(TNO) Giảm quá tải bền vững trong toàn hệ thống khám chữa bệnh ở cả 3 tuyến (trung ương, tỉnh, huyện), đồng thời duy trì công suất sử dụng giường bệnh của các tuyến bệnh viện không vượt quá 100% là khẳng định của Bộ Y tế trong Đề án giảm quá tải bệnh viện trên cả nước.
Chiều nay (14.2), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM và giám đốc các bệnh viện về giảm pháp xây dựng bệnh viện nhằm chống giảm tải và tiến độ thực hiện.
Nguồn nhân lực + trang thiết bị + thương hiệu = giảm tải, là công thức giảm tải bệnh viện được ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đưa ra.
Theo đó, đến năm 2015, TP.HCM sẽ có 42 giường bệnh/1 vạn dân; giảm 50% tình trạng quá tải so với tình hình hiện nay, là chỉ tiêu của Sở Y tế TP.HCM.
Nhằm giảm tải bệnh viện, TP.HCM chủ trương và đã có dự án đầu tư xây dựng các bệnh viện trọng điểm ở 4 cửa ngõ của TP.
Bao gồm: cửa ngõ phía Bắc là Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi - Hóc Môn; cửa ngõ phía Nam: Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm xét nghiệm Y khoa TP; cửa ngõ phía Đông: bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, bệnh viện Ung bướu; cửa ngõ phía Tây: bệnh viện Nhi đồng.
Quá tải trầm trọng tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) với ba bệnh nhân nằm một giường - Ảnh: Nguyên Mi
|
Tổng nguồn vốn đầu tư cho 7 dự án trên là 13.000 tỉ đồng, trong đó dự kiến vốn ngân sách là 8.000 tỉ đồng, vốn xã hội hóa 5.000 tỉ đồng.
Số vốn được bố trí cho các dự án trong năm 2012 là 93 tỉ đồng.
Các dự án trên hoàn thành sẽ giúp TP.HCM tăng thêm 5.500 giường bệnh và một trung tâm xét nghiệm.
Mặt khác, đối với các bệnh viện khu vực trung tâm, TP.HCM chủ trương không tăng quy mô giường bệnh mà đầu tư mở rộng cơ sở vật chất. Đến năm 2015, nếu đủ vốn để thực hiện thì các bệnh viện khu vực trung tâm sẽ đạt thêm 200 ngàn m2 sàn sử dụng.
Phó giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết, đề án giảm tải của Bộ Y tế chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, từ năm 2012 - 2015, tập trung hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện có mức độ quá tải trầm trọng tại Hà Nội và TP.HCM. Các bệnh viện đang chịu "gánh nặng" này gồm: bệnh viện K, Bạch Mai, Nhi Trung ương (Hà Nội), Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Phụ sản Từ Dũ, Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM).
Sau đó, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng triển khai các biện pháp giảm tải tại các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh khác có quá tải.
Bệnh nhi phải nằm ra cả dưới chân cầu thang tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi
|
Như vậy, theo đề án giảm tải của Bộ Y tế, đến năm 2015, sẽ giải quyết được tình trạng quá tải tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế TP.HCM.
Đồng thời, tăng tỷ lệ giường bệnh (công lập) đạt mức 25 - 27 giường/1 vạn dân vào năm 2015.
Đến năm 2020, giảm quá tải bền vững trong toàn hệ thống khám chữa bệnh ở cả 3 tuyến (trung ương, tỉnh, huyện). Duy trì công suất sử dụng giường bệnh của các tuyến bệnh viện này không vượt quá 100%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Đề án giảm quá tải bệnh viện sẽ được trình Thủ tướng sớm nhất (có thể trong tháng 3 này) khi Bộ Y tế đã hoàn thành các phương án và có sự đồng thuận của các bệnh viện, địa phương.
Bệnh viện quá tải trầm trọng Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, hầu hết công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện tuyến trung ương đều vượt trên 100%. Tình trạng quá tải cao nhất tập trung vào các chuyên khoa như tia xạ, ngoại, nội tiết, tim mạch, sơ sinh. Bác sĩ Khuê lý giải các nguyên nhân quá tải bệnh viện do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, mô hình bệnh tật thay đổi, đầu tư cho y tế thấp, năng lực y tế cơ sở hạn chế. Trong đó, chi kinh phí cho y tế ở Việt Nam mới đạt 53,3 USD/người, thấp hơn so với Thái Lan (136,5 USD/người) và Malaysia (307,2 USD/người). Hiện nay, tỷ lệ giường bệnh trung bình của Việt Nam là 20,5 giường/1 vạn dân. So với trung bình của các nước trong khu vực tây Thái Bình Dương là 33 giường/1 vạn dân; Nhật là 140 giường/1 vạn dân; Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân. |
Nguyên Mi