Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2012-07-23
Với tiêu đề AEC+3, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN+3, KasikornBank là tập đoàn tài chánh lớn thứ nhì Thái Lan đã tổ chức một buổi thảo luận khoáng đại qui tụ cả nghìn người gồm giới lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và doanh gia mười nước thành viên ASEAN,
trình bày về sự cần thiết và lợi ích của một khu vực kinh tế chung AEC+3, đặc biệt đối với các quốc gia tiểu vùng Mekong trong đó có Việt Nam.
Sau buổi họp, thuyết trình viên Pattanapong Tansomboom, phó chủ tịch thứ nhất Kasikornbank, cũng là người phụ trách tư vấn về AEC của Thái Lan, dành cho đài Á Châu Tự Do một buổi phỏng vấn với nhiều chi tiết liên quan đến Việt Nam. Bài do Thanh Trúc thực hiện:
Đây là buổi thuyết trình về AEC, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN, sẽ diễn ra vào năm 1215. KasikornBank thiết lập một khung làm việc để có thể giúp đỡ khách hàng trong lãnh vực tư cũng như lãnh vực công hiểu được về cơ hội và sự cần thiết cũng như tầm quan trong của Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN 2015.
Đối với các doanh nghiệp ở Thái Lan, đã, đang hoặc có ý muốn đầu tư vào các nước bạn ASEAN trong tương lai, chúng tôi muốn họ chuẩn bị ngay từ bây giờ để đón nhận cơ hội và sự thay đổi.
AEC là gì và tầm nhìn về AEC
Thanh Trúc: Trước hết xin ông cho biết là một thuyết trình viên ông đã trình bày thế nào về AEC trước cử tọa tham dự hôm nay?
Ông Pattanapong Tamsomboon: Thật sự AEC là gì và tầm nhìn về AEC như thế nào? Thành viên của AEC là mười quốc gia thành viên chính của ASEAN. Nhưng không chỉ mười quốc gia ASEAN mà còn ba đối tác quan trọng ASEAN có liên hệ về thương mại và mậu dịch là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn, gọi là AEC+3. Đây là một thực thể kinh tế đa dạng và đa chiều , ảnh hưởng từ bên trong cũng như từ bên ngoài đối với Thái Lan. Thí dụ đối với Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, đã đổ rất nhiều tiền vào Thái Lan dưới hình thức FDI. Indonesia và Thái Lan liên hệ về mặt khai thác khoáng sản, trong lúc nhiều công ty dầu khi Thái Lan đang hoạt động ở Việt Nam trong lãnh vực khai thác.
...không chỉ mười quốc gia ASEAN mà còn ba đối tác quan trọng ASEAN có liên hệ về thương mại và mậu dịch là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn, gọi là AEC+3. Đây là một thực thể kinh tế đa dạng và đa chiều, ảnh hưởng từ bên trong cũng như từ bên ngoài đối với Thái Lan.Ông P. Tamsomboon
Bây giờ nhìn vào GMS tức Tiểu Vùng Mekong, một khu vực kinh tế tưởng là nhỏ nhưng ảnh hưởng rất mạnh đến Thái Lan với sáu quốc gia và vùng lãnh thổ chính là Thái Lan, Miến Điện, Lào, Kampuchia, Việt Nam và vùng Vân Nam của Trung Quốc. Khu vực kinh tế Tiểu Vùng Mekong liên kết với nhau bằng một hệ thống đường sá chạy qua sáu nước, được gọi là hành lang kinh tế Bắc Nam. Một tuyến đường quan trọng nhất trong hành lang kinh tế Bắc Nam đó là tuyến xa lộ Đông Tây, chạy từ thành phố Đà Nẵng, vùng kinh tế có cảng sâu đang phát triển ở miền Trung Việt Nam, chạy xuyên qua Lào rồi đi dọc biên giới mạn Trung Thái Lan và kéo dài đến Miến Điện. Tuyến xa lộ Đông Tây này là cơ sở hạ tầng thiết yếu, là nền móng kinh tế của bốn quốc gia mà nó nối kết, là nguồn đầu tư từ nước này sang nước kia, đặc biệt Thái Lan và Việt Nam, kể cả về ngành du lịch. Đó là lý do Thái Lan muốn cỗ võ và muốn chuẩn bị thật kỹ càng cho một Cộng Đồng Kinh Tế AEC+3 năm 2015 là vậy.
ASEAN là động lực hữu hiệu cho mậu dịch trong khu vực
Thanh Trúc: Thế thì phản ứng, hoặc có thể nói sự hiểu biết của các tập đoàn kinh doanh lớn ở Thái Lan đối với AEC như thế nào?
Ông Pattanapong Tamsomboon: Phần lớn, hơn 50% hay có thể nói hơn 70% khách hàng của chúng tôi chưa hiểu AEC là gì, chưa hiểu lợi ích về mặt thương mại mà AEC có thể mang lại. Đây là vấn đề chúng tôi khởi sự đặt ra từ năm ngoái và đã bắt đầu tổ chức nhiều xê mi na để quảng bá về
AEC. Và một khi đã hiểu thì doanh nghiệp Thái Lan khu vực công cùng khu vực tư bắt đầu nhận thức ra được ý nghĩa , mục đích của Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN, cần phải làm gì và cần chuẩn bị gì khi AEC thành hình không đầy ba năm tới nữa. Công việc chúng tôi đang làm hiện nay là trả lời mọi thắc mắc, tham khảo và tư vấn rất nhiều cho khu vực công cũng như khu vực tư.
