Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-07-30
Trong một chương trình trước, chúng tôi đã trình bày tình cảnh đến mức phải kêu cứu của gần 100 công nhân Việt làm công cho một xưởng may của chủ Việt tại Nga. Đến nay vụ việc được giải quyết đến đâu?
Tình cảnh thêm tuyệt vọng
Sau một tháng rưỡi từ khi gửi đơn kêu cứu đến các cấp lãnh đạo cao nhất nước và các bộ ngành liên quan, đến ngày 30 tháng 7 tình hình của những người công nhân trong đơn được cho biết tệ hại hơn vì phía chủ sử dụng lao động chuyển hết máy móc đi, cấp thức ăn nước uổng nhỏ giọt, rồi đưa bảo vệ đến canh gác không cho người lạ vào. Ngay cả những người Việt có lòng tốt ở Nga muốn giúp cũng bị ngăn trở.
Họ giam 89 người đó trong nhà đó khóa lại, tắt điện và cho người canh gác. Đến 3 chiều họ phát cho mỗi người một bát cháo và một cốc nước.Ô. Nguyễn Minh Cần
Ông Nguyễn Minh Cần, một người Việt sống lâu năm tại Matxcơva vào tối 30 tháng 7 mô tả lại tình hình mà theo ông là ‘tuyệt vọng đến cùng cực’ của số 89 người còn lại tại xưởng may của công ty Vinastar:
“Tình hình bây giờ khó khăn hơn: chủ xưởng may dù đứng tên là bà Trần Thị Kim Dung, nhưng thực chất là người chồng tên Tuân trực tiếp điều hành tại đó. Ông này bị nhiều người Việt ở đây biết và cho rằng độc ác, mà từ chính xác họ dùng là ‘tay đầu gấu’. Anh ta có người bà con làm cán bộ cấp cao ở Bộ Nội vụ Việt Nam. Người ta cũng cho biết đúng theo từ họ dùng là ‘anh ta đã mua những quan chức ở Sứ quán’. Và anh ta cũng đã mua những người đứng đầu cảnh sát vùng đó, địa phương đó. Từ đó anh ta nghênh ngang, cho rằng ‘thế’ vững vàng.
Ngày 26 tháng 7 họ đến dọn hết máy móc, đồ đạc, nồi nêu xoong chảo… đi chỗ khác; để lại 89 công nhân. Trong số 102 người, có một số đã khuất phục họ và đi theo họ để làm việc với 30 công nhân cũ tại một xưởng khác.
Theo phân tích của ông Nguyễn Minh Cần thì chủ nhân xưởng may Vinastar đang áp dụng những biện pháp vừa nói nhằm làm lung lạc ý chí của những công nhân đang trong tình cảnh tuyệt vọng suốt thời gian qua.
Thái độ của sứ quán
Đây là việc mà nhà cầm quyền Việt Nam không phải bây giờ mà từng tiếp tay cho những công ty môi giới đưa công nhân Việt Nam đến những nơi có người họ làm chủ.Ô. Trần Ngọc Thành
Trong tường trình trước, chính một công nhân thuật lại phiên làm việc giữa đại diện sứ quán Việt Nam tại Nga là ông Nguyễn Hùng Anh cùng đại diện Cục Lao động Ngoài nước, ông Đoàn Kim Trung, về việc ông Nguyễn Hùng Anh bỏ về cho rằng công nhân không tin tưởng. Ông tuyên bố là chỉ giúp ai tin vào Đảng và Nhà Nước chứ không giúp cho những ai phản bội. Điều đó làm cho công nhân hoang mang. Đến lúc này sau khi một số cơ quan truyền thông quốc tế như BBC và Đài chúng tôi loan tin về vụ việc, thì các công nhân lại bị quy kết có lực lượng nước ngoài đứng sau lưng họ để đòi hỏi quyền lợi.
Váo tối 30 tháng 7, chúng tôi gọi điện đến cho ông Nguyễn Hùng Anh để hỏi về những thông tin được công nhân phản ánh; thế nhưng ông này sau một lần gọi cho rằng sóng điện thoại yếu không thể trả lời, lần gọi tiếp thì từ chối trả lời qua điện thoại và yêu cầu gửi câu hỏi đến Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva theo địa chỉ công khai trên trang web của Đại sứ quán.
Tổ chức bảo vệ người lao động
Chúng tôi cũng liên lạc với Tổ chức Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, và một thành viên của tổ chức này là ông Trần Ngọc Thành cho biết:
Thông tin cho biết hiện có vài ngàn xưởng may tương tự như xưởng may Vinastar tại Nga. Nhiều chủ xưởng như Vinastar thông qua các đơn vị môi giới hay cả những tay môi giới tư nhân tại Việt Nam tìm người cho họ. Theo như điều tra của Tổ chức Bảo vệ Người Lao động thì khi ở Việt Nam, những đơn vị và người môi giới đưa ra những điều kiện hết sức hứa hẹn cho đối tượng muốn đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng khi đến được Nga hay những nơi khác rồi thì chủ sử dụng có những thủ thuật thay đổi hợp đồng để buộc người lao động bị ràng buộc vào họ; để rồi dù bị bóc lột thậm tệ như nô lệ vẫn không thể thoát ra được.