Con gái thủ tướng lãnh đạo bốn công ty
BBC.UK-Cập nhật: 13:30 GMT - thứ hai, 20 tháng 2, 2012
Bà Phượng là con gái duy nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái duy nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) theo thông tin vừa được ngân hàng này công bố hôm 19/2.
Trên trang web chính thức của ngân hàng, ở mục ‘Cơ cấu tổ chức’, tên bà Phượng được đặt ở vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng.
Như vậy là chỉ sau hơn ba tháng kể từ khi bà Phượng bước chân vào Hội đồng quản trị của ngân hàng Bản Việt, bà đã trở thành lãnh đạo cao nhất của ngân hàng hiện có số vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng này.
Người tiền nhiệm ở vị trí chủ tịch, ông Đỗ Duy Hưng, hiện giữ vị trí tổng giám đốc ngân hàng.
Như vậy với cương vị mới này, người phụ nữ vừa qua tuổi 30 tuổi đã nắm giữ vị trí cao nhất ở cả bốn công ty trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và đầu tư tài chính – tất cả đều mang thương hiệu Bản Việt (Viet Capital).
Quá trình thăng tiến của bà Nguyễn Thanh Phượng ở Ngân hàng Bản Việt diễn ra hết sức thuận lợi và chóng vánh.
Tiền thân của Ngân hàng Bản Việt là Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định, hay còn được gọi là Gia Định Bank.
Vào tháng Bảy năm ngoái, Ngân hàng Gia Định đã tiến hành bán 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/ cổ phiếu để tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ, từ 2.000 thành 3.000 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Bản Việt của bà Phượng lúc đó nắm vai trò tư vấn cho đợt phát hành cổ phiếu này.
Sau đó, đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng Gia Định được triệu tập vào ngày 3/11 năm 2011 đã thông qua ba quyết định quan trọng: tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ; đổi tên ngân hàng thành Bản Việt và bầu bổ sung bà Nguyễn Thanh Phượng vào Hội đồng quản trị.
Đến ngày 9/1 năm nay, Ngân hàng Gia Định đã chính thức thay đổi thương hiệu thành Ngân hàng Bản Việt.
Còn tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management) mà bà Phượng hiện cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị, tháng 11 năm ngoái, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng thông báo chấp thuận giao dịch cổ đông lớn dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu tại công ty này.
Theo đó, ông Trần Bảo Toàn đã chuyển nhượng số cổ phần của ông chiếm hơn 16% vốn điều lệ của công ty cho bà Nguyễn Thanh Phượng để bà Phượng nắm đến hơn 43% cổ phần của công ty này.
Sau khi chuyển nhượng, ông Toàn đã không còn nắm cổ phần nào còn bà Phượng nắm gần 6,5 triệu cổ phần của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt hiện có vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Bản Việt của bà Phượng cũng đã leo từ vị trí thứ tám trong nửa đầu năm 2011 lên vị trí thứ tư nửa cuối năm trong số 10 công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới giao dịch trên thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu do Sở giao dịch chứng khoán thành phố công bố hồi đầu năm nay.
Tuổi trẻ tài cao?
Ở độ tuổi ngoài 30, bà Phượng đã đứng ngang hàng cùng các doanh nhân hàng đầu Việt Nam.
Bà Phượng sinh năm 1980 tại tỉnh Kiên Giang, nơi Thủ tướng Dũng đã từng là Bí thư Tỉnh ủy. Bà theo học ngành Tài chính – Ngân hàng tại Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội.
Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, bà Phượng đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Trong suốt thời học trung học, bà Phượng liên tục làm chi đội trưởng đội thiếu niên tiền phong và bí thư đoàn thanh niên cộng sản, các tổ chức chính trị cho thanh thiếu niên Việt Nam.
Bà được cho là đã có bằng thạc sỹ quản trị tài chính tại Đại học Geneva, Thụy Sỹ.
Bên cạnh chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị tại bốn công ty kể trên, bà Phương hiện cũng đang theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh của Học viện công nghệ châu Á AIT.
Năm 2008, lúc 28 tuổi, bà Phượng đại diện cho nữ doanh nhân trẻ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tại Hà Nội.
Tin bà Phượng trở thành chủ tịch Ngân hàng Bảo Việt đã được báo mạng Dân trí đưa và được báo Người lao động dẫn lại.
Báo Dân trí đưa tên bà Phượng lên tiêu đề theo hướng bà là một nhân vật nổi tiếng ai cũng biết: ‘Bà Nguyễn Thanh Phượng giữ chức chủ tịch Viet Capital Bank’.
Tuy nhiên, trong bản tin này, Dân trí không hề nhắc đến việc bà Phượng là con gái của Thủ tướng Dũng.
Việc báo chí đưa tin về chức vụ của bà Phượng là trường hợp hiếm hoi trên báo chí chính thống của Việt Nam vốn it́ khi đưa tin bổ nhiệm hay nhậm chức ở các các tập đoàn, các công ty.
Ngoài bà Phượng không tham gia bộ máy nhà nước, hai người anh em của bà đều có vị trí trong chính quyền hiện nay.
Anh trai bà, ông Nguyễn Thanh Nghị, 36 tuổi, có bằng tiến sỹ ở Mỹ. Ông Nghị được bầu làm ủy viên trung ương Đảng dự khuyết và được cha bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Xây dựng vào cuối năm ngoái.
Em út của bà, ông Nguyễn Minh Triết, theo học kỹ thuật hàng không ở Đại học Queen Mary ở Anh.
Sau khi về nước, ông Triết đang làm việc tại Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Phu quân của bà Phượng cũng là một nhân vật tiếng tăm trong giới tài chính Việt Nam: ông Nguyễn Bảo Hoàng, tổng giám đốc IDG Ventures Việt Nam – một quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin – kể từ năm 2003.
Hai vợ chồng ông bà kết hôn vào năm 2008
Ông Bảo Hoàng, hay còn được gọi là Henry Nguyễn, là con trai của một gia đình quan chức của Việt Nam Cộng hòa chạy sang Mỹ vào năm 1975. Ông lớn lên ở Mỹ và có bằng văn chương của Đại học Harvard.
Từng có quốc tịch Mỹ nhưng hiện nay ông Hoàng mang quốc tịch Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn trên báo Người Lao động, bà Phượng nói bà không phủ nhận những lợi thế xuất thân của mình nhưng cũng cho biết điều đó đã gây rất nhiều áp lực cho bà và thành công của bà là do bà tự đứng trên đôi chân của mình.