THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 May 2012

Nước Pháp có tân Tổng thống



2012-05-07
Hôm Chủ nhật 6/5 vừa qua, tại Pháp đã diễn ra cuộc bầu cử vòng 2 để bầu ra vị Tổng thống tương lai nhiệm kỳ 2012-2017 cho nước Pháp.
AFP photo
Ông François Hollande - Vị Tân Tổng Thống thứ 7 của nền Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp

Ông François Hollande thắng cử

Cuộc chạy đua vào điện Elysée năm nay được đánh giá là sôi động và gay cấn giữa hai ứng cử viên sáng giá nhất là ông Nicolas Sarkozy của đảng UMP là Tổng thống được nhiệm và ông François Hollande của đảng Xã Hội. 
Đúng 8 giờ tối giờ Paris, các cơ quan truyền thông đã đồng loạt thông báo sự thắng cử của ông François Hollande, ứng cử viên đảng Xã hội đã dành được ngôi vị Tổng thống Pháp với số phiếu 51,67% so với 48,33% của vị Tổng thống tiền nhiệm, ứng cử viên đảng UMP Nicolas Sarkozy. Ngoài đường phố, tiếng còi xe vang dậy của các ủng hộ viên. Hàng trăm ngàn người dân đã tập trung tại công trường Bastille để chào mừng chiến thắng của đảng Xã hội.
Tuy chiến thắng với một khoảng cách được cho là đáng kể như thế, nhưng dư luận cho rằng, sự vinh quang này khá là tương đối. Phân tích sự thành công của tân Tổng thống Hollande, ông Lê Trọng Quát cựu luật sư VNCH và là cựu công chức bộ thống kê, bộ lao động Pháp, nhận xét:
"Ông Hollande tập hợp được các khuynh hướng chính trị của các phe tả đến các phe cực tả gồm có những phần tử của cộng sản đệ tam quốc tế, ngay cả thành phần đệ tử quốc tế Trốt-kít của thời xa xưa mà nay vẫn còn tồn tại ở nước Pháp. 
Tất cả những hợp lực đó đã tạo nên một đa số như chúng ta vừa thấy. Ngược lại, phía hữu cử tri ủng hộ ông Sarkozy thì đông lắm, có thể nói 53-54% nhưng mà chia rẽ hết sức là trầm trọng. Chúng ta đã thấy bà Marine Le Pen thuộc phe cực hữu chiếm 18% cử tri, nhưng mà chống lại Sarkozy.
Tôi tin tưởng rằng François Hollande là người có kiến thức kinh tế vững vàng, sau một thời gian ông ta sẽ điều chỉnh chính sách. 
Ông Nguyễn Gia Kiểng
Rồi ông Bayrou thuộc phe trung tâm, ông này cũng bênh ông Holland. Thì cái sự chia rẽ nội bộ của phe hữu đã tạo nên sự thành công của ông Hollande. Chưa kể một hiện tượng là phe truyền thông Pháp đã thiên tả rõ rệt, họ đã hoạt động một cách bất lợi cho ông Sarkozy, những thành tích ông Sarkozy đã đạt được trong 5 năm thì họ lờ đi hoặc nói rất nhẹ; ngược lại những cái không thành công hoặc thất bại của ông Sarkozy thì họ phát triển lên. Những cái đó đã tạo nên sự thành công của ông Hollande."
Trong vòng 3 năm qua có 15 cuộc bầu cử tại Âu châu và ngày 6/5 vừa qua có hai cuộc bầu cử thay đổi chính quyền tại Pháp và tại Hy Lạp. Trong tất cả các cuộc bầu cử, đảng cầm quyền đều thất bại, chứng tỏ sự bất mãn của người dân. Đồng quan điểm với ông Lê Trọng Quát, anh Alain Bùi Sĩ, chủ tịch một nhóm trẻ: Liên Hiệp người Việt Công Hòa (UVR) nói lên sự thất vọng của anh về kết quả bầu cử này:
"Không phải là ông François Holland thắng cử, người dân không phải bầu cho ông Hollande mà người dân bầu chống Nicolas Sarkozy. Từ lúc thế giới bị ảnh hưởng về kinh tế thì tất cả các cuộc bầu cử dù ở nước nào thì đều bất lợi cho chính phủ hay tổng thống đang cầm quyền. Đối với tôi kết quả bầu cử này là một sự thất vọng lớn vì chương trình của François Holland rất là nguy hiểm đối với tương lai của nước Pháp." 
Nhưng ông Nguyễn Gia Kiểng, một kỹ sư tin học đã về hưu tại Lognes, theo dõi sát sao tình hình chính trị ở Pháp thì nhận định ngược lại:
“Tôi tin tưởng rằng François Hollande là người có kiến thức kinh tế vững vàng, sau một thời gian ông ta sẽ điều chỉnh chính sách. Nói chung tương lai nước Pháp trong những ngày sắp tới có thể khá được bảo đảm bởi vì với sự ra đi của Sarkozy thì có thể họ sẽ tìm lại được sự đồng thuận quốc gia vì một trong những lỗi lầm của ông Sarkozy là với những cách ứng xử của ông, ông đã làm nhiều người bất mãn, thậm chí ghét ông.”

