Trong
một bài tường thuật nổ như pháo chuột, báo Người Lao Động ngày
14/2/2012 đã đưa tin về thành tích “Triệt phá tổ chức phản động ở Phú
Yên”. Theo đó Công an tỉnh Phú Yên tổ chức họp báo công bố kết quả
“Chuyên án C 611” để khen thưởng các đơn vị đã tham gia triệt phá một tổ chức phản động âm mưu lật đổ chính quyền tại tỉnh này.
Có tới 200 công an được huy động từ ngày 4
đến 13/2/2012 để tấn công vào Khu du lịch sinh thái Đá Bia thuộc huyện
Đông Hoà, Phú Yên bắt giữ 9 đối tượng của tổ chức “Hội đồng công luật
công án Bia Sơn”. Sau đó bắt thêm 4 người khác, tịch thu 19 kíp nổ cùng
9,7 ký thuốc nổ mà công an nói là để làm bom tự chế. Ngoài ra còn thu 10
máy bộ đàm, 1 ống dòm, hàng trăm tập tài liệu và một số tiền mặt.
Cuộc họp báo của công an Phú Yên được tổ
chức trịnh trọng dưới sự chủ tọa của viên thiếu tướng giám đốc công an
tỉnh, và khung cảnh được trang hoàng bằng nhiều chậu hoa tươi như trong
một tiệc cưới. Tuy nhiên, dù trịnh trọng nhưng buổi họp báo cũng không
che dấu được sự giàn dựng khá vụng về. Cứ theo mô tả của công an, người
thấy tổ chức có danh xưng “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” nhiều
phần chỉ là một giáo phái tu hành không được công an ưa thích, hay một
tổ chức dân sự không được chính quyền công nhận. Đặc biệt, những tang
chứng được công an đưa ra như 19 kíp nổ mà không thấy chất nổ, đã tạo
thêm nhiều câu hỏi hơn là giải đáp. Hay chất nổ chỉ là thứ hiện diện
trên giấy để các báo nhà nước xúm vào tha hồ thêu dệt?
Con số được đưa ra là 9,7 kg chất nổ – mà
không phải là 9 kg hay 10 kg – cho ra vẻ chính xác của cơ quan điều
tra. Khối chất nổ quan trọng đó – yếu tố kết tội nặng nề – cũng không
thấy được đưa ra trong buổi họp, và chỉ được ai đó âm thầm cho thêm vào
trong một bài báo, sau khi có nhiều dư luận nêu lên sự nghịch lý của
cuộc họp báo vụng về. Nếu kết tội người bị bắt là bạo động chống chính
quyền, thì số 19 kíp nổ dùng để làm gì khi không có chất nổ, và kíp nổ
đó gỡ ra từ đâu cũng không có câu trả lời? Một người dân đã kết luận một
cách chua chát rằng, chuyện này cũng giống như nhà quá nghèo không mua
nổi ô tô, nhưng giữ trong nhà chiếc tay lái để nhìn cho đỡ thèm.
Các máy bộ đàm và ống dòm có phải là vũ
khí bạo động hay không, khi những người bị bắt đều làm việc trong một
khu vực dịch vụ du lịch rộng hàng chục mẫu tại huyện Đông Hòa, Phú Yên?
Nhân viên khu du lịch sử dụng máy bộ đàm là chuyện thông thường và không
trái pháp luật. Phải chăng qua chuyện này lực lượng an ninh muốn nói
với dân chúng rằng, họ có thể bắt bất cứ ai với lý do trong nhà có tàng
trữ dao búa…. để nhằm lật đổ chính quyền, dù đó là dao làm cá hay búa bổ
củi.
Thêm nữa, hàng trăm tập tài liệu của tổ
chức bị tịch thu nói gì, viết gì cũng không được mô tả, hay chỉ được nói
đến một cách mơ hồ. Phải chăng đó chỉ là những kinh sách thuyết giảng
tín đồ được công an gán cho danh từ dao to búa lớn “cương lĩnh chính
trị”, “tài liệu tuyên truyền lật đổ” để kết tội nặng nề các nạn nhân?
