THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 April 2013

Sự vô tâm nghiệt ngã






Ngay sau khi Bộ GD&ĐT thông báo năm nay không thi tốt nghiệp môn sử, một số hình ảnh công bố trên mạng cho thấy hàng trăm học sinh đã reo hò, xé đề cương môn sử tung trắng sân trường!
Hành động bột phát của học trò thật ra rất dễ cắt nghĩa: Chúng quá sợ những bài học thuộc lòng khô cứng, trừu tượng, xa rời đời sống và sinh hoạt hằng ngày nên khỏi thi đồng nghĩa với sự vui mừng khó giấu kín…
Tuy nhiên, với những người nặng lòng với đất nước, với sự nghiệp trồng người và tương lai của Tổ quốc thì tiếng hò reo, xé sách vô tâm ấy lại là sự cào xé đầy đau đớn và nghiệt ngã. Nhiều ý kiến đã tỏ bày trên diễn đàn mạng rằng bộ phận lớp trẻ bàng quan và vô tâm với lịch sử như thế có dám xả thân khi đất nước lâm nguy?
Dĩ nhiên sự việc không đến mức quá trầm trọng như thế, song cái niềm vui đơn giản của học trò ấy ít nhiều cũng bộc lộ nhiều điểm đáng suy nghĩ. Bởi trong giáo dục mối quan hệ nhân-quả không đến ngay, không đo đếm cụ thể như các môn tự nhiên, thực hành nên mới có kỳ thi có hàng trăm học sinh bị điểm 0 môn sử, song người có trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục vẫn nói “không vấn đề gì”.
Thực tế thì để chứng minh sự liên quan giữa quan điểm “không vấn đề gì” đó với các hiện tượng học trò đánh nhau, phạm tội sớm, giết người tàn độc hoặc vô cảm với những vấn đề xã hội bức xúc cần phải có các kết quả nghiên cứu, khảo sát xã hội học. Song nhiều bậc phụ huynh hiện rất phiền lòng trước hiện tượng lớp trẻ ngày một thực dụng, sống thiếu lý tưởng, không đếm xỉa gì đến các phẩm cách cổ mà không cũ như trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trong khi đó mới chỉ vài thập niên trước đâu đâu cũng thấy các hình tượng thanh niên dấn thân vì cộng đồng, xả thân vì Tổ quốc…
Vậy đâu là nguyên nhân học trò quá “sợ” môn lịch sử trong khi lẽ ra chúng phải ham mê khám phá?
Đã có hàng ngàn bài báo, chuyên luận mổ xẻ chuyện này, đánh giá về tác động khách quan như sự chuyển biến trong đời sống xã hội, các môn tự nhiên, thực hành lên ngôi chèn ép các môn xã hội. Thế nhưng không thể không nói về sự tác động chủ quan khi mà các bài học lịch sử vẫn được soạn thảo lạnh lùng, khô cứng, thậm chí là có những điểm sai lệch so với các nguồn thông tin khác mà lớp trẻ dễ dàng tìm kiếm trên mạng…
Học trò hò reo trong niềm vui ngắn ngủi trước mắt, người lớn thở dài trong sự âu lo đến tương lai…
Theo Pháp Luật TPHCM