07/08/2012 17:10:07
- Chiều 7/8, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM đã thừa nhận có thấm nước trong đường hầm sông Sài Gòn.
Trong hai ngày qua, dư luận xôn xao khi thông tin xuất hiện nhiều vết trám trét tại một đốt hầm nằm giữa thân hầm dìm Thủ Thiêm (nay là đường hầm sông Sài Gòn) nối liền quận 1 và 2, TP.HCM.
Các vết nứt được trám trét trên nóc hầm vượt sông Sài Gòn. (Ảnh: Vũ Sơn) |
Tại hiện trường, các vết nứt tập trung trên nóc của một đốt hầm nằm gần khoảng giữa thân hầm dìm. Các vết nứt này được trám trét bằng các vết hồ loằng ngoằng theo chiều dọc và chiều ngang, có vết dài gần 2 m, có vết ngắn chỉ vài chục centimet. Đa số các vết trám trét tập trung chủ yếu tại các đường nằm ngang trên nóc hầm. Đặc biệt, chạy viền theo các vết trám trét còn có những vật thể nhỏ, ngắn, màu vàng, hình lục giác được cắm chặt vào nóc hầm.
Trước đó, nhà thầu thi công hầm (Obayashi - Nhật Bản) từ chối trả lời báo chí vì không có chức năng phát ngôn. Còn đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM trình thì cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” nên im lặng.
Trong khi đó, đại diện của Trung tâm quản lý đường sông Sài Gòn thì lại cho rằng thông tin phản ánh không chính xác vì ảnh chụp hình hiện trường đã phóng lớn lên 100 lần nên mới nhìn thấy vậy, chứ đấy chỉ là vết trét bảo trì hầm theo định kỳ. Và đường hầm vượt sông này vẫn còn đang bảo trì theo định kỳ nên chuyện thấm nước là không thể!
Những thông tin mập mờ đã khiến người dân rất lo âu vì trước khi hoàn thành công trình, trong quá trình đúc các đốt hầm đã có hiện tượng nứt, thấm nước và sau đó các bên liên quan công bố đã xử lý xong sự cố.
Trước áp lực của dư luận, chiều tối ngày 7/8, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã thừa nhận, hiện trong đường hầm sông Sài Gòn có một số vị trí bị thấm nước mới.
Theo ông Phúc, chúng xuất hiện sau khi thông xe và không trùng lắp với các vị trí thấm đã được sửa chữa trước đây. Còn những vết keo trám chằng chịt trên trần hầm là do tại những vị trí này đang có hiện tượng thấm. Tuy vậy, các vị trí thấm mức độ nhẹ, trong giới hạn cho phép và xuất hiện trong giai đoạn sau khi thông xe đường hầm.
Hiện nhà thầu Obayashi (đơn vị thi công đường hầm sông Sài Gòn) đang chống thấm và duy tu, bảo dưỡng định kỳ đường hầm bằng cách thực hiện khoan lỗ, gắn các đầu bơm, bơm chất chống thấm, tháo các đầu bơm, vệ sinh bề mặt khu vực xử lý. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng này.
Trao đổi với Kienthuc.net.vn, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng nên các cơ quan chức năng cần có hướng xử lý sớm. Vì trước đây ở Thượng Hải, Trung Quốc đã có tiền lệ một vết thấm nước trong đốt hầm vượt sông không phát hiện kịp thời nên đã xảy ra thảm hoạ khiến cho hàng trăm người chết.
Giữa năm 2008, ngay khi được đúc xong, cả 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm đều xuất hiện nhiều vết rạn nứt kéo dài 2m - 3m. Sau thời gian khắc phục, đến tháng 12/2009, Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra thông qua, cho phép đơn vị thi công tiếp tục công đoạn bơm nước kiểm tra thả nổi, chống thấm.
Tháng 3/2010 - 6/2010, cả 4 đốt hầm lần lượt được dìm xuống đáy sông. Trong thời gian này, hai đốt hầm số 1 và số 2 dưới đáy sông đã xuất hiện hiện tượng thấm cục bộ nhìn thấy bằng mắt thường tại một số vị trí (thời điểm đó chỉ mới có 2 đốt hầm được dìm).
Đến ngày 28/5/2010, sau khi hoàn tất công tác dìm đốt hầm số 3, đơn vị tư vấn giám sát công trình hầm Thủ Thiêm (Oriental Consultants) cho biết, đốt hầm dìm số 3 cũng bị thấm nước tại 109 vị trí. Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn giám sát thì tình trạng thấm này trong giới hạn cho phép.
Đến ngày 18/11/2011, Hội đồng nghiệm thu nhà nước kết luận, hầm Thủ Thiêm đủ tiêu chuẩn để khánh thành và đưa vào khai thác giao thông.
Đến chiều tối ngày 7/8 thì chủ đầu tư đã thừa nhận có thấm nước ở một số vị trí mới trong hầm sông Sài Gòn.
|
Lê Việt Nhân