THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 September 2012

'Giáo dục Việt Nam đến lúc phải lột xác'



Chỉ ra hàng loạt bất cập của nền giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đã đến phải đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục. Chương trình phổ thông nên theo cơ cấu "9+2" thay vì 12 năm - quá lãng phí.
Nỗi buồn của bạn trẻ về giáo dục Việt Nam / '20 tuổi có thể tốt nghiệp đại học'

- Hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm được nhiều nhà khoa học cho là không phù hợp, cần rút ngắn. Là người tham gia biên soạn sách giáo khoa, giáo sư chia sẻ với quan điểm này như thế nào?
- Xét hoàn cảnh của đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước, kéo dài đến 12 năm học phổ thông là không phù hợp, lãng phí. Phần lớn các em học hết 12 năm rồi thì vẫn quay về lao động chân tay bình thường. Để được đào tạo nghề, các em lại phải đi học nghề. Trong khi đó, nếu xác định học nghề từ đầu thì chỉ cần học hết lớp 9, không cần đến hết 12.
Tất nhiên, đã học thì cái gì cũng bổ, như học toán, nhưng học đến lớp 9 là đã đủ rèn tư duy, không cần đến các kiến thức toán nâng cao. Với một gia đình bình thường, bớt một năm nuôi con đi học là bớt được món tiền cực lớn, đó là chỉ tính đóng góp bình thường chứ chưa kể "tiêu cực phí".
- Theo giáo sư, chương trình phổ thông rút ngắn bao nhiêu thì hợp lý?
- Tôi đã đưa ra đề xuất giảm bớt một năm học, theo cơ cấu "9 + 2". Hệ thống giáo dục bắt buộc của mình là 9 năm, đây là chương trình phổ cập, ai cũng phải học và dần dần nhà nước phải miễn học phí. Sau 9 năm, thay vì học 3 năm THPT như hiện nay với đầy đủ các môn, thì bậc học này để cho học sinh tự chọn học các môn phù hợp với tương lai. Đây là 2 năm để định hướng, trên thế giới, nhiều nước cũng đã đi theo hướng này.
Thêm nữa, thanh niên Việt Nam hiện trưởng thành sớm hơn thế hệ trước, học hết 11 năm tức là đã 17 tuổi. Ở tuổi này, thanh niên đã có nhận thức xã hội tốt và làm việc được. Đây cũng là lứa tuổi tâm sinh lý phát triển và phải chịu trách nhiệm về các hành vi.
Thực tế các trường trung học hiện cũng chỉ dạy đến 11 năm, vì sau lớp 11, học sinh chỉ học các môn thi đại học. Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại việc các thế hệ trước đây học 11 năm, thậm chí thế hệ kháng chiến chỉ 10 năm nhưng vẫn sản sinh ra rất nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi.
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, giáo dục Việt Nam cần một cuộc cải cách toàn diện. Ảnh:Nguyễn Hưng.
- Ngoài những bất cập ở bậc phổ thông, ở bậc đại học, Việt Nam đang đi theo quy trình ngược với các nền giáo dục tiên tiến là“siết đầu vào nhưng lỏng đầu ra”, chất lượng sinh viên ra trường không cao. Theo ông, cần thay đổi điều gì?
- Việt Nam là nước nghèo, đi sau thiên hạ, muốn đuổi kịp thiên hạ mà ngành nào mình cũng dàn trải như hiện nay thì không thể nào đuổi được. Chúng ta không phải là nước sản sinh ra các phát minh về khoa học cơ bản nên mình cũng đừng ham cái đấy mà cần tập trung vào khoa học ứng dụng, có tác dụng thực tế, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Những người học ngành khoa học cơ bản hết sức quan trọng, một đất nước không thể không có những chuyên gia như vậy. Nhưng chỉ nên đào tạo ít, chọn những người thực sự giỏi, đam mê và nhà nước phải bù tiền cho đào tạo. Tránh tình trạng người không thi được cái gì thì học khối C... Những ngành gì thị trường gánh được thì thị trường gánh, gắn chặt các trường đào tạo với xã hội theo phương thức hợp tác đối với người sử dụng lao động. Đây là cách làm của các nước tiên tiến.
Ví dụ, hệ đào tạo công nhân kỹ thuật của Đức, 70% là thực hành ở công xưởng, 30% học ở trường và doanh nghiệp gánh cho sinh viên 70% học phí. Sinh viên thực hành được trả lương và nhận vào làm nếu làm tốt. Cách làm này rất hiệu quả vì không trường học có thể sánh kịp các doanh nghiệp về công nghệ, máy móc. Trong các ngành hiện nay ở Việt Nam, tôi thấy mỗi ngành y là gắn được thực hành với đào tạo vì có các cơ sở thực hành là bệnh viện. Còn tất cả là đào tạo một đằng, làm một nẻo.
Một điểm quan trọng nữa là tuyển sinh, chúng ta cần trao lại quyền tuyển sinh cho các trường, để các trường tự quyết định phương thức tuyển sinh. Tức là có những trường chỉ xét tuyển thôi theo kết quả thi tốt nghiệp, không cần thi tuyển chung, cồng kềnh, tốn kém. Còn tất nhiên, có những trường tốt thi tuyển rất khắt khe. Ngày xưa sở dĩ phải thi đại học khắt khe thế là vì chỗ học ít, cả nước chỉ có 70 - 80 trường với chỉ tiêu hạn chế, thi là tất nhiên để đảm bảo công bằng cho mọi người. Còn bây giờ có tới 450 trường đại học, cao đẳng, thiếu gì chỗ học?
- Giáo dục phổ thông và giáo dục đại học như ông phân tích còn rất nhiều điểm bất cập. Vậy tư duy, mục tiêu của ngành giao dục đang lạc hướng ở đâu?
- Căn cứ vào từng mặt để phân tích ưu, khuyết của giáo dục thì nói được rất nhiều. Tôi chỉ tổng kết 4 điểm yếu của giáo dục là giải quyết chưa tốt các mối quan hệ giữa: quy mô - chất lượng; giáo dục - xã hội và thị trường lao động; tích cực - tiêu cực của cơ chế thị trường; tập trung - phân cấp trong giáo dục.
Trong xã hội, phải có người giỏi cái này và kém cái kia, còn nếu mọi thứ bằng bằng thì không được. Ở nước mình, cách đào tạo là, vào lớp học trò ngồi khoanh tay, trả lời đúng ý cô giáo. Và chúng ta cũng mong đào tạo ra các em có kiến thức, kỹ năng như nhau. Ở các nước phương Tây, giáo viên chỉ định hướng, còn học sinh tự hoạt động, tự hoàn thiện. Mục tiêu quyết định chương trình và phương pháp. Nếu để hoàn thiện nhân cách cá nhân thì phải tôn trọng dân chủ. Chúng ta phải thay đổi, đặt mục tiêu giáo dục phát triển hoàn thiện nhân cách.
Trên thế giới có 2 trường phái về mục tiêu giáo dục là bản vị xã hội tức là giáo dục nhằm đào tạo nhân lực phục vụ xã hội, chỉ chú ý đào tạo con người phục vụ xã hội. Trường phái thứ hai là bản vị cá nhân - giáo dục nhằm hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của con người và khi mà mỗi một cá nhân phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách thì xã hội hài hòa, xã hội đó sẽ phát triển. Chính Carl Marx đã nói chính sự phát triển tự do của mỗi cá nhân là điều cho xã hội phát triển.
Từ mục tiêu này, chi phối tính chất của nền giáo dục. Đó phải là một phải là nền giáo dục thực học và dân chủ. Người Việt được đánh giá thông minh, học để thi thì không thua kém ai nhưng đi làm thì kém, đặc biệt óc tưởng tượng rất kém. Chúng ta có rất ít phát minh sáng kiến lớn, điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì không có tự do tư tưởng sao mà có năng lực tưởng tượng?
  
