Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này vừa quy tội gần 100 "phần tử khủng bố" gây bạo loạn ở khu tự trị Tân Cương sau vụ tấn công làm 35 người chết vài ngày trước.
Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương. Ảnh: AFP |
Một cuộc chống bạo động diễn ra rầm rộ hôm qua ở khu vực Hotan, nơi "nhóm người tấn công có vũ trang tụ tập tại một địa điểm tôn giáo", Global Times, phụ san của báo đảng Trung Quốc, cho hay.
Cuộc chống bạo động này diễn ra sau vụ đụng độ hôm 26/5, vụ đẫm máu nhất ở khu vực sa mạc phía tây Trung Quốc kể từ năm 2009, từng làm 200 người thiệt mạng.
Theo AFP, một số người dân nói rằng người Duy Ngô Nhĩ ở đây rất tức giận khi cảnh sát "xông vào và bao vây đền thờ Hồi giáo" trong khi họ đang cầu nguyện. Một người khác nói rằng cảnh sát đã nổ súng vào người Duy Ngô Nhĩ khi họ rời khỏi nhà thờ địa phương.
Tuy nhiên, Tianshan Web, trang tin của nhà nước, cho hay không có ai bị chết hoặc bị thương.
Các báo Trung Quốc cũng đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói các vụ tấn công "phải được xử lý một cách nhanh chóng để đảm bảo sự ổn định của xã hội". Trước đó, chính phủ Trung Quốc gọi vụ bạo loạn ở khu tự trị bất ổn này là một vụ tấn công khủng bố bạo lực.
Trong vụ việc hôm 26/6, Xinhua cho rằng những kẻ du côn đã mang theo dao trong những cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát ở thị trấn Lukqun, thuộc thành phố Turpan. Những người này còn đốt nhiều xe ôtô trước khi cảnh sát buộc phải nổ súng.
Trong số 35 người thiệt mạng có 11 kẻ bạo loạn. 21 cảnh sát và dân thường bị thương, trong khi 4 kẻ côn đồ bị bắt.
Khu tự trị Tân Cương nằm ở tây bắc của Trung Quốc. Khoảng 10 triệu người sinh sống tại khu tự trị này, trong đó phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ. Dù đông hơn người Hán nhưng người Duy Ngô Nhĩ thường cảm thấy không được đối xử tương xứng. Những mâu thuẫn nảy sinh từ đây, dẫn đến những vụ đụng độ thường xuyên xảy ra.
Vũ Hà