Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong năm 2011. Ảnh minh họa. |
Trước đó, "Báo cáo môi trường kinh doanh 2012" của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2011, Việt Nam giảm 8 bậc xuống vị trí 98 trong bảng xếp hạng 183 nền kinh tế. Lĩnh vực bị tụt hạng mạnh nhất là nộp thuế, giảm 22 bậc xuống vị trí 151. Còn "Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011-2012" do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Việt Nam hiện ở vị trí 65 trên tổng số 142 quốc gia, rớt 6 bậc so với năm 2010.
Ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ở Việt đang chuyển dịch theo hướng thị trường. Những năm qua, tỷ lệ tư nhân hóa và vai trò của các công ty tư nhân ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, ông Deepak Mishra cho rằng, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ở Việt Nam hoạt động tốt hơn so với các công ty Nhà nước nhưng vẫn kém so với mặt bằng hiệu quả của doanh nghiệp thế giới nói chung.
"Khi nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, chúng tôi đều tự nhủ rằng đây là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng điều đó đã sai trong 2 năm gần đây, sau 20 năm hoàn toàn đúng. Năm 2011, kinh tế Việt Nam dưới mức trung bình của ASEAN. Năm 2010, tốc độ phát triển của Việt Nam dưới mức trung bình của Châu Á", ông Deepak Mishra chia sẻ.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế Việt Nam 2012 được dự báo là sẽ khả quan hơn. Các căn cứ được nhiều chuyên gia đưa ra như: trần lãi suất ngân hàng bắt đầu giảm giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, duy trì và mở rộng sản xuất. Chỉ số CPI 2 tháng đầu năm chỉ tăng 2,38% so với cuối năm 2011 - mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Xuất khẩu 2 tháng qua cơ bản tăng trưởng tốt với 25%, nhập siêu giảm mạnh...
Điều tra về kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2012 cho thấy, 1% đơn vị có khả năng đóng cửa, 15% công ty giảm quy mô kinh doanh, 32% doanh nghiệp dự định mở rộng quy mô và 52% công ty duy trì bình thường.
>> Hà Nội, TP HCM tăng hạng về năng lực cạnh tranh |
Xuân Ngọc