THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 February 2013

Nhiều ràng buộc mua bán vàng với Ngân hàng Nhà nước



Doanh nghiệp cần đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch, khi mua bán phải có tiền đặt cọc, được ngân hàng bảo lãnh, và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi nếu vi phạm chất lượng và quy định thanh toán.
>Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị mua bán vàng miếng

Dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước vừa được công bố, một bước tiếp theo trước khi cơ quan này chính thức bước chân vào thị trường vàng. Hai đối tượng được phép tham gia mua bán với Ngân hàng Nhà nước là doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Điều kiện duy nhất để họ được tham gia là phải có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Tuy nhiên, các thủ tục và yêu cầu đi kèm khá chặt chẽ. Các đơn vị muốn mua bán trước hết phải nộp hồ sơ đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng đến Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp cũng phải cử người đại diện có đủ thầm quyền để quyết định và ký các văn bản trong giao dịch mua bán với Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp đấu thầu tập trung, người đại diện này được khuyến cáo phải có mặt trực tiếp để tham gia mua bán.
Doanh nghiệp muốn mua bán vàng với doanh nghiệp phải được bảo lãnh của tổ chức tín dụng.
Doanh nghiệp muốn mua bán vàng với doanh nghiệp phải được bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Ảnh: Anh Quân
Để chắc chắn về tài chính, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các bên tham gia cả mua, lẫn bán đều phải đặt cọc. Nếu là ngân hàng, phải đặt cọc, thanh toán tiền mua vàng miếng, nhận tiền thanh toán bán vàng miếng qua tài khoản đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Với doanh nghiệp, họ phải đặt cọc, thanh toán và nhận tiền thanh toán qua tài khoản đồng Việt Nam mở tại Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) của ngân hàng thương mại bảo lãnh đặt cọc, thanh toán cho doanh nghiệp. Giá trị đặt cọc của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khi mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước được tính trên giá trị thanh toán mua, bán vàng miếng theo tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
Khi nộp đăng ký mua, bán vàng miếng, doanh nghiệp phải nộp kèm theo cam kết bảo lãnh của ngân hàng. Khối lượng vàng miếng đăng ký phải bảo đảm số tiền đặt cọc (trường hợp doanh nghiệp bán) hoặc tổng số tiền đặt cọc và thanh toán mua vàng miếng (trường hợp doanh nghiệp mua) tương ứng không vượt quá giá trị bảo lãnh.
Trường hợp đăng ký mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không được Ngân hàng Nhà nước đáp ứng, số tiền đặt cọc được hoàn trả toàn bộ nhưng nếu là lỗi từ phía doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước được hưởng toàn bộ số tiền đặt cọc trên.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định các đơn vị kinh doanh vàng miếng có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, khối lượng vàng miếng bán cho cơ quan này và đảm bảo an toàn với vàng khi vận chuyển.
Dự thảo thông tư quy định loại vàng duy nhất sử dụng trong giao dịch là vàng miếng SJC hàm lượng 99,99%, loại một lượng, do Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất. Các bên chủ yếu mua bán theo hình thức giao ngay, tức là theo giá vàng được thỏa thuận tại thời điểm giao dịch và kết thúc thanh toán, giao, nhận vàng trong thời hạn hai ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày giao dịch.
Ngân hàng Nhà nước sẽ ngừng giao dịch với bên nếu bán vàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm quy định về đặt cọc, thanh toán, giao nhận không đúng thời hạn quy định 3 lần và vi phạm 3 lần các quy định về thông tin, báo cáo. Thời gian ngừng giao dịch với những vi phạm này là 6 tháng. Ngân hàng Nhà nước sẽ hủy quan hệ giao dịch nếu doanh nghiệp, ngân hàng bị thu hồi giấy phép thành lập, giấy chứng nhận kinh doanh hoặc bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không được xem xét thiết lập lại quan hệ mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn một năm kể từ khi bị hủy quan hệ giao dịch.
Các quy định mang tính kỹ thuật trong giao dịch mua bán, như thời điểm mua bán, tổng khối lượng mua bán, khối lượng cho từng lô giao dịch, số lô tối thiểu và tối đa trong giao dịch cũng như giá mua, bán... vẫn chưa được nêu chi tiết trong dự thảo thông tư. Một nguồn tin cho hay, các quy định này đã được thể hiện trong quy chế đấu thầu Ngân hàng Nhà nước gửi đi lấy ý kiến những đối tượng có liên quan, chứ không công bố rộng rãi.
Trước đó, dự thảo quyết định của Thủ tướng về việc Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước cũng đã được công bố và gửi đi lấy ý kiến các bên. Nhiều khả năng cả ba văn bản này sẽ được ký ban hành sớm sau Tết, đảm bảo hành lang pháp lý cho việc Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên tham gia thị trường, nhằm kéo giá trong nước sát với thế giới, và lâu dài nhằm tăng dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia.
Theo kế hoạch trước 30/6, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu tổ chức đấu thầu để bán vàng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Đây cũng được coi như một động thái hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện tốt yêu cầu tất toán trạng thái huy động vàng.
Song song với việc Ngân hàng Nhà nước sắp tham gia mua bán vàng, một giải pháp quan trọng là tăng nguồn cung cho thị trường vàng thông qua việc cho tạm xuất vàng miếng các thương hiệu khác và nhập về vàng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cũng đã được thông qua. Hiện thị trường còn tồn một lượng vàng miếng thương hiệu khác rất lớn chưa được chuyển đổi thành vàng miếng SJC, nếu biện pháo này được triển khai, nguồn cung trên thị trường sẽ dồi dào hơn.
Lệ Chi - Song Linh