THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 January 2012

Tràn lan thực phẩm có hóa chất độc hại


Ăn tết lo thịt heo độc 
Nhiều thực phẩm bẩn dịp Tết

TP - Thịt thối ngâm hóa chất công nghiệp tẩy trắng độc hại, hạt dưa, tương ớt, ớt bột ngậm phẩm màu gây ung thư; xúc xích, chả lụa ăn hàn the và nhiễm chì…

Tương ớt không rõ nguồn gốc được bày bán tại nhiều chợ ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài
Tương ớt không rõ nguồn gốc được bày bán tại nhiều chợ ở
Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Sau khi lấy 20 mẫu hạt dưa, tương ớt, bột điều, ớt bột tại các chợ và sạp tạp hóa ở TPHCM đưa đi xét nghiệm, Thanh tra Sở Y tế TPHCM mới đây công bố, 3 mẫu trong số đó có chứa chất Rhodamine B, một loại phẩm màu có nguy cơ gây ung thư.

Loại ớt có chứa chất gây ung thư được phát hiện này là của một cơ sở có tiếng ở TPHCM. Khi lấy mẫu ớt tấm của sản phẩm ớt tấm Thành Lộc của Cty CP SXĐTTM Thành Lộc, ngành chức năng phát hiện loại hũ 50g chứa Rhodamin B. Sau đó, cơ sở này bị đình chỉ sản xuất. Tuy nhiên theo các nhân viên, nhiều năm nay, sản phẩm mà công ty sản xuất (hàng trăm tấn) được tiêu thụ khắp cả nước.

Theo các chuyên gia, Rhodamine B là phẩm màu công nghiệp, rất độc hại, dùng để nhuộm vải, bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì khó phân hủy.

Bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, không chỉ ớt bột, mới đây, trong 5 mẫu giò chả không nhãn hiệu, có đến 4 mẫu chứa hàn the vượt mức quy định. Ngoài ra, một mẫu bún tươi cho kết quả dương tính với formol.

"Hàn the giúp cho giò chả dai giòn và để lâu, trong khi formol là hóa chất giúp bún để ngày này qua ngày nọ vẫn như mới làm ra. Tất cả hóa chất này đều rất độc hại nhưng nhiều người tiêu dùng không biết", bác sĩ Bình cho biết.

Trong 150 mẫu chà bông, lạp xưởng, xúc xích, chả lụa, nem, ô mai, xí muội đang bày bán ở TPHCM được Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM lấy mẫu, có đến 115 mẫu nhiễm chì; 50 mẫu vừa nhiễm nhì vừa ngậm hàn the.

Gần 95% mẫu thịt heo tươi được lấy ở các chợ và sạp bán thịt tại TPHCM và các tỉnh lân cận nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy E.coli và vi khuẩn tụ cầu vàng. Tuy nhiên, theo Chi Cục Thú y TPHCM, hiện chỉ kiểm soát được lượng thịt có nguồn gốc, bày bán trong các siêu thị và chợ truyền thống. Còn thịt bán ở chợ cóc, vỉa hè, sạp… thì bó tay.

Theo bà Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, gần như ngày nào cũng phát hiện thịt heo thối, thịt heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc tuồn vào thành phố tiêu thụ. "Lượng thịt này nếu không được phát hiện, chúng sẽ được ngâm tẩm hóa chất tẩy trắng sunfua dioxit để làm cho thịt tươi rồi đưa ra chợ cóc, quán ăn rất nguy hiểm", bà Tuyết cảnh báo.

Nhan nhản ớt bột, tương ớt không nhãn mác

Dạo qua một số chợ ở Hà Nội như chợ Hôm, Đồng Xuân, Nghĩa Tân, Đồng Xa, ghé vào bất cứ sạp hàng khô nào cũng có thể mua được ớt bột không nhãn mác, nguồn gốc cũng như thành phần. Sản phẩm thường có màu đỏ tươi, đồng đều,

"Để phân biệt được tương ớt hay ớt bột có chứa phẩm màu công nghiệp Rhodamine B hay không, có thể cho sản phẩm vào trong nước, đặt trong bóng tối. Nếu hỗn hợp nước và sản phẩm phát ra ánh sáng thì sản phẩm đó chứa Rhadomine B"- PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

 

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), nơi cách đây ít tuần phát hiện 20 kg ớt bột nghi độn phẩm màu gây ung thư, hơn chục cửa hàng bán đồ khô vẫn bán ớt bột với các mức giá rất khác nhau, từ 70.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg. Tất cả đều được bọc trong túi nilon, không nhãn mác, nguồn gốc.

Theo chị D., chủ một ki ốt trong chợ, nhiều cửa hàng bán với giá 70.000 đồng/kg là do nhập về từ những nguồn trôi nổi. "Sản phẩm 100.000 đồng/kg màu tươi hơn, bột