Tôi ăn phần thịt rán thật ngon lành. Nhưng vừa cắn vào một miếng xương, tôi chạy ào tới cửa phun ra tức khắc...
> Cách nhận ra một ly cà phê ngon/Cách phân biệt cà phê thật và hóa chất, bắp rang
Một buổi trưa mới đây, trời mưa như trút nước. Tôi đang phân vân giữa việc đội áo mưa đi ăn và nhịn đói đi ngủ, thì chị bán cà phê ở góc đường mách cho một số điện thoại giao cơm tận nơi. Cơm gà xối mỡ, 20 ngàn đồng /phần, có cả canh.
Cả thành phố đang mọc lên nhiều quán cơm gà xối mỡ ở khắp nơi. Đi đâu cũng thấy. Nhưng tôi chưa thử bao giờ, sợ mập. Lần này mưa lớn, có người giao tận nơi, giá lại rẻ, quá tốt còn gì.
Sau 10 phút chờ đợi. Tôi ngồi nhìn phần cơm với ánh mắt ngạc nhiên tột độ. Một cái đùi gà vàng rộm thật to, bao gồm cả phần tỏi và phần má đùi, phần thịt được cắt khứa khứa chiên giòn tới bên trong.
Từ khi nào thịt gà ở Việt Nam lại rẻ như thế?
Tôi ăn ngon lành. Tôi luôn thích nhai phần đầu xương đùi gà vừa béo vừa giòn. Nhưng vừa cầm lên cắn một miếng, tôi chạy ào tới cửa phun ra tức khắc. Dầu chiên đã không tẩy được hết mùi thối còn trong xương gà.
Sau đó tôi đọc được tin quản lý thị trường bắt được 2 tấn thịt gà thối chảy nước xanh nhập từ Trung Quốc.
Đĩa cơm gà trên người ta bán cho tôi ở đường Phạm Hồng Thái, TP HCM. Tôi nhớ như in chuyện này khi đang uống cà phê vỉa hè. Cà phê dạo này thế nào ấy, đắng nghét, nhạt nhẽo, phải cố ngửi mới phát hiện ra một chút mùi hương.
Nhiều quán cà phê lề đường ngày nay là thế, bột bắp, tẩm màu và hương liệu mùi của Trung Quốc. Vậy mà dường như chỉ có tôi nhận ra điều khác thường đó. Những người xung quanh chẳng ai có ý kiến gì, vẫn vui vẻ bàn tán chuyện thế giới, tay sọc sọc ly cà phê với chiếc muỗng, môi nhắp nhắp gật gù hài lòng.
Chán! Nghĩ đến những miếng gà thối tôi lại nhớ hồi còn mở quán ăn. Tôi muốn làm món lẩu Thái, lẩu chua cay nhúng hải sản tươi sống. Nhưng nêm nếm mãi vẫn không ra được mùi vị như các nhà hàng hay bán. Anh bếp mới mách cho tôi bí quyết: dùng “dấm cốt” thay dấm nuôi, để đạt được độ chua gắt như ý.
"Dấm cốt", cái tên nghe dân dã, nhưng thực chất là dấm hóa học. Chúng được bán đầy ngoài chợ, bao nhiêu năm nay, 15 ngàn đồng/chai. Một muỗng canh pha đạt độ chua nước lẩu của một thau dấm nuôi.
Hoặc chuyện viên cốt bò. Một nồi nước lèo lẩu bò của quán tôi, cần trung bình 3 kg xương ống bò, 1 kg mỡ bò, 1 kg cổ gà, 1 kg xương ống heo và vài loại gia vị khác. Tôi nhớ chỉ tốn khoảng 150 ngàn (năm 2006). Vậy mà có người mách nước, chỉ cần xuống chợ Kim Biên mua viên cốt bò, bọc trong giấy kiếng, to bằng đầu ngón tay cái, giá 15.000 đồng/viên là xong! Thế đấy, các loại bùa phép hóa chất gia vị đều có bán tại chợ Kim Biên.
Thật là nghịch lý.
Hàng ngày đọc báo mới thấy lo lắng. Chúng ta đang bị bủa vây bởi rất nhiều thứ độc hại trong đó những loại xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng ta trách, cũng đúng. Nhưng họ có trực tiếp cung cấp những thứ độc hại đó cho chúng ta đâu?
Điều nghịch lý là, chính những người Việt Nam ham lợi trước mắt, mua lại những thứ phế phẩm độc hại đó nhập vào thị trường trong nước. Hàng ngày nguồn hàng vẫn ồ ạt tuôn qua biên giới.
Vậy mà, lâu lâu các cơ quan quản lý mới bắt được vài tấn hàng, chỉ là "vài sợi lông trên lưng con trâu". Cứ như những kẻ nhập lậu đó khoác áo tàng hình của Harry Porter vậy.
Giờ chúng ta chỉ biết ngồi đó than thở mình là nạn nhân sao? Không. Chúng ta hoàn toàn tự do, đầy đủ quyền quyết định chuyện này mà.
Trần Mai Phong