Việt-Long, RFA
2012-07-13
Vốn liếng các bên đặt vào biển Đông ngày càng tăng cao khi Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược trở lại châu Á, nhờ đó Philippines và Việt Nam chọn lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Thế nhưng...
"Đơn giản thôi: Trung Quốc đã mua đứt!"
Hội nghị ngoại trưởng khối ASEAN lần thứ 45 đã kết thúc trong không khí chia rẽ gay gắt khi chạm đến vai trò của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược Nam Trung hoa, mà Bắc Kinh đã xác định.
Các ngoại trưởng đã không thể đồng thuận về bản tuyên bố chung. Và lần đầu tiên từ 45 năm nay, hội nghị đã không đạt được một văn bản kết thúc.
Sự chia rẽ trong 10 quốc gia thành viên ASEAN xảy tới sau một loạt sự kiện đụng chạm trên biển Đông liên quan đến tàu bè của Trung Quốc trong vùng biển giàu tiềm năng nhiên liệu, gây nguy cơ chiến tranh.
Philippines tuyên bố lầy làm tiếc về sự thất bại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khi xử lý vấn đề xung khắc ngày càng tệ hại đó.
Manila chỉ trích Phnom Penh, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, về cách hành xử đối với vấn đề biển Đông với cương vị của Cambodia là nước chủ tịch thường niên của khối ASEAN, trong suốt hội nghị ngoại trưởng tuần qua.
Biển Đông đã trở nên khu vực nóng bỏng nhất tại châu Á, với nguy cơ bùng nổ chiến tranh, chỉ vì Bắc Kinh giành chủ quyền bằng đường Lưỡi Bò khoanh chiếm gần trọn biển Đông.
Vốn liếng các bên bỏ vào nơi này đã tăng cao khi Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược trở lại châu Á, nhờ đó mà đồng minh Philippines và cựu thù Việt Nam của Mỹ chọn lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Sự chia rẽ của khối ASEAN lần này là một điềm gở cho một khối liên kết muốn hình thành một cộng đồng kinh tế khu vực vào năm 2015, tương tự Liên Minh châu Âu. Khối kinh tế ASEAN trong tương lai sẽ hạ giảm các hàng rào thuế quan, lao động và thị trường tài chính, để cạnh tranh với Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao không muốn nêu tên tiết lộ với báo New York Times về lý do không hình thành được tuyên bố chung:
’”Rất đơn giản, chỉ là Trung Quốc đã mua đứt chiếc ghế, vậy thôi”.
Nhà ngoại giao chỉ một bài báo của Tân hoa Xã hôm thứ năm loan tin Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết-Trì cám ơn Thủ tướng Cambodia Hun Xen đã ủng hộ những quyền lợi thiết yếu của Bắc Kinh.
Nhà ngoại giao ẩn danh cũng cho biết Việt Nam và Philippines đã tỏ ra sẵn sàng thoả hiệp với ý kiến của Cambodia về bản tuyên bố chung. Rồi hai ngoại trưởng Singapore và Indonesia nói thêm vào để thuyết phục bộ trưởng Hor Namhong, nhưng ông này từ chối, nói rằng vấn đề nguyên tắc là Hiệp hội không thể chọn bên nào trong các cuộc tranh chấp song phương. Ông ta gom lại giấy tờ và đùng đùng bước ra khỏi phòng họp!
Đến ngoại trưởng Trung Quốc nếu có ở đó cũng sẽ hành xử hệt như vậy và cũng chỉ làm đến như vậy là cùng!
Vai trò của Washington được minh định
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ, rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, khi bà nói cuộc xung khắc ở biển Đông cần được giải quyết không áp chế, không bức hiếp, không đe doạ và không sử dụng võ lực.
Ảnh hưởng của Trung Quốc, do ngoại trưởng họ Dương đại diện, đã thể hiện rõ ở sau hậu trường của những tính toán về biển Đông, trên nhiều khía cạnh, đã chia rẽ những nước chịu ơn Bắc Kinh với những nước đối đầu với Bắc Kinh.
Cambodia là nước nhận viện trợ lớn lao của Trung Quốc, kể cả viện trợ quân sự mới mấy tháng nay.