Cái đẹp của Tự do, Dân chủ

Nguoi-dan-Phap-dang-di-bau-250.jpg
Người dân Pháp đi bầu trong ngày 06/5/2012. RFA photo
Một điểm đáng chú ý là lần bầu cử này là nhóm trẻ UVR đã vận động được rất đông đảo người Việt tham gia đi bầu. Một hoạt động chưa từng có trước đây. Anh Alain Bùi Sĩ nói:
“Cái điểm đáng nhấn mạnh trong cuộc bầu cử năm nay là cộng đồng Việt nam đã rất tích cực trong việc vận động bầu cử này. Em đại diện cho hội UVR tức là hội Union des Vietnamiens Répubilcains cũng thành thật cảm ơn tất cả những người trong cộng đồng đã làm tất cả mọi việc để vận động cho cuộc bầu cử lần này.”
Cuộc bầu cử được đánh giá là sôi nổi, căng thẳng và diễn ra rất công bằng, dân chủ. Ngay sau kết quả bầu cử, từ Paris, ông Sarkozy đã chúc mừng ông Hollande và cảm ơn những người đã ủng hộ ông, sau đó từ thành phố Tulle, ông Hollande cũng đã nói trước cử tri rằng ông Sarkozy đã làm tròn nhiệm vụ của ông trong 5 năm vừa qua và ông nói sự thay đổi mà ông đã hứa sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ. Sự hòa giải của hai người đã từng là đối thủ kịch liệt của nhau đã thể hiện tính Dân chủ của nước Pháp. Ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định: 
"Một lần nữa, nước Pháp đã chứng tỏ họ là một nước Dân chủ lớn. Ngay sau một cuộc tranh cử hết sức là gay gắt, người thua cũng như người thắng đều nói những lời hết lẽ hết sức là hàn gắn, hòa giải với nhau. Coi như là có một thời gian để mà tranh đấu với nhau để mà giành chính quyền, nhưng mà có một thời gian đoàn kết với nhau để mà xây dựng đất nước.
Cái hiện tượng này làm cho tôi nhớ lại biến cố 30/4 mà chúng ta đã kỷ niệm lần thứ 37 cách đây một tuần. So sánh 2 biến cố: sự thắng lợi của đảng Xã hội ngày hôm nay và sự chiến thắng của đảng Cộng sảng VN thì nó khác hẳn nhau. Ông Sarkozy đã chúc mừng cho ông Holland, ngược lại, ông Hollande đã dùng những lời lẽ đầu tiên để bày tỏ sự kính mến đối với người Tổng thống mà ông ta vừa đánh bại. Nó khác hẳn với những lời lẽ của những người chiến thắng năm 1975 là những lời lẽ huyênh hoang đắc thắng, lời lẽ miệt thị. Cho tới hôm này tôi vẫn còn nhớ đến sự nhục nhã của nhưng người thất bại như chúng tôi. 
Những nước có nền dân chủ văn minh và trí tuệ cao. Sau một cuộc tranh giành quyền lực thì họ tìm mọi cách để hòa giải dân tộc, họ hàn gắn."
Cùng một nhận định như trên, dược sĩ Nguyễn Quốc Nam, người theo dõi sát sao các cuộc tranh cử bày tỏ quan điểm của ông về tính Dân chủ thể hiện qua cuộc bầu cử này:
