THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 February 2012

Kiến nghị tập thể cho Đoàn Văn Vươn


2012-02-15

Dư luận hiện chưa đồng tình với tội danh "giết người" và chống người thi hành công vụ đang được áp dụng đối với các bị can trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ngày 14 tháng 2 vừa qua xuất hiện một thư kiến nghị tập thể yêu cầu thay đổi tội danh này.

Photo courtesy of tuoitrenews

Ông Đoàn Văn Vươn trong buổi làm việc với công an tại trại tạm giam

Chỉ là tự vệ 

Bản kiến nghị xuất hiện trên blog Nguyễn Xuân Diện, dựa theo điều 53 HP 1992, quy định "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước" để khẳng định tính hợp pháp của việc kiến nghị tập thể này và được gởi cho Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hải Phòng - VKSNDTPHP.

Nội dung bản kiến nghị trình bày 7 cơ sở liên quan đến chi tiết vụ án. Trong đó, nêu ra việc thu hồi đất, cưỡng chế đất được Thủ tướng khẳng định là trái pháp luật; nguyên nhân nổ súng là do tự vệ khi bị xâm nhập gia cư bất hợp pháp vì khu vực nổ súng nằm ngoài vùng bị cưỡng chế; những chiến sĩ tham gia cưỡng chế chỉ bị thương nhẹ và hiện đã trở lại công tác. 

Bản kiến nghị còn nêu ra một chi tiết ít được nhắc đến, đó là ông Đoàn Văn Vươn không có mặt tại hiện trường xảy ra vụ án vì lúc đó ông đang có mặt tại Ủy ban nhân dân xã Vinh Quang để khiếu nại việc cưỡng chế. 

Bản kiến nghị xuất hiện hôm 14 tháng 2, với khoảng 200 chữ ký đầu tiên của các giáo sư, tiến sĩ, các vị trí thức, giới nhà báo, blogger, cả những giới chức chính quyền ở Hà Nội, Hải Phòng hoặc ở những khu vực khác trên cả nước cũng như người Việt trên thế giới. Chữ ký đầu tiên là của bà Lê Hiền Đức, 81 tuổi, một trong những nhân vật chống tham nhũng kỳ cựu tại Việt Nam. Bà cho biết lý do bà quan tâm đến vụ án này:

Tôi khẳng định Vươn không phải chống người thi hành công vụ nhưng mà là tự vệ. Do đó tôi ký vào kiến nghị ấy đề nghị xem xét lại đối với gia đình Đoàn Văn Vươn.

Bà Lê Hiền Đức

"Gia đình Đoàn Văn Vươn ra Hà Nội và đến thăm hỏi tôi. Qua câu chuyện, tôi hiểu rõ ngọn ngành, lại trực tiếp gặp được vợ Vươn, vợ Quý và ba đứa cháu. Tôi chưa biết mặt "ông Vươn" nào cả nhưng chỉ nhìn thấy ba đứa trẻ con ngơ ngác, hai người phụ nữ rét mướt, nhà cửa không còn thì tôi xót thương ghê lắm. Và tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và lên tiếng".

Căn cứ theo luật đất đai, luật giải quyết khiếu nại, việc cưỡng chế vừa qua đối với đầm nhà ông Vươn là trái pháp luật. Đây cũng là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và là phân tích của nhiều luật sư, viên chức cấp cao nhà nước và đảng CSVN như LS Trần Đình Triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ, đại tướng Lê Đức Anh…

Bà Lê Hiền Đức cũng cho biết, theo quan điểm của bà, áp dụng tội chống người thi hành công vụ theo điều 257 BLHS VN đối với các bị can là không hợp lý khi những người bị thương không phải đang thi hành công vụ vì vụ cưỡng chế đã được xác định là trái pháp luật:

"Vậy thì bây giờ kẻ trộm vào nhà tôi thì tôi có quyền "đánh, chém" để bảo vệ tài sản. Tôi nói rằng Vươn không phải chống người thi hành công vụ là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân và đất nước. Tôi khẳng định Vươn không phải chống người thi hành công vụ nhưng mà là tự vệ. Do đó tôi ký vào kiến nghị ấy đề nghị xem xét lại đối với gia đình Đoàn Văn Vươn".

Việc làm ý nghĩa

Một trong những điểm hiện vẫn còn gây tranh cãi là việc TT Nguyễn Tấn Dũng gián tiếp khẳng định việc áp dụng tội danh giết người và chống người thi hành công vụ đối với sáu bị can nhà ông Đoàn Văn Vươn. Cụ thể, người đứng đầu chính phủ yêu cầu "khẩn trương đưa vụ án "giết người và chống người thi hành công vụ" ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng".

Người thi hành công vụ được pháp luật Việt Nam định nghĩa là "cán bộ, công chức, nhân viên của các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức đang thi hành nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức đó giao cho hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung". Dựa vào điểm này, nhiều người cho rằng việc cưỡng chế đầm trái pháp luật không thể được xem là công vụ.

