Do vậy, các chuyên gia Bộ Y tế ít nghĩ đến nguyên nhân bệnh do nguồn nước mà hướng nhiều đến khả năng do nhiễm độc, có thể do tiếp xúc trực tiếp hoặc qua thực phẩm bị nhiễm độc.
Theo đó, hội chứng đã xảy ra từ 2010-2011 tại 5 xã của huyện Ba Tơ với 176 ca mắc. Tại xã Ba Điền, 98% dân số là người H're có tập quán ăn gạo ủ. 100% người mắc là dân tộc thiểu số. Bệnh ghi nhận ở 5 xã nhưng 94% bệnh nhân ở xã Ba Điền. Đặc biệt riêng thôn Làng Rêu có đến 88 người mắc và khu trú trong một số hộ gia đình. Trong đó 7 hộ có 100% thành viên trong gia đình cùng mắc. 100% bệnh nhân có tăng men gan, xét nghiệm huyết học cho thấy tình trạng dinh dưỡng kém.
Từ ngày 8.5, Bộ Y tế tiếp tục có thêm một cuộc điều tra thực địa. Các viện chuyên ngành sẽ thực hiện riêng một đề tài nghiên cứu cấp Bộ về hội chứng trên tại Quảng Ngãi với các phân nhánh nghiên cứu chuyên sâu (lâm sàng, vi sinh, môi trường, dịch tễ) để khẳng định chính thức nguyên nhân. Có thể sẽ mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh cấp gạo trắng cho các hộ gia đình, thu đổi gạo ủ, gạo mốc. Đồng thời vận động người dân đi bệnh viện điều trị ngay khi có các biểu hiện của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân để hạn chế bội nhiễm, biến chứng và tử vong.
Liên Châu
Thêm một người tử vong
Chiều 7.5, tại xã Ba Điền, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) lại thêm một trường hợp mắc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tử vong. Đó là bà Phạm Thị Tiến (56 tuổi, ở thôn Làng Rêu). Theo Trung tâm y tế H.Ba Tơ, trong 7 ngày đầu tháng 5, tại xã Ba Điền phát hiện thêm 13 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh lạ tại địa phương lên 190. Hiện còn 31 người đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện và T.Ư, trong đó có 4 ca rất nặng. Như vậy, sau hơn 1 năm từ ngày phát hiện ca bệnh lạ đầu tiên, tại H.Ba Tơ đã có 20 người tử vong.
Hiển Cừ
|