THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 June 2012

Bài toán rợn người



Lam Điền (TT) - "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay". Ví dụ rợn người này vừa được phát hiệnở tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100.

Tập sách này đã lưu hành trên thị trường 10 năm rồi.

“Bài toán rợn người” in tại trang 11 của sách - Ảnh: L.Điền

Bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên.

Nhiều phụ huynh cho rằng ví dụ trên đây rất phản cảm và phản giáo dục. Ðối với một quyển được ghi chú "dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1" thì việc lấy ví dụ minh họa cho một phép tính trừ bằng hình ảnh "nghịch dao làm cụt hai ngón tay" là không thể chấp nhận được.

Ðiều đáng nói là sách có tên tác giả: Hoàng Long, in logo Nhà xuất bản Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép là tháng 7-2002, nộp lưu chiểu tháng 9-2003. Nhà xuất bản Trẻ khi nhận được thông tin đã lật lại hồ sơ giấy phép lưu trữ và phát hiện mã số giấy phép xuất bản ghi trên tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 thật ra là được cấp cho một bộ sách có tên khác: Học nhanh toán, gồm năm tập, thời điểm cấp cũng là tháng 7-2002. Giấy phép này thuộc loại kế hoạch B - tức được cấp cho đối tác liên kết thực hiện sách. Trong giấy phép từ mười năm trước còn ghi rõ tên đối tác liên kết là Hoàng Long - tác giả quyển sách nói trên.

Tại cuộc gặp mặt giữa NXB Trẻ và đại diện nhà sách Nguyễn Văn Cừ (thuộc Công ty Thành Nghĩa) vào sáng 8-6, thông tin về ai là người chịu trách nhiệm in ấn, lưu hành quyển sách này cũng chưa được làm rõ.

Ðặc biệt, NXB Trẻ vừa phát hiện cũng tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 này, đến năm 2011 đã được in với giấy phép của NXB Thanh Niên và có ghi tên công ty liên kết là Thành Nghĩa. Tuy nhiên, thông tin từ Công ty Thành Nghĩa vào chiều 8-6 là công ty này có mua bản quyền một số sách của ông Hoàng Long, riêng quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 sẽ kiểm tra lại để xem có phải do Thành Nghĩa sản xuất hay không.

Mặc dù bìa 1 sách in rõ tên NXB Trẻ, nhưng sách này đã sử dụng giấy phép của một quyển khác - Ảnh: L.Điền

Ông Nguyễn Trường - đại diện chi nhánh NXB Thanh Niên tại TP.HCM - cho biết giấy phép của quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 thuộc danh sách do NXB Thanh Niên (ở Hà Nội) cấp. Tuy nhiên, ông Trường nêu khả năng trường hợp này có thể là sách in lậu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - cho rằng còn một đầu mối cần phải làm rõ là bản sách năm 2002 có ghi in tại Xí nghiệp in Bến Thành. "Chúng tôi sẽ tìm hiểu cụ thể Xí nghiệp in Bến Thành đã in quyển sách này theo giấy phép nào và thông tin tiếp tục cho dư luận". Ông Nhựt cho biết việc NXB Trẻ không cấp phép cho một quyển sách có nội dung phản giáo dục, nhưng sách này khi ấn hành đã in tên, logo NXB Trẻ lên bìa sách và mạo ghi giấy phép của NXB Trẻ vào khung lưu chiểu là xâm phạm uy tín của NXB. "Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để làm rõ" - ông Nhựt khẳng định.

Tác giả không nhớ sách... của mình

Chiều 8-6, tác giả Hoàng Long có thư trả lời NXB Trẻ cho biết năm 2002 ông có "liên kết với NXB Trẻ in bộ sách toán dùng cho lớp 1... Vì lâu quá rồi tôi không còn nhớ bộ sách đó mấy cuốn và tên mỗi cuốn đó là gì... Vì tuổi tác cao không còn minh mẫn nữa".

Và trong thư ông Long có đoạn: "Ðến năm 2003-2004 gì đó tôi cũng không nhớ rõ, theo nhu cầu nhà sách Thành Nghĩa có mua lại toàn bộ bản quyền số sách mà tôi đã viết gồm có: số sách đã in và chưa in, tác giả do tôi đứng tên. Trong đó có bộ sách toán dùng cho lớp 1, do NXB Trẻ cấp giấy phép... Coi như bộ sách toán dùng cho lớp 1 này tôi không còn giữ bản quyền và cũng không còn trách nhiệm nữa".

Như vậy, "bộ sách toán dùng cho lớp 1" mà ông Hoàng Long nhắc đến trên đây rất có thể là bộ Học nhanh toán gồm năm tập mà NXB Trẻ đã cấp phép hợp pháp. Còn quyển Phép cộng trừ phạm vi 100 này có phải do chính ông soạn ra hay không thì vẫn chưa xác định được.