Bản kiến nghị đưa ra hai đề nghị đối với Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hải Phòng. Thứ nhất là "Xem xét lại các tội danh giết người và chống người thi hành công vụ áp dụng cho các bị can" và thứ hai là "thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 4 bị can bị tạm giam". 

Theo bản kiến nghị, những vũ khí mà ông Đoàn Văn Quý sử dụng là vũ khí thô sơ, và được dùng để chống người xâm nhập trái phép nên không thể bị xem là hành vi giết người. Theo như truyền thông trong nước đưa tin, vật chứng thu được tại hiện trường có hai con dao chẻ củi và hai bình gas dân dụng – những thứ được cho biết không có tính sát thương cao.

Cũng theo bản kiến nghị, ông Đoàn Văn Sịnh, anh Đoàn Văn Vệ vì không tham gia vụ nổ súng nên phải được trả tự do. Còn hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý vì không phải là những người gây nguy hiểm cho xã hội và là lao động chính trong gia đình nên tại ngoại hầu tra. Bà Lê Hiền Đức nói thêm:

"Trong cuộc họp của Thủ tướng vừa qua đã kết luận việc cưỡng chế là sai pháp luật và phải trả lại đất cho gia đình ông Vươn. Thế bây giờ giao lại bao nhiêu ha đầm cho hai người phụ nữ chân yếu tay mềm và mấy đứa trẻ con làm à? Hay lại phải thuê người?" 

Ông Nguyễn Xuân Ngữ, 69 tuổi, người đã thành lập trang blog Đoàn Văn Vươn để truyền tải thông tin về các vụ cưỡng chế đất trái pháp luật cho biết là một nạn nhân mất đất, ông cũng quan tâm đến bản kiến nghị này:

"Tôi đang là người bị oan thì tôi phải quan tâm để học tập anh Vươn chứ. Đề nghị đó là phù hợp thôi chứ gì đâu bởi vì "con giun xéo lắm cũng oằn".

Ông Ngữ cho biết thêm ông chưa đọc kỹ bản kiến nghị và chưa gởi chữ ký của mình nhưng ông sẽ ký nếu thấy đó là một việc làm đúng:

"Nếu tôi thấy phù hợp thì tôi ký bởi làm những gì nhân đạo thì tôi cũng muốn làm. Trước đây khi vào Nam chiến đấu, tôi biết là đi vào Nam là sống ít, chết nhiều mà tôi còn dám làm, huống hồ gì việc ký tên cho chính nghĩa".

Bản kiến nghị cũng khẳng định "Mỗi hành vi, quyết định liên quan đến vụ án này sẽ được lịch sử đánh giá" và đề nghị VKSNDTPHP "cân nhắc những ý kiến nêu trong nội dung Kiến nghị, đưa ra quyết định đúng đắn, sáng suốt, hợp lòng dân". Bà Lê Hiền Đức khẳng định:

Nếu tôi thấy phù hợp thì tôi ký bởi làm những gì nhân đạo thì tôi cũng muốn làm. Trước đây khi vào Nam chiến đấu, tôi biết là đi vào Nam là sống ít, chết nhiều mà tôi còn dám làm, huống hồ gì việc ký tên cho chính nghĩa.

Ông Nguyễn Xuân Ngữ

"Chừng nào chưa làm được những việc đó thì tôi coi như chính quyền TW cũng giống như Hải Phòng và Tiên Lãng phóng to thôi. Đừng dễ tin như thế. Nói là một chuyện nhưng phải làm nữa. Thời buổi này tôi chỉ tin vào việc làm thực tế có bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân không. Trước mắt là phải thả những người oan ức đó ra".

Hiện tại, ngoài nhận thu thập chữ ký qua email hoặc tại một số blog có uy tín như Bauxite Việt Nam, Ba Sàm, Quê choa, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Vinh, văn phòng luật sư Trần Vũ Hải tại Hà Nội cũng tiếp nhận chữ ký trực tiếp theo mẫu đơn có sẵn. 
Khi biết tin bản kiến nghị được nhiều người quan tâm, bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Vươn thể hiện sự vui mừng. Từ Tiên Lãng, bà cho biết:

"Gia đình tôi rất cám ơn và rất vinh dự được đồng bào cả nước quan tâm. Cho tôi gởi lời cảm ơn mọi người".

Bà Thương cũng xác nhận tin luật sư Nguyễn Việt Hùng, người đại diện cho gia đình bà, đã gặp ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 14 tháng 2. Bà Thương khẳng định LS Hùng cho biết sức khỏe ông Vươn "bình thường".

Theo như chia sẻ của LS Nguyễn Việt Hùng trên truyền thông trong nước, qua cuộc trao đổi với LS, ông Vươn đã biết được kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế.

Theo dòng thời sự: