Có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xử lý hồ sơ hành chính của một số cơ quan thuộc TP.Hà Nội, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều bức xúc của người dân về thái độ, cách hành xử của cán bộ nhà nước.
Có vẻ như cán bộ rất nhiệt tình trong việc bắt lỗi người dân khi có sơ sót, còn khi cán bộ làm sai thì ngược lại.
Minh họa: DAD
|
“Cháu cũng... chả sai”
Đầu năm 2012, anh Nguyễn Văn Thái, ngụ tại khu tập thể Thành Công đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xử lý hồ sơ hành chính (bộ phận một cửa) của UBND Q.Ba Đình làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thời điểm anh Thái nộp hồ sơ là ngày 27.2, theo lịch hẹn ngày 19.3 anh được trả kết quả. Đúng hẹn anh Thái đến thì được hẹn thêm 10 ngày nữa. “Trên thực tế thì việc trả kết quả bao giờ cũng phải chậm khoảng 10 ngày so với lịch hẹn”, anh Thái thuật lại lời giải thích của cán bộ tiếp dân như vậy.
|
|
Họ làm sai nhưng không hề xin lỗi mà còn bắt chúng tôi phải làm đơn xin đính chính và cấp lại sổ đỏ do nhầm vị trí, tức là bắt dân đi xin vì cái sai của cán bộ.
| |
|
Ông Nguyễn Văn Tiến - ngụ tại ngõ 266 Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội
|
|
Phản ánh với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tiến, ngụ tại ngõ 266 Đội Cấn, Q.Ba Đình nói khi làm thủ tục tách sổ đỏ, ông gặp phải những chuyện oái oăm, có thật mà như bịa. Cụ thể, năm 2011 ông chuyển nhượng một phần đất trong tổng diện tích hơn 100 m2 của gia đình cho em gái. Hồ sơ thể hiện đất của ông là hơn 60 m2, phần còn lại là của em gái. Thế nhưng không biết cán bộ “hô biến” thế nào mà cuối cùng đất của ông thành của em gái và ngược lại. “Họ làm sai nhưng không hề xin lỗi mà còn bắt chúng tôi phải làm đơn xin đính chính và cấp lại sổ đỏ do nhầm vị trí, tức là bắt dân đi xin vì cái sai của cán bộ”, ông Tiến bức xúc.
Chưa hết, để được đổi lại sổ đỏ, ông Tiến và em gái phải đi công chứng toàn bộ hồ sơ cũ nộp về bộ phận "một cửa". Theo lịch hẹn là ngày 19.3.2012 có kết quả, nhưng đến nay đã trễ hơn 1 tháng mà vẫn chưa có. “Hai giờ chiều ngày 10.4, tôi ra lấy số xếp hàng thì họ nói chưa có, hẹn 4 giờ 30 cùng ngày có thể có. Đúng hẹn tôi đến thì họ nói có sổ nhưng bắt tôi nộp thêm chi phí mua phôi sổ mới. Tôi thắc mắc cán bộ làm sai sao bắt dân chịu thì cô nhân viên bộ phận một cửa trả lời tỉnh bơ là cháu cũng... chả sai”.
Đủ kiểu hành dân
Đầu tháng 3.2012, chị Vân Anh, nhân viên một công ty TNHH ở Q.Hai Bà Trưng mang hồ sơ đến bộ phận "một cửa" Sở KH-ĐT Hà Nội để làm thủ tục thay đổi người đại diện trước pháp luật của công ty. Tại đây, sau khi phát hiện thiếu chữ ký của giám đốc, nhân viên bộ phận đã trả hồ sơ yêu cầu chị Vân Anh bổ sung. Mất gần hai ngày để bổ sung chữ ký, đi lại, chờ đến lượt, hồ sơ mới được tiếp nhận với lịch hẹn sau 1 tuần sẽ có kết quả.
Đúng hẹn, chị Vân Anh lên lấy kết quả thì nhận được một bản kê khai những loại giấy tờ thiếu sót, cần bổ sung. Chạy đôn chạy đáo thực hiện “bản kê khai” đó xong, chị Vân Anh lại bị cán bộ Sở KH-ĐT “hành” tiếp với lý do: chủ sở hữu ghi trong các loại giấy tờ phải là công ty mẹ chứ không phải là công ty con. Thế là lại mất đúng thêm 1 tuần để làm lại, rồi đợi thêm 1 tuần để bộ hồ sơ được “chờ duyệt”. Sau khi cầm được kết quả trên tay, chị Vân Anh bức xúc: “Tại sao ngay từ đầu họ không xem kỹ hồ sơ của tôi để yêu cầu bổ sung, sửa chữa một lần cho xong mà bắt phải chạy tới chạy lui như vậy chứ?”.
Anh Nguyễn Tuấn Đ., Việt kiều định cư ở Hungary cũng phản ánh với Thanh Niên những bức xúc trong quá trình làm thủ tục đăng ký kết hôn tại bộ phận "một cửa" của Sở Tư pháp TP.Hà Nội. “Ở nước ngoài, những loại giấy tờ thủ tục có sẵn trên mạng, khi cần người dân chỉ tải xuống điền vào rồi mang đến nộp nhưng ở VN thì không có, hoặc nếu có thì cũng không được chấp nhận mà buộc phải mua tại đây. Một bộ hồ sơ 35.000 đồng chỉ với vài trang giấy photo đen trắng”, anh Đ. nói. Anh cho rằng, thủ tục ở đây còn đòi hỏi nhiều loại giấy tờ rất... củ chuối. “Lệ phí đăng ký hôn nhân là 1 triệu đồng và việc thu là nhà nước đề ra và dân phải chấp hành. Đơn giản là như thế nhưng chúng tôi bị yêu cầu phải viết một phiếu đề nghị thu lệ phí kết hôn để cán bộ xét duyệt rồi mới được nộp tiền. Chưa hết, một số loại giấy tờ phải có ý kiến xác nhận của địa phương còn vênh nhau về mẫu giữa sở và phường phát hành khiến chúng tôi đi lại rất mất nhiều thời gian”, anh Đ. kể.
“Cò” gạ gẫm
Chị Vân Anh cho biết, trong những lần ngồi đợi ở khu vực "một cửa" của Sở KH-ĐT Hà Nội, chị thường thấy vài phụ nữ lân la quanh những người đi làm hồ sơ như chị và đặt vấn đề nếu chịu tốn phí, họ sẽ làm được nhanh, chỉ trong một tuần có kết quả. Lần theo số điện thoại một “cò” thủ tục để lại cho chị Vân Anh, PV Thanh Niên biết người này tên Thanh. Thanh thường lân la ở khu vực "một cửa" và mời gọi người tới làm hồ sơ giấy tờ với giá 2 triệu đồng cho một bộ hồ sơ thay đổi người chịu trách nhiệm trước pháp luật và tuyên bố như "đinh đóng cột" là sau đúng 1 tuần có kết quả.
|
Thái Sơn - Hà An