gốc được phát hiện tại bến xe Lương Yên
(Hà Nội) bị bắt giữ ngày 28/7.
Chủ số hàng là Vũ Đức Thuật (SN 1965), ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm - Hà
Nội. Tại cơ quan điều tra, Thuật khai nhận, số cá trắm trên được Thuật
thu mua ở Hải Dương rồi đưa lên xe khách chuyển về Hà Nội để tiêu thụ.
Thuật cũng cho biết, số cá trên có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo một cán bộ phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường
(PC49), Công an TP. Hà Nội, phòng PC49 đã nhiều lần phát hiện, bắt giữ
xe tải vận chuyện cá trắm với số lượng lớn nhập lậu từ Trung Quốc về Hà
Nội tiêu thụ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng buôn bán mặt hàng này
đã thay đổi phương thức hoạt động. Khi bị các cơ quan chức năng truy
quét quá “rát”, các đầu nậu đưa cá từ Trung Quốc về sẽ không đưa thẳng
về Hà Nội bằng xe tải mà sẽ tập kết ở các tỉnh thành lân cận, sau đó xé
lẻ rồi đưa hàng vào thủ đô theo nhiều cung đường khác nhau.
Trước đó, sáng 28/7, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát phòng chống tội
phạm về môi trường - Công an quận Hai Bà Trưng tổ chức kiểm tra, phát
hiện trên chiếc ô tô tải mang BKS 29C - 111.03 đang dừng đỗ để bốc dỡ
hàng tại bến xe Lương Yên có 12 thùng xốp bên trong chứa cá trắm đông
lạnh. Qua bóc tách kiểm đếm, trọng lượng các trắm được xác định là
400kg.
Đáng chú ý, trên bao bì đựng cá đều ghi chữ Trung Quốc. Tuy nhiên,
lái xe Phùng Văn Thêm (SN1989, trú tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang)
không xuất trình được giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc số cá.
Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an quận Hai
Bà Trưng đã lập biên bản chuyển giao toàn bộ 400kg cá trắm trên cho Đội
quản lý thị trường số 5 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) tịch thu,
tiêu hủy theo quy định.
Như vậy, việc buôn lậu cá tầm Trung Quốc vào nội địa chưa hết
“nóng” thì việc buôn lậu cá trắm Trung Quốc vào nội địa tiếp tục khiến
thị trường trong nước lao đao, nhất là nguy cơ đánh sập ngành nuôi trồng
thủy sản trong nước.
Tại thị trường tiêu thụ ở Hà Nội, cá trắm tươi sống được nuôi trong
nước vẫn đang là loại mặt hàng đủ, thậm chí thừa khả năng cung ứng cho
người tiêu dừng với giá chỉ dao động từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg. Theo
thông tin từ Vụ Nuôi trồng thủy sản Tổng cục Thủy sản Bộ NNPTNT, sản
lượng cá nước ngọt cung ứng cho thị trường trong nước mỗi năm khoảng
trên 400.000 tấn.
Sở dĩ tồn tại tình trạng nhập lậu cá trắm Trung Quốc vào nội địa do
giá cá lậu quá rẻ đủ để các đầu nậu kiếm lợi dễ dàng. Tuy nhiên, việc
nhậu lậu cả các loại các thông dụng như vậy sẽ “bóp chết” ngành nuôi
trồng thủy sản trong nước.
Hiện Công an quận Hai Bà Trưng đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc.
Anh Thế