“Cái đẹp của cái Dân chủ là người thất bại trong cuộc tranh cử này, vừa mới được kết quả là đã điện thoại để chia vui với người vừa mới được đắc cử, vừa mới đánh bại mình. Đó là một điều hết sức là tốt đẹp. Hơn thế nữa, ông Sarkozy đã kêu gọi những người trong đảng của ông phải tôn trọng vị tân Tổng thống do dân chọn lựa ra, hai nữa là chúc cho anh ta có nhiều may mắn để thành công, bởi sự thành công đó là sự thành công của nước Pháp chứ không còn là sự thành công của một cá nhân nữa. Đó là cái đẹp của Tự do, Dân chủ.”
Ông Sarkozy đã kêu gọi những người trong đảng của ông phải tôn trọng vị tân Tổng thống do dân chọn lựa ra, hai nữa là chúc cho anh ta có nhiều may mắn để thành công, bởi sự thành công đó là sự thành công của nước Pháp... 
Dược sĩ Nguyễn Quốc Nam
Thường xuyên đi làm trên một chiếc xe mô-tô 2 bánh, ông Hollande được đánh giá là một người ôn hòa, giản dị trái với ông Sarkoky là người thích phô trương, hào nhoáng và có cá tính mạnh mẽ. Ông Hollande đã dành được cảm tình của trên phân nửa số cử tri. Nhưng với những yếu tố đó, có đủ cho ông Hollande dẫn dắt nước Pháp ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế như ông đã hứa trong khi tranh cử, ông Lê Trọng Quát nhận định:
“Ông Holland là một người hiền hòa, trung dung, không phải là quá khích, nhưng ông ta đã phải chìu lòng vì được sự ủng hộ của phe cực tả quá khích đệ tam, đệ tứ quốc tế, đảng xanh…. Dó đó ông ta đã đưa ra những lời hứa mà tôi chắc rằng ông ta không thể nào thực hiện được. Vì sao? Là vì nước Pháp hiện đang có mối nợ công hết sức nặng, lên đến 84% tổng lợi tức quốc gia. Tiền lời mỗi năm là 48 tỉ euros. Do đó ông Sarkozy đã hết sức cố gắng để hạn chế chi tiêu. 
Ngân sách 2 năm vừa rồi có giảm, lại bớt đi 160.000 công chức , không thay thế những người về hưu hoàn toàn. Chính sách ông Sarkozy rất là hữu hiệu.
Chúng ta so với các nước Hy lạp, Tây ban Nha, Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha… nước Pháp đang trải qua các cuộc khủng hoảng và vẫn giữ được mức sống khả quan. 
Vậy mà vẫn bị thất bại. Vậy mà nếu ông Hollande thực hiện đúng những lời cam kết của ông trong bối cảnh nước Pháp đang thiếu nợ nhiều,  khủng hoảng tài chánh của khu vực Eurro mà ông đòi 60.000 nhân viên trong ngành giáo dục, tăng lương tối thiểu, tăng lương các ngành, trợ cấp đủ thành phần, mở rộng cửa biên giới, hợp thức hòa những người ở lậu. Tất cả những cái đó đòi hỏi một chi tiêu khổng lồ và sẽ làm cho nước Pháp trải qua những khó khăn không lường!"    

