Thứ Ba, 15/05/2012 23:19
Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng khi có thông tin Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực biển Đông có hiệu lực vào ngày 16-5.
Vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Ngày 17-1, mạng ngư nghiệp Trung Quốc đăng thông báo số 1 ra ngày 12-1 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về thời gian mùa nghỉ đánh bắt cá năm 2012. Theo đó, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực biển Đông năm 2012 từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.
Ngày 20-1, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn kiên cường ra khơi bám biển. Ảnh: VĂN MỊNH
Ông Nghị nêu rõ: “Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên của Trung Quốc”.
Bám chắc ngư trường truyền thống
Ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng: Trung Quốc chỉ thực hiện được lệnh cấm này trong phạm vi vùng biển của Trung Quốc chứ không có quyền cấm trong vùng biển của các nước khác. Hội Nghề cá Việt Nam đại diện cho ngư dân Việt Nam kịch liệt phản đối lệnh cấm vô căn cứ này.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng thông báo ngư dân tiếp tục an tâm sản xuất để giữ vững ngư trường truyền thống, phát triển nguồn lợi thủy sản và khẳng định chủ quyền của đất nước. Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan có trách nhiệm nắm rõ tình hình để có ý kiến chính thức phản đối Trung Quốc về việc này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết đã có văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương vẫn tổ chức cho ngư dân đánh bắt bình thường trên vùng biển của Việt Nam và ngư trường truyền thống. Bộ NN-PTNT cũng có hướng dẫn ngư dân đi đánh bắt theo hình thức tổ, đội để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời thông báo kịp thời những vấn đề phát sinh đến cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa cũng vừa thành lập 2 trung đội dân quân biển tại phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang và phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa. Đây là 2 phường có số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường xuyên và dài ngày trên vùng biển Trường Sa. Đại tá Lê Minh Soạn, Phó Chỉ huy trưởng,Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, nói: “Việc thành lập 2 trung đội dân quân biển, nhằm bảo vệ trật tự an toàn trên biển và thực hiện chủ trương vươn ra biển để khai thác nguồn tài nguyên và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam”.
Ông Dương Nhựt, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: Nghiệp đoàn đã thông báo đến các chủ phương tiện đánh bắt cảnh giác đề phòng khi tham gia khai thác trên vùng biển, đồng thời vận động đoàn viên ra khơi theo các tổ đội để bảo vệ lẫn nhau.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN