THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 June 2012

Quốc hội thông qua 13 dự luật

* 495/496 đại biểu có mặt biểu quyết thông qua luật Biển Việt Nam
* Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 đã thông qua 13 dự luật. Riêng trong ngày 21.6, QH đã thông qua 3 dự án luật: luật Quảng cáo, luật Tài nguyên nước, luật Biển Việt Nam.

Với sự tán thành của 495/496 đại biểu (ĐB) có mặt (1 ĐB không biểu quyết), sáng qua 21.6, QH đã thông qua luật Biển Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1 năm tới).
Gồm có 7 chương, 55 điều, luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Kỳ họp tới thông qua Quy chế bỏ phiếu tín nhiệm
Chiều cùng ngày, với đa số phiếu thuận, QH đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Theo đó, QH quyết nghị giao Ủy ban TVQH xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10 tới. Đề án đồng thời nêu rõ hoạt động chất vấn tại nghị trường sẽ thực hiện theo từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận. Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban TVQH xem xét và khi cần thiết trình QH ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
Bảo Cầm
Nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Về chính sách quản lý và bảo vệ biển, luật quy định: phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển. Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Luật cũng quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững các vùng biển phù hợp với điều kiện của từng vùng biển và bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng cường thông tin, phổ biến về tiềm năng, chính sách, pháp luật về biển; đồng thời, khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển, bảo hộ hoạt động của tổ chức, công dân Việt Nam ngoài các vùng biển Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật quốc tế, pháp luật của quốc gia ven biển có liên quan.
Chính sách khác được khẳng định trong luật Biển Việt Nam là đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, nâng cấp cơ sở hậu cần phục vụ cho các hoạt động trên biển, đảo và quần đảo, phát triển nguồn nhân lực biển. Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.
Luật cũng nêu các quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo đó, khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép; xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo; khoan, đào trái phép...
Quốc hội thông qua 13 dự luật
Toàn cảnh bế mạc kỳ họp thứ 3, QH khóa 13 - Ảnh: Ngọc Thắng
Ưu tiên phát triển kinh tế biển 6 lĩnh vực
Cũng theo luật Biển Việt Nam, Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi.
Các nội dung hợp tác quốc tế về biển tập trung vào điều tra, nghiên cứu biển, đại dương; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và cảnh báo thiên tai; phòng chống ô nhiễm môi trường biển, xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, ứng phó sự cố tràn dầu; tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phòng, chống tội phạm trên biển; và khai thác bền vững tài nguyên biển, phát triển du lịch biển.
Luật đồng thời quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, với 6 nhóm ngành chính, gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; Du lịch biển và kinh tế đảo; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; và Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21.6
Ngày 21.6.2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Ng.Phong (ghi)
Bộ trưởng phải báo cáo việc thực hiện lời hứa với cử tri
Cuối giờ chiều 21.6, tại buổi họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ ba, QH khóa 13, trả lời câu hỏi của báo chí về việc sắp tới giám sát các bộ trưởng thực hiện lời hứa như thế nào và nếu các bộ trưởng không thực hiện lời hứa thì có chế tài gì để xử lý hay không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH cho rằng: chính vì có Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn vừa được thông qua với mức biểu quyết rất cao đã là chế tài để QH có thể giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành trước cử tri cả nước. “Kỳ họp thứ tư (tháng 10.2012), QH sẽ yêu cầu mỗi vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, thứ ba tiếp tục báo cáo về việc thực hiện lời hứa trước cử tri. Sau khi thực hiện việc báo cáo này thì QH mới có cơ sở để đánh giá việc thực hiện lời hứa và trách nhiệm của các vị bộ trưởng trước cử tri”, ông Phúc nói.
Tuệ Nguyễn
Bảo Cầm