Chuyện hy hữu trong thùng phiếu

Canh-mot-phong-phieu-250.jpg
Một phòng phiếu ở Paris trong ngày bầu cử 06/5/2012. RFA photo
Khi được ký giả Pháp hỏi về điểm mạnh của ông Sarkozy là gì, ông Holland trả lời rất khôn khéo: “điểm mạnh của ông Sarkozy là sự năng nổ của ông ta, nhưng đó cũng chính là điểm yếu của ông ta”. Có phải chăng sự ôn hòa của ông Hollande cũng chính là điểm yếu của ông? Ông Nguyễn Quốc Nam nhận định về vị Tân Tổng Thống Pháp như sau:
“Con người của ông Hollande là một con người hết sức là dễ thương, vui vẽ, bặt thiệp, rất là dễ sống. Nhưng mà một người lãnh đạo quốc gia trong cơn biến loạn phải là một người có đủ ý chí, nghị lực, quyết tâm để mà làm công việc của mình. Trong khi một người bạn, lúc trước cũng làm chung đảng với ông Hollande thì nói rằng ông Holland như một cái nút chai, thảy xuống sông, sóng lớn thì nổi lên, sóng nhỏ thì nó lặn xuống nhưng nó không bao giờ chìm. Là một người không bao giờ dám lấy một quyết định nào, đó là điều là người ta e ngại ở vị Tổng thống mới này.”
Nhưng ngược lại, ông Nguyễn Gia Kiểng, người đã bỏ phiếu cho ông Hollande tin rằng ông này là một người có khả năng dẫn dắt nước Pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế của Âu Châu:
“Nhiều người lo ngại François Holland sẽ không có cái khả năng của Sarkozy. Những ngày sắp tới sẽ chứng tỏ rằng điều đó không đúng. Dĩ nhiên tôi không chối cãi khả năng của ông Sarkozy, nhưng ông Holland là người có bản lĩnh lắm, là người có kinh nghiệm chính trị, chứ không phải vì ông ta chưa từng làm bộ trưởng hay chưa từng làm thủ tướng mà ông ta không có kinh nghiệm. Hơn nữa ông ta đã là Tổng thư ký của đảng cầm quyền. Cho nên ông là người có khả năng điều hành đất nước. Về điểm này thì chúng ta có thể yên chí. Yên chí, không có nghĩa là mọi việc đều tốt đẹp.
Lần đầu tiên em mở một thùng phiếu mà trong đó không có lá phiếu của ông Sarkozy, cũng không có lá phiếu của ông Hollande mà trong đó có 10 euros. 
Anh Alain
Nước Pháp đang trải qua một cuộc khủng hoảng quan trọng, các dân tộc Âu châu đều bất mãn với chính quyền của họ. Các chính quyền đều chưa tìm được một giải pháp thỏa đáng. Nhưng tôi nghĩ rằng ông Holland là người có khả năng nhất dẫn dắt nước Pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng. Với sự ra đi của ông Sarkozy có lẽ họ tìm được sự đoàn kết quốc gia. Một trong những lỗi lầm của ông Sarkozy là ông đã qua cách ứng xử của ông, ông đã tạo ra những người rất thù ghét và rất bất mãn ổng."
Với 80% cử tri đi bỏ phiếu, tức 37 triệu người đi bầu, thấp hơn 83% của năm 2007, khoảng 20% tức khoảng 8 triệu dân Pháp không đi bầu. Trong đó có 6% tức 2 triệu người bỏ phiếu trắng. Những con số này nói lên phần nào sự bất mãn của người dân đối với chính phủ. Anh Alain kể lại một trường hợp hi hữu trong hơn 10 năm làm việc cho phòng phiếu của anh: 
“Lần đầu tiên em mở một thùng phiếu mà trong đó không có lá phiếu của ông Sarkozy, cũng không có lá phiếu của ông Hollande mà trong đó có 10 euros. Trong tờ giấy 10 euro đó, có một người viết bằng tiếng Pháp là “Je donne 10 euros pour le futur président pour commencer à payer là dette de la France”, có nghĩa là “Tôi biếu 10 euro này cho vị Tổng thống tương lai của nước Pháp để bắt đầu trả nợ cho nước Pháp” cho thấy người dân đã chán nản về sự khủng hoảng kinh tế và sự bế tắc của chính quyền đương đại."

Kinh nghiệm chính trị

Ông François Hollande sinh ngày 12 tháng 8 năm 1954 tại Rouen, một thành phố thuộc vùng Normandie, miền Đông Nam nước Pháp. Con út của một gia đình mà cha là bác sĩ Tai mũi họng, mẹ là nhân viên xã hội. Tham gia đảng xã hội từ năm 1979 và đã giữ các chức vụ: 
Phát ngôn nhân của đảng xã hội tù 1995-1997
Tổng thư ký của đảng Xã hội từ năm 1997 đến 2008.
Thị trưởng thành phố Tulle từ 2001-2008.
Dân biểu khu 1 của tỉnh Corrrèse từ 1988-1993 và 1997
Chủ tịch hội đồng thành phố Corrèses từ năm 2008
Đã theo học những trường lớn của Pháp như Trường Quốc Gia hành Chánh, thương mại cao cấp,viện nghiên cứu chính trị.
Trong thời gian theo học ở viện nghiên cứu chính trị, ông là thành viên của Sinh viên đoàn kết quốc gia UNEF-Renouveau, một đoàn thề gần gũi với đảng Cộng sản Pháp thời bấy giờ.
Ông sống chung và có 4 con với bà Ségolène Royal , ứng cử viên Tổng Thống năm 2007. Và cũng trong thời điểm này, ông Hollande và bà Royal đã chia tay nhau. Hiện ông đang sống chung với nữ ký giả Valérie Trierweiler.
Trong sự suy sụp liên lục về kinh tế của các nước Âu Châu, nước Pháp đang đứng trước một viễn ảnh khá mù mịt. Sự vực dậy nền kinh tế của nước Pháp đang là một thách thức lớn cho vị Tân Tổng Thống thứ 7 của nền Đệ ngũ Cộng Hòa: François Hollande.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.