Những ngày gần đây, một số báo loan tin Bộ GD-ĐT sẽ đưa tiếng Hoa vào giảng dạy trong nhà trường từ tiểu học đến THCS, gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, đại diện của Bộ cho biết đây chỉ là chương trình tự chọn dành cho các khu vực có đông người Hoa sinh sống. Được biết, lý do đưa ra chương trình này là do các hoạt động dạy tiếng Hoa (như một môn học tự chọn) tại các trường hiện có nhiều bất cập về giáo trình, chương trình, dễ phát sinh hậu quả ngoài mong muốn. Vì thế, Bộ muốn có một chương trình quy củ, phù hợp với chủ trương giáo dục của nước ta.
Học sinh lớp 2 học tiếng Hoa tại Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Huyền, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ GD-ĐT, cho biết:
Chương trình môn tiếng Hoa được xây dựng trên cơ sở pháp lý là Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 15.7.2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
|
Đối với các học sinh dân tộc như người Hoa, người Lào, người Thái, Campuchia, người Khmer... theo nguyện vọng của cộng đồng thì Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình, tài liệu cho họ trên cơ sở tài liệu chữ viết do họ tự chọn. Ví dụ, tiếng Thái có 5 thứ tiếng thì người ta phải chọn tiếng gì để đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường chứ Bộ GD-ĐT không tự chọn và áp đặt.
Tự chọn chứ không bắt buộc
Vậy môn tiếng Hoa sẽ được đưa vào giảng dạy cụ thể ở đâu, cho đối tượng nào, thưa bà?
Xin nhấn mạnh đối tượng của chương trình dạy tiếng Hoa là dành cho chính học sinh người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam. Đây là môn học tự chọn chứ không phải bắt buộc.
Như vậy, những nơi có nhiều cộng đồng người Hoa sinh sống thì trường học tiểu học và THCS đóng trên địa bàn đó sẽ đưa chương trình tiếng Hoa mà Bộ GD-ĐT ban hành vào để giảng dạy cho học sinh người Hoa. Với điều kiện là các trường giảng dạy phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; tài liệu môn học này được cấp phát, trường nào dạy các thứ tiếng dân tộc thì được bố trí giáo viên trong biên chế. Chương trình này không đưa vào giảng dạy ở tất cả các trường như có ý kiến băn khoăn.
Ngoài tiếng Việt là môn học chính, bắt buộc trong nhà trường thì học sinh người Hoa sẽ được học tiếng mẹ đẻ của mình như một môn học tự chọn chứ hoàn toàn không bắt buộc.
Tuy nhiên, hiện nay học sinh người Hoa đều học chung với học sinh người Việt trong các trường. Vậy làm thế nào để tổ chức dạy môn tiếng Hoa cho học sinh người Hoa?
Cũng giống như bất cứ môn học tự chọn khác đang giảng dạy trong các trường phổ thông, đối với môn tiếng Hoa, nếu học sinh người Hoa đủ một lớp học thì cứ đến giờ tự chọn môn tiếng Hoa, học sinh sẽ được học theo đơn vị lớp đó. Nếu không, nhà trường có trách nhiệm tập hợp tất cả học sinh người Hoa có nhu cầu vào một lớp và giảng dạy trong giờ tự chọn theo trình độ, theo quy định về sĩ số.
Nhưng việc dạy học tự chọn ấy liệu có ảnh hưởng tới thời gian học chính khóa của học sinh không, thưa bà?
Tất nhiên, để dạy được môn học tự chọn thì trường đó phải đảm bảo được yêu cầu là có tổ chức dạy 2 buổi/ngày hoặc nếu không thì phải tổ chức dạy vào ngày nghỉ cuối tuần.
Đưa vào quy củ
Xin bà cho biết, hiện nay môn tiếng Hoa đã từng được giảng dạy tại các trường có nhiều học sinh người Hoa chưa hay sau khi chương trình này được ban hành mới đưa vào giảng dạy?
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam có đông người Hoa sinh sống nhất thì có 34 trường đã đưa tiếng Hoa vào giảng dạy như một môn học tự chọn cho học sinh người Hoa. Chương trình này được các Sở GD-ĐT thí điểm chứ không phải là chương trình chính thức của Bộ.
Vậy mục đích của Bộ GD-ĐT khi ban hành chương trình này là gì?
Nghị định của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên mới có hiệu lực từ năm 2010 nên trước đó mỗi địa phương có một tài liệu dạy môn tiếng Hoa khác nhau.
Dự thảo chương trình mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, sau 60 ngày xin ý kiến góp ý, nếu được phê duyệt thì đây sẽ là chương trình môn học tiếng Hoa đầu tiên chính thức được Bộ GD-ĐT ban hành và tất cả các trường sẽ phải áp dụng chương trình đó vào giảng dạy một cách quy củ, tránh những bất cập, lộn xộn không mong muốn xảy ra trong môn học này như trước đây.
Học sinh người Việt muốn học tiếng Hoa ở các trường đó như môn học tự chọn có được không?
Theo Nghị định của Chính phủ thì chương trình này là nhằm dạy tiếng mẹ đẻ cho chính người dân tộc thiểu số. Còn người Kinh thì học các thứ tiếng khi đến công tác tại các vùng dân tộc có thứ tiếng đó. Tránh nhầm lẫn giữa việc môn tiếng Hoa được đưa vào giảng dạy trong các trường như một môn ngoại ngữ, dành cho tất cả học sinh có nhu cầu.
Kết quả môn tiếng Hoa có dùng để đánh giá, xếp loại của học sinh không?
Sau khi hoàn thành chương trình ở mỗi cấp học, nếu đạt yêu cầu thì người học sẽ được cấp chứng chỉ để khuyến khích chứ không nhằm xếp loại, đánh giá học sinh như một môn học chính khóa.
Tuệ Nguyễn (thực hiện)