Cũ kỹ, xuống cấp và hoang tàn là hình ảnh ở hầu hết các chung cư cũ nằm trong danh sách phải di dời theo chỉ đạo của UBND TPHCM
Cải tạo, xây dựng chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn TPHCM là chủ trương đúng mà chính quyền TP triển khai thực hiện nhiều năm qua nhằm bảo đảm tính mạng cho người dân cũng như tạo một bộ mặt mới cho đô thị. Song, chủ trương này gặp không ít trở ngại vì người dân không muốn thay đổi nơi ở, đồng thời cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng. Có quận đã mất từ 3-5 năm để di dời dù chung cư đó đang nằm trong diện “báo động đỏ”.
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình sinh sống tại đây. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Bám víu nơi ở cũ
Vừa bước vào chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) là cảnh hoang tàn và rệu rã hiện ra trước mắt chúng tôi. Từng mảng tường bong tróc, lòi cả cốt thép gỉ sét bên trong. Rác khắp nơi, bám đầy trên bệ cửa sổ mỗi nhà. Nước thì nhểu đọng vũng quanh đường ống.
Những ô cửa sổ lung lay, có tầng còn mất hẳn khung thép, phải vá tạm bợ bằng miếng gỗ. Cầu thang sắt mục rệu rã rung lên bần bật mỗi khi có người đi. Những chỗ quá mục gỉ, người dân dùng gỗ, bìa các tông để kê lót tạm.
Chị Nguyễn Thị Giao, sống ở tầng 10 của chung cư, cho biết mỗi ngày, chị phải dùng lon sữa to để hứng nước dột từ trần nhà xuống. Lúc về quê ăn Tết, chị phải dùng thùng lớn hứng nước để tránh cảnh ngập lụt trong nhà. Có lúc vợ chồng chị còn phải dùng cây để khều những mảng bê tông đã rộp lên, tránh trường hợp bê tông bất ngờ rơi trúng đầu. Còn chị Liêu Ngọc Hà, sống ở tầng 5, than phiền về tình trạng nước bồn cầu rỉ xuống vô cùng hôi thối.
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo được xây dựng trước năm 1975, đã nhiều lần được Sở Xây dựng TP cảnh báo là 1 trong 67 chung cư xuống cấp nghiêm trọng, cần phải di dời dân để xây dựng lại. Năm 2007, quận 5 bắt đầu thực hiện di dời theo chủ trương của TP. Tuy nhiên, do công tác hiệp thương hỗ trợ, bồi thường giải tỏa chưa được người dân đồng tình nên đến nay, sau hơn 5 năm, mới có 70% số hộ dân sống tại đây di dời.
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo - TPHCM xuống cấp nghiêm trọng Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Tái định cư: Bao giờ?
Không rệu rã như chung cư 727 Trần Hưng Đạo nhưng chung cư Cô Giang (quận 1) và lô IV, VI cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng nằm trong diện xuống cấp phải giải tỏa, di dời theo thông báo của UBND TP.
Quanh 4 lô (A, B, C, D) của chung cư Cô Giang, lác đác ở mỗi tầng đều thấy những căn hộ khóa trái cửa và bên ngoài dán mảnh giấy có nội dung: “Căn hộ đã được thu hồi theo quyết định của UBND quận 1…”.
Ông Tống Hữu Thiện, người đã nhận tiền đền bù và bàn giao căn hộ (số 203, lô B) cho Nhà nước để đến huyện Nhà Bè mua đất xây nhà mới gần 2 năm nay (từ khi UBND quận 1 triển khai kế hoạch di dời) nhưng hiện hằng ngày vẫn quay về chung cư này để nghỉ trưa tại căn hộ của người em ở lô C.
“Sống ở đây đã 20 năm nên vợ chồng tôi không muốn ra đi chút nào nhưng chẳng qua chủ trương giải tỏa, di dời của TP nên không có cách nào khác” - ông Thiện nói. Trong khi đó, ông Lê Văn Ngời (số 322, lô B) vẫn bám trụ tại chung cư Cô Giang đến ngày hôm nay chỉ với mong muốn “được nhận căn hộ tái định cư (TĐC) tại chỗ”.
Thế nhưng, như thông báo của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 1, kế hoạch mà chủ đầu tư (Công ty CP Phát triển Đất Việt) đưa ra là 5 năm sau giải tỏa mới xây xong dự án có tên là Pavilon Square, quy mô hơn 20 tầng, trong đó dành một phần để bố trí TĐC cho các hộ bị giải tỏa.
“Loay hoay đã hơn 2 năm nhưng chưa thấy hình dạng dự án ra sao, liệu chờ 3 năm nữa có nhà TĐC không? Chưa kể, giá cả bán căn hộ TĐC cũng không công bố nên chờ đợi kiểu này có mà… dài cổ!”. Tâm tư của ông Ngời cũng là nỗi lòng của không ít hộ dân ở chung cư Cô Giang, khiến họ đi không đặng, ở không xong. Theo Ban BTGPMB quận 1, đến nay mới có 60% số hộ dân ở chung cư này chính thức di dời, bàn giao mặt bằng.
Dù đã có lệnh di dời khẩn cấp của UBND TP từ tháng 12-2010 nhưng đến nay, 300 hộ dân (1.000 nhân khẩu) ở lô IV, VI cư xá Thanh Đa vẫn bình chân như vại vì họ đưa ra lý do: “Chung cư chỉ nghiêng nhẹ chứ không đến mức nghiêng, lún nghiêm trọng như thông báo của cơ quan chức năng”.
Tháng 10-2010, khi Ban BTGPMB quận Bình Thạnh thông báo chủ trương di dời của UBND TP cũng như phương án của quận đến các hộ dân thì hầu như họ đều không hưởng ứng. Theo nhiều hộ dân ở đây, ngoài một lần thông báo di dời, rồi chủ đầu tư xây dựng chung cư (Công ty CP Địa ốc Vườn Xanh) và Ban BTGPMB quận tổ chức cho dân kê khai giấy tờ thì 2 năm, qua tình hình vẫn chưa có động tĩnh gì.
“Lúc đầu, nghe thông báo có vẻ rất cấp thiết, thậm chí làm dân hoang mang nhưng kéo dài 2 năm nay có thấy quận làm gì đâu. Nếu nói phải di dời gấp vì sợ sập, vậy tại sao đến nay chưa có vấn đề gì?” - ông Phan Minh Nhật (ở số 104, lô IV) bức xúc và cho rằng nếu Nhà nước có làm thì công khai kế hoạch, còn không cũng nói cho dân biết để dân an tâm.
Chủ đầu tư “bỏ chạy”
Theo thông tin từ Ban BTGPMB quận Bình Thạnh, được sự chấp thuận của Sở Xây dựng, quận Bình Thạnh đã chính thức đề xuất UBND TP thu hồi chủ trương giao cho Công ty CP Địa ốc Vườn Xanh làm chủ đầu tư dự án xây dựng cụm lô số cư xá Thanh Đa với quy mô 7,73 ha. Lý do là chủ đầu tư “bỏ chạy” vì khó khăn về tài chính nên chậm triển khai thực hiện.
|
VÕ LÊ - ÁNH NGUYỆT