Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành y Việt Nam ra đời đơn vị điều phối ghép tạng, phục vụ cho điều trị bằng phương pháp ghép tạng. Trung tâm đặt tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức (Hà Nội), có chức năng tổ chức thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước. Giám đốc Trung tâm là ông Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Việt-Đức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, sự ra đời của Trung tâm là một dấu ấn quan trọng, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trung tâm là cầu nối giữa người có nhu cầu với người có khả năng tự nguyện hiến mô bộ phận cơ thể người có chỉ số phù hợp sinh học. Trung tâm cũng có ngân hàng bảo quản tạng và tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện.
Cả nước hiện có 13 cơ sở y tế được phép và có đủ các điều kiện ghép mô, bộ phận cơ thể người. Kể từ khi ca ghép thận thành công đầu tiên tại Viện 103 vào năm 1992, đến nay đã có hơn 800 người được ghép thận từ người cho sống và 46 người được ghép thận từ người chết não, 41 người được ghép gan, 8 ca ghép tim từ người chết não… Tới đây, ngành y phấn đấu sẽ tiến đến việc ghép phổi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 6.000 người suy thận có nhu cầu ghép thận, 1.500 người có chỉ định cần ghép gan và hơn 5.000 người có nhu cầu ghép giác mạc.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay khả năng kỹ thuật của đội ngũ bác sĩ tốt, nhu cầu cần ghép nhiều, nhưng số lượng những ca ghép tạng vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân do nhận thức của người dân về việc hiến tạng vẫn còn nhiều rào cản. Phong trào tự nguyện hiến xác sau khi chết được nhiều người hưởng ứng, tuy nhiên việc tự nguyện hiến tạng để ghép tạng còn rất hiếm hoi.
Tại buổi lễ, đại diện Bộ Y tế đã công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban.
Liên Châu