 
- Gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã nói tới tính cấp bách của một cuộc cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam. Ông nghĩ sao?
- Khi mà xã hội có những bước chuyển mình thì lại đặt ra nhiệm vụ lớn cho giáo dục. Tôi cho giáo dục của Việt Nam cần phải "lột xác". Ba lần cải cách giáo dục trước đều liên quan tới các biến động chính trị. Lần này, chúng ta đang tăng tốc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và công nghiệp hiện đại vào 2050, ngày càng hội nhập sâu vào thế giới. Để thực hiện 2 mục tiêu đó phải đáp ứng mục tiêu phát triển con người.
Ngoài ra, khi mà các hiện tượng tiêu cực trở nên phổ biến, kéo dài thì cẩn phải nghĩ đến chính sách sai chứ không phải chỉ ở khâu thực hiện. Gốc gác của vấn đề là có cả những chuyện về quan điểm điều hành giáo dục. Trong chỉ đạo, tôi cho có những cái không chuẩn như để cho phát triển tràn lan các trường đại học, gấp rút tăng số lượng sinh viên để cải thiện vị trí xếp hạng nhân lực (HDI), giáo dục chạy theo thành tích, không chú ý chất lượng...
Quan điểm phổ biến về khâu đột phá trong giáo dục hiện nay là quản lý và cán bộ (giáo viên). Thay đổi được quản lý, giáo viên thì rất tốt nhưng nó không phải là cái quyết định và hơn nữa đòi hỏi rất nhiều thời gian. Chúng ta có hơn hai triệu giáo viên, để nâng cao chất lượng đội ngũ này đâu phải dễ. Tôi cho rằng, khâu đột phá là phải làm sao xử lý được và xử lý đúng mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo với xã nói chung và nhu cầu của thị trường lao động. Giáo dục là một bộ phận của xã hội, gắn được giáo dục với xã hội thi thì xã hội sẽ phát triển giáo dục.
Còn thay đổi cơ cấu bậc học phổ thông, tuy không phải là khâu đột phá nhưng là một bước đổi mới chắc chắn phải làm. Đây là giải pháp cụ thể, còn gốc gác là mối quan hệ giữa đào tạo và xã hội. Chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách giáo dục, nhưng cả 3 lần đều không động đến giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đây là điều cực dở, cần tránh lặp lại.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Một vấn đề quan trọng chưa được quan tâm ở Việt Nam là xây dựng một xã hội học tập, làm sao để người dân có thể học tập suốt đời để phục vụ công việc cũng như thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của mình. Ở nước ta, gần như chưa có xã hội học tập như vậy. Ta có hệ thống giáo dục thường xuyên bên cạnh hệ thống giáo dục ban đầu nhưng thực ra đang bị lệch. Những người tham gia giáo dục thường xuyên học lớp riêng, chương trình cắt gọn và đi học chủ yếu nhằm hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng yêu cầu của vị trí công tác. Còn xã hội học tập thực sự là xã hội mà người dân luôn luôn có nhu cầu đi học, đi học để đáp ứng công việc là chính chứ khong phải bằng cấp, xã hội như thế mới phát triển lành mạnh được.
Ngoài ra, để góp phần phát triển nền giáo dục toàn diện, chúng ta cần phải dành vị trí xứng đáng cho công nghệ thông tin. Trong chương trình, đây phải là môn học công cụ bắt buộc, trang bị cho các trường sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Các thầy cô phải lấy kiến thức trên mạng chứ không thể trông vào tài liệu đã biên soạn cả chục năm trước".
Nguyễn Hưng thực hiện