Thanh Trúc: Thưa trong công việc đó hẳn ông phải có câu trả lời phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn về những mối lợi ích mà AEC có thể mang lại?
Ông Pattanapong Tamsomboon: Nếu nhìn lại tình hình mậu dịch năm năm trước hoặc giả mưới năm trước đây,những đối tác lớn của chúng ta, ý tôi muốn nói cả khối ASEAN, những đối tác lớn của ASEAN là Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Nếu nhớ lại điều xảy ra hồi 2008 là cuộc khủng hoảng ở Mỹ tiếp theo là khủng hoảng nợ nần ở khối EU.
Những vấn đề đó khiến số lượng hàng hóa từ Mỹ nhập vào ASEAN và từ các nước Châu Âu nhập vào ASEAN giảm lần đi. Từ điểm này, chúng ta cũng phải nhận thấy số lượng hoàng hóa trao đổi giữa các quốc gia trong ASEAN với nhau ngày một nhiều hơn. Do đó, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN là động lực hữu hiệu nhằm thúc đẫy cũng như hỗ trợ mậu dịch trong khu vực. Cái lợi tôi muốn nói ở đây là bớt được gánh nặng thuế quan, Tariff, bớt giấy tờ cồng kềnh, người nước này có thể sang nước khác dễ dàng hơn, dễ huy động vốn từ các nước trong khối hơn khi cần thiết. Nếu đi đúng hướng thì AEC góp phần vào sự phát triển và sự thịnh vượng chung của ASEAN trong tương lai.
Thanh Trúc: Với kinh nghiệm của một nhà tư vấn về AEC, ông có nghĩ tới một điều hiển nhiên là vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa kinh tế, thương mại và sự phát triển xã hội giữa các nước ASEAN, liệu điều này có gây trở ngại cho AEC +3 2015?
Ông Pattanapong Tamsomboon: Trước hết cần nhấn mạnh là AEC không lưu hành đồng tiền chung, không nối kết nước này và nước kia bằng đồng tiền chung, vì thế vấn đề sẽ ít hơn. Chúng tôi hiểu biết và chấp nhận sự khác nhau giữa mười nước ASEAN, nghĩa là không thúc bách mà khuyến khích và trông đợi vào sự hợp tác của từng quốc gia.
Đầu tiên sẽ là các nước thuộc nhóm ASEAN 6 như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia chẳng hạn, sẽ là những nước tiên phong, thứ đến là nhóm ASEAN 4 Việt Nam, Lào, Miến Điện, Kampuchia lần lượt nối bước theo. Tất cả những điều này đã nằm trong lịch trình và đã tác động khá tốt đến suy nghĩ của các thành viên. Mỗi quốc gia ASEAN có thế mạnh riêng của nó, AEC sẽ thành công nếu biết tận dụng thế mạnh đó.
tôi nghĩ không chỉ Việt Nam mà nói chung nếu lãnh đạo các nước ASEAN ý thức được tầm quan trọng của một sân chơi chung và xây dựng chiến lược của mình để tham gia vào sân chơi chung đó thì sớm muộn khoảng cách giữa các nước ASEAN sẽ thu hẹp lạiÔng P. Tamsomboon
Thanh Trúc: Theo ông Việt Nam đã sẳn sàng bước vào sân chơi của Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN AEC+3 chưa?
Ông Pattanapong Tamsomboon: Tôi nhìn thấy sức mạnh của đất nước này. Việt Nam sẵn nguồn vốn nhân lực, người Việt Nam có khả năng, ham học và chăm làm việc. Đó là nguồn lực của đất nước . Bất kể điều kiện hơn kém về kinh tế hay xã hội, tôi nghĩ không chỉ Việt Nam mà nói chung nếu lãnh đạo các nước ASEAN ý thức được tầm quan trọng của một sân chơi chung và xây dựng chiến lược của mình để tham gia vào sân chơi chung đó thì sớm muộn khoảng cách giữa các nước ASEAN sẽ thu hẹp lại. Tôi không quá lạc quan mà tôi thực sự tin vào tiềm năng của Việt Nam, tin rằng cuộc sống của người dân quí quốc sẽ phồn thịnh và phát triển hơn khi Việt Nam bước vào Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN.
Thanh Trúc: Sau cùng, trong tư cách phó chủ tịch thứ nhất của KasikornBank, xin ông cho biết ngân hàng do ông trực tiếp điều hành có tạo được mối liên hệ nào với những ngân hàng lớn ở Việt Nam?
Ông Pattanapong Tamsomboon: Chúng tôi từng nghĩ đến việc kết hợp kinh doanh với một ngân hàng lớn của mỗi nước, và trong trường hợp Việt Nam thì chúng tôi đã thành công trong việc đạt sự đồng thuận với hai nhà băng hàng đầu là Viettin Bank và Agri Bank .
Agri Bank và Viettin Bank là hai ngân hàng lớn nhất với nhiều chi nhánh và mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. Trong nhiệm vụ tư vấn và hỗ trợ khách hàng của chúng tôi khi đầu tư và kinh doanh vào Việt Nam, tôi nghĩ Viettin Bank và Agri Bank là cầu nối cho doanh gia Thái Lan sang Việt Nam và ngược lại cho doanh gia Việt Nam vào Thái Lan.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Patanapong Tansomboon, phó giám đốc thứ nhất ngân hàng KasikornBank.