Indonesia là quốc gia không giành chủ quyền ở biển Đông, đã cố gắng tạo một văn bản hoà hợp để được đồng thuận vào phút chót, nhưng cũng không thành công.
Ngoại trưởng Marty Natalegawa ca ngợi ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tỏ ra quan tâm mà vẫn dành cơ hội cho các bên nỗ lực đạt thoả thuận.
Vào lúc mà một bên là Hoa Kỳ với thế lực áp đảo về hải quân xưa nay, bên kia là Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, cả hai cùng tìm cách tăng cường lực lượng hải quân, cuộc tranh chấp trở nên đáng sợ hơn.
Trung Quốc nhắc đi nhắc lại với giới ngoại giao Hoa Kỳ rằng biển Đông giàu tiềm năng nhiên liệu không dính dáng gì tới nước Mỹ.
Nhưng chính quyền Obama cũng nhiều lần nói rất rõ rằng quyền tự do lưu thông hàng hải đang lâm nguy ở nơi thuỷ lộ giao thương quan trọng nhất trên thế giới.
Thêm vào đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton xác định với báo chí, không thể nào rõ hơn, rằng “Hoa Kỳ là một cường quốc thường trú của Thái Bình Dương”. Ngụ ý của bà Ngoại trưởng với Trung Quốc cùng các nước Đông Nam Á là nước Mỹ không những vẫn duy trì sự hiện diện mà còn gia tăng hiện diện ở nơi này.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố:”Chúng ta từng thấy những trường hợp đáng lo ngại của sự áp chế về kinh tế, sự sử dụng sức mạnh quân sự có vấn đề, và tàu bè của Nhà nước liên can vào những tranh chấp giữa các ngư dân” Sự áp chế về kinh tế ngụ ý nói đến việc Bắc Kinh quyết định ngưng nhập khẩu chuối và hạn chế du khách đến Philippines, gây cho xứ này thiệt hại tài chính đáng kể.
Bắc Kinh thắng một nước cờ
Trung Quốc đã minh định rằng chỉ giải quyết tranh chấp ở biển Đông với từng quốc gia liên quan, không qua một diễn đàn khu vực. Lập trường đó đã đóng khung cho nội dung tổng quát của bản quy tắc ứng xử trên biển Đông mà Bắc Kinh đồng ý bản thảo với các quốc gia ASEAN trong tương lai.
Và Bắc Kinh có vẻ đã thành công đối với Philippines và Việt Nam để chia ASEAN thành từng cây đũa, khi khối ASEAN không kết hợp được thành một thực thể pháp nhân để đối đầu với Trung Quốc, theo đúng ý Bắc Kinh xếp đặt từ lâu, trước cả lúc viện trợ ồ ạt cho Phnom Penh.
Giới ngoại giao châu Á hôm thứ năm cho biết những yếu tố chính của bản dự thảo bản quy tắc ứng xử mà Hoa Kỳ đã thúc giục khối ASEAN chấp nhận, đã được đồng ý trong buổi họp trong tuần. Những nhà ngoại giao này không chịu tiết lộ nội dung chi tiết của dụ thảo văn bản.
Chuyến đi một vòng Đông Nam Á của ngoại trưởng Clinton tuần qua là để chứng tỏ việc chuyển trục chiến lược của Washington sang châu Á còn nhắm tới những mục tiêu xa hơn lãnh vực quân sự.
Báo “Tin tức kinh doanh Trung Quốc”, China Business News, nhắc đến “những kẻ thổi phồng đề tài biển Nam Trung Hoa”, ám chỉ Hoa Kỳ.
Hội nghị ở Phnom Penh được tổ chức tại một toà nhà hội nghị có những cây cột trắng ngoạn mục, do Trung Quốc kiến tạo cho vòng hội nghị này.
Ở nơi này, khi được hỏi về việc Hoa Kỳ trợ giúp Cambodia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến sự khác biệt giữa hai đường lối viện trợ của Hoa Kỳ và của Trung Quốc. Bà nói:
”Chúng ta không nhắm đến những toà nhà lớn” và bà cho biết viện trợ của Hoa Kỳ nhằm nuôi sống những người cần được nuôi sống, bảo đảm sự sống còn của phụ nữ phải sinh nở, và gắng cải thiện cuộc sống của mọi người, nhất là cuộc sống của các thiếu nhi.