Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-05-16
Để không còn những vụ Văn Giang, Tiên Lãng hay hàng trăm ngàn những vụ khiếu kiện vì tịch thu đất đai bất công, Việt Nam sẽ phải sửa đổi luật đất đai sao cho người dân có thực quyền trên mảnh đất của mình, hoặc nói cách khác có quyền dân chủ cao hơn.
Nguyên nhân của tham nhũng
Nhân sự kiện Văn Giang Hưng Yên dư luận lại nóng trở lại về vấn đề sửa đổi luật đất đai 2003 và thậm chí sửa đổi Hiến pháp 1992 vốn là Đạo Luật cơ bản của Nhà nước Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, GSTS Võ Tòng Xuân Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An nói là nông dân cần được bảo vệ và không nên để xảy ra những vụ Văn Giang khác. Ông nói:
“Hiện nay Luật Đất Đai chỉ cho người dân quyền sử dụng đất chứ không có quyền chủ quyền của đất đó. Theo tôi ‘quyền sử dụng đất’ chính là nguyên nhân gây ra rất nhiều tham nhũng từ xã, lên huyện lên tỉnh và tới trung ương luôn. Do đó bây giờ cần sửa lại cho người nông dân được làm chủ mảnh đất của họ luôn thay vì chỉ có quyền sử dụng đất.
Ngày xưa khi Hồ chủ tịch còn sống, trong hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Hồ chủ tịch cũng đã chỉ đạo vấn đề đất đai là sở hữu của mỗi người dân chứ không phải là sở hữu toàn dân. Bây giờ nên sửa lại không nên để ‘đất đai là sở hữu toàn dân’ mà là ‘đất đai là sở hữu của người dân cụ thể’. Tôi mong rằng có sự sửa đổi như thế để tránh mọi sự kiện tụng, các vụ tham nhũng từ đây về sau.”
Vấn đề sửa đổi luật đất đai luôn là nỗi ưu tư của cử tri và giới lập pháp, nhưng sớm nhất thì đến cuối năm 2013 mới có thể sửa đổi được. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành lùi thời gian thêm 1 năm, tức là đến cuối năm 2013 chính phủ mới đệ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai sửa đổi. Nhắc lại rằng, dự án Luật này đã được hoãn nhiều lần với lý do cần có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng lần này được nêu cụ thể là “thể hiện các phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 và sẽ trình Quốc hội cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.
Được biết, Hội nghị Trung ương 5 họp ở Hà Nội từ 7-15/5/2012, thảo luận một số vấn đề trong đó có việc sửa Hiến pháp 1992, sửa đổi hoàn thiện luật pháp, chính sách đất đai, đặc biệt chú ý tới những vướng mắc và những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội như thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi.
Bây giờ nên sửa lại không nên để ‘đất đai là sở hữu toàn dân’ mà là ‘đất đai là sở hữu của người dân cụ thể’. Tôi mong rằng có sự sửa đổi như thế để tránh mọi sự kiện tụng, các vụ tham nhũng từ đây về sau.GSTS Võ Tòng Xuân
Trả lời Nam Nguyên, TS Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp từ Hà Nội tỏ ra hết sức ưu tư về nan đề ‘đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý’. Ông nói:
“Xu hướng bây giờ là muốn xem lại vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân…Nhưng chắc là khó quá vì nó là nguyên tắc mà bây giờ đụng đến thì nó rung động hết cả đạo luật (Hiến pháp) phải sửa đổi hẳn đạo luật thì mới được. Bản thân tôi cũng phân vân không biết bây giờ sửa thì sửa cái gì, sửa riêng về vấn đề chính sách thôi thì thỏa đáng chưa…nó không thể bảo đảm về cơ bản lâu dài.
Tôi có một vài lần tham gia các cuộc họp, nhưng chính xác mà nói rất là khó và chưa thấy lối ra. Mỗi người có ý kiến riêng, có mong muốn nguyện vọng làm thế nào để có thể nó thông thoáng hơn…Cái đó thì hợp lý thôi nhưng mà thông thoáng thì nguyên tắc ở đâu, nguyên tắc là gì thì đó lại là vấn đề… Bởi vì Hiến pháp 1980 qua Hiến pháp 1992 qui định đất đai là sở hữu toàn dân.”
Không có lối ra, vì sao?
“Thật ra nguyên tắc thì rất rõ rồi, Nhà nước có nhu cầu thu hồi đất thì đó là cái quyền nhưng phải bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân. Luật qui định điều đó và về nguyên tắc chế độ này phải như vậy. Nhưng mà khi đi vào cụ thể thì người vận dụng nó lại có động cơ này động cơ kia hoặc là chưa hiểu hết nên có sai lầm và thường thường là quá đáng không tôn trọng đầy đủ quyền của người dân. Bây giờ cứ trở về nguyên tắc luật định thôi, các cơ quan công quyền phải vô tư khách quan hơn.”
Trên các diễn đàn báo chí, đa số các luật gia, chuyên gia đều chung ý kiến là muốn sửa Luật Đất đai cách tốt nhất và rành mạch nhất thì phải sửa đạo luật gốc là Hiến pháp. Đất đai nên được qui định có nhiều hình thức sở hữu, như sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể như doanh nghiệp và có những phần là sở hữu nhà nước, thí dụ đất rừng đất mỏ…
Tuy đồng thuận là cần sửa Hiến pháp trước khi sửa Luật Đất Đai, nhưng LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho là cũng có thể sửa đổi về chính sách đất đai mà không đụng tới Hiến pháp. Ông nói:
Khi thu hồi đất thì giá đền bù phải bằng hoặc tốt hơn giá thị trường thì như vậy người dân mới thoải mái giao đất cho nhà nước. Nếu giải quyết được vấn đề này thì những vụ khiếu kiện đó sẽ không còn nữa.LS Nguyễn Văn Hậu
"Người được giao đất phải được sử dụng ổn định lâu dài và đồng thời phải coi đất đai là một loại hàng hóa đặc biệt. Khi thu hồi đất thì giá đền bù phải bằng hoặc tốt hơn giá thị trường thì như vậy người dân mới thoải mái giao đất cho nhà nước. Đất bị thu hồi có thể có nhiều lý do, thí dụ phục vụ công cộng thì phải thu hồi đất, nhưng làm sao tạo cho người bị thu hồi đất một nơi ăn chốn ở ổn định. Nếu giải quyết được vấn đề này thì những vụ khiếu kiện đó sẽ không còn nữa.”
Nhu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai 2003 là điều được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rất rõ, nhưng sẽ rất khó thay đổi cương lĩnh ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý’. Vì trả sở hữu đất đai về cho tư nhân cũng giống như xác định quyền tư hữu một cách minh bạch, một điều mà giới bảo thủ trong Đảng cố né tránh.
Giới chính trị gọi tiến trình hiện nay là một bước tiến gần hơn đến chế độ tư bản, sau khi Việt Nam áp dụng điều gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được 25 năm.