Để chiến công của công an Phú Yên càng
thêm to, các báo nhà nước còn cho thêm nhiều “gia vị”, bằng chi tiết rất
ghê gớm, như tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” đã bí mật
phát triển ở nhiều tỉnh thành với trên 300 đối tượng tham gia, trong đó
có một số Việt kiều ở nước ngoài! Phải chăng đây là dấu hiệu của một
cuộc bắt bớ tràn lan sắp tới chăng?
Chiến thuật bôi đen, dựng đứng tuy là cũ
kỹ và bị dư luận phỉ nhổ, nhưng một lần nữa lại được công an Phú Yên
không ngần ngại lôi ra thực hiện để biến một tổ chức mang tính cách hòa
bình thành một tổ chức khủng bố phá hoại an ninh quốc gia; như nhiều vụ
khác mà họ đã từng làm trước đây. Dư luận vẫn chưa quên vụ công an Hà
Nội đẻ ra tấm hình một người đàn ông bị thương tích đã có trước đó mấy
năm, để vu cáo nhà văn Trần Khải Thanh Thủy tội hành hung; vụ công an
coi thường khả năng phán đoán của mọi người (kể cả các cơ quan quốc tế)
khi đặt khẩu súng cầm tay và vài viên đạn trong hành lý một cặp vợ chồng
Việt Kiều (đã được máy móc hiện đại nhất ở Los Angeles và Hồng Kông
kiểm soát) chỉ nhằm mục đích vu cáo Việt Tân là tổ chức khủng bố; gần
đây hơn là “tang chứng hai bao cao su đã qua xử dụng” trong vụ tiến sĩ
luật Cù Huy Hà Vũ. Hẳn nhiên là dư luận và nhất là các nhà báo chuyên
nghiệp đã ngay tức khắc thấy rõ và vạch trần trò đê tiện của công an qua
những thứ được gọi là “bằng chứng” vừa kể. Nhưng khi công an đã đưa ra
cáo buộc, dù phi lý và ngu ngốc đến đâu đi nữa, thì từ ông tổng biên tập
đến “cậu đánh máy” trong toà soạn các báo lề phải đều phải riu ríu đăng
theo. Ở một mặt khác, những ngụy tạo tang chứng của công an cũng cho
người ta thấy, quyền lực của lực lượng công an hiện nay là vô giới hạn,
muốn bắt ai thì bắt, muốn kết tội ai thì kết tội, không cần tuân thủ bất
cứ một thứ pháp luật nào. Từ đó số phận của các nạn nhân bị bôi đen,
giá trị mạng người của các nạn nhân không bằng cọng cỏ. Dù họ có kêu
oan, cũng chẳng tòa án nào nghe.
Trở lại vụ “Hội đồng công luật công án
Bia Sơn”, thành tích của công an “triệt phá được một ổ phản động” lớn,
tất nhiên các “chiến sĩ công an anh hùng” phải được tưởng thưởng tận
tình cho xứng đáng với công lao họ đem gần một chục ký thuốc nổ tặng…
không khống cho nhân dân, biến một khu du lịch sinh thái thành ổ phản
động, và vu vạ một giáo phái tu hành thành tổ chức chống chính phủ.
Có người còn tự hỏi, trong vụ cưỡng đoạt
đất đai vừa qua ở Tiên Lãng, nếu không có làng dân báo và ngay cả một số
người cầm bút có lương tâm trong làng báo lề phải vạch trần sự thật,
chắc hẳn giờ này công an Hải Phòng và Tiên Lãng cũng đã được khen thưởng
linh đình qua thành tích “trái pháp luật” của họ. Và ông đại tá giám
đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca – người tận tình bao che cho các cán bộ
em út huyện Tiên Lãng – phải được thăng cấp tướng cho bằng với tướng
Phạm Văn Hóa ở Phú Yên.