THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 July 2012

Đoàn tàu cá TQ chuyển địa điểm

BBC – thứ tư, 18 tháng 7, 2012

            Đây là đợt triển khai đánh bắt lớn nhất của tỉnh Hải Nam

Đoàn tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc vừa chuyển dịch lên một bãi đá khác cũng ở Trường Sa, trong khi Việt Nam vẫn lên tiếng phản đối nhưng chưa có hành động gì mạnh mẽ hơn.

Đài Tiếng nói Quốc tế Trung Quốc cho hay tối thứ Ba 17/7, đoàn tàu của tỉnh Hải Nam gồm 29 tàu cá và một tàu tiếp vận đã “nhổ neo từ vùng biển gần bãi Vĩnh Thử (Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập) để đến tác nghiệp trên bãi Chử Bích (Việt Nam gọi là Đá Su Bi) ở Nam Sa (Trường Sa)” thuộc Biển Đông.

Đoàn tàu cá này rời Tam Á, Hải Nam hôm 12/7 và hoạt động tại khu vực Đá Chữ Thập từ hôm thứ Hai 16/7.

Lý do di chuyển được nói là do “lượng cá thu được không đáng kể”. Không rõ có tác động gì của áp lực chính trị từ các quốc gia lân cận hay không.

Đá Su Bi nằm cách Đảo Thị Tứ mà Philippines chiếm đóng 16 hải lý (chưa đầy 30km), cách Đá Chữ Thập chừng 110 hải lý về phía đông bắc và nằm trong khu vực cấm đánh bắt mà Trung Quốc đơn phương áp đặt tại Biển Đông cho tới tận ngày 1/8.

Giới chức Trung Quốc chưa hề đưa ra giải thích về sự vi phạm lệnh đánh bắt này, vốn bị các nước láng giềng chỉ trích và cho là ‘làm khó cho ngư dân’ nước họ.
Đá Su Bi do Trung Quốc chiếm, nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, có hình vòng cung từ đông bắc sang tây nam với chiều dài 6,5km, rộng 3,7km. Tại đây, Trung Quốc đã cho xây dựng công trình kiên cố, bến tàu và bãi đáp trực thăng, nhằm phát triển thành căn cứ ở Biển Đông.

Lên tiếng phản đối

Trong những ngày qua, các cơ quan đoàn thể của Việt Nam đã đồng loạt lên tiếng phản đối việc Trung Quốc điều tàu cá xuống quần đảo Trường Sa để vừa khai thác tài nguyên, vừa khẳng định chủ quyền.

Thoạt tiên là Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi quyết định này là ‘phi pháp’. Sau đó là Hội Nghề cá và các hội đoàn khác.

Báo chí Việt Nam, dường như được phép của chính phủ, cũng đăng nhiều bài công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngoài việc phản đối trên các phương tiện thông tin đại chúng, Việt Nam chưa có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc đánh bắt của tàu Trung Quốc, được cho là lớn nhất từ trước tới nay của ngành ngư nghiệp Hải Nam.

Chiều thứ Hai 16/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã công bố Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội Khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ ba và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Đây được cho là cơ sở pháp lý để Việt Nam khẳng định chủ quyền.

Trong một động thái đáng chú ý, thành phố Đà Nẵng vừa quyết định thành lập chi cục Biển và Hải đảo của riêng mình.

Hôm 17/7 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký Quyết định 3004 chính thức thành lập Chi cục Biển và Hải đảo TP Đà Nẵng.

Đây sẽ là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường, có chức năng giúp giám đốc Sở tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng “thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về biển, đảo trên địa bàn thành phố.
Quyết định viết Chi cục Biển và Hải đảo TP Đà Nẵng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về biển và hải đảo, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.

Nguồn http://www.bbc.co.uk/