- Đến sáng hôm nay (29/1), ngày cuối cùng của kì nghỉ Tết, tình trạng quá tải, ùn ứ đã tái diễn tại các bến xe. Hành khách lại kêu ca phải đứng quỳ, bò... trên các chuyến xe khách.
Bến xe đông nghẹt
9h sáng tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), trong khi khu vực đón khách xe đỗ la liệt vắng tanh, thì khu trả khách đông nghẹt xe nối đuôi nhau đợi vào bến. Mỗi chuyến xe vào là khách lại ùn ùn đổ xuống khệ nệ tay xách nách mang.
Bến xe Nước Ngầm thì ngay lúc 4h sáng đã đông nghẹt khi hàng chục chuyến xe từ Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung kéo về trả khách và xuất bến luôn để kịp giờ đón lượt khách kế tiếp.
Xe giường nằm nhồi nhét khách |
Chủ nhà xe Huy Hoàng tuyến Hương Sơn (Hà Tĩnh) - Hà Nội cho biết: "Đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội mất tới 8 giờ đồng hồ. Để phục vụ lượng khách đông gấp 5 lần ngày thường chúng tôi phải xin tăng chuyến chạy đêm chiều Hương Sơn – Hà Nội từ 2 lên 3 chuyến trong các đêm mùng 5, 6 và 7 Tết".
Bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm… cũng rơi vào tình trạng đông nghẹt, ùn ứ.
Trong hai ngày mùng 6- 7 Tết, đội ngũ xe ôm, taxi ở bến xe đi không hết khách, làm không hết việc. Tại khu vực xe buýt, hành khách đứng xếp hàng dài đợi xe, mỗi xe xuất bến đều chật kín khách.
Xe chật, vé tăng
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các xe khi vào bến đều chật kín người, mọi khoảng trống trên xe đều được tận dụng để nhồi khách và để đồ.
Với những chuyến xe giường, ghế nằm chạy đường dài từ các tỉnh miền Trung ra thì hành khách được xếp nằm, ngồi thêm la liệt dưới gần giường, sàn xe...
Xếp hàng lấy đồ sau khi xuống xe |
Tùng - sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân quê Hà Tĩnh than thở: "Năm nay em đã cẩn thận gọi đặt vé trước nhưng không được. Lên xe thì đã đông kín khách, em muốn nằm nhưng các anh nhà xe bảo đông khách thế này thì chỉ có nằm sàn. Em đồng ý len vào sàn xe, cứ tưởng có 1 mình mình nằm sàn, hóa ra đã có mấy anh ngóc đầu dậy hỏi chuyện…".
Anh Sỹ (quê Nho Quan – Ninh Bình) vừa bước khỏi cửa xe thở phào nhẹ nhõm: "…Thế là thoát khỏi khổ ải, hơn 3 tiếng "vừa đứng, vừa quỳ vừa bò" (đứng một chân dưới sàn xe, quỳ một đầu gối còn lại lên ghế và bò ôm lấy vai ghế để khỏi ngã) trên xe đến khổ".
Anh Sỹ gạt mồ hôi nói tiếp: "Xe đi từ Nho Quan – Ninh Bình ra Hà Nội khoảng 120km, xe 24 chỗ mà các bác nhà xe khéo xếp thế nào được gần 50 khách cả người lớn và trẻ con. Giá vé thì tăng gần gấp rưỡi. Ngày thường 70.000đ/vé thế mà hôm nay ngồi, đứng, quỳ… chỉ cần có mặt trên xe là phải trả 100.000đ".
Chen chúc lên xe buýt |
Ngoài những hành khách dồn về Hà Nội bằng ô tô thì lượng người đi bằng xe máy cũng lũ lượt kéo về Hà Nội khiến cho nhiều tuyến đường: Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Giải Phóng… bắt đầu xuất hiện lại tình trạng ùn tắc cục bộ.
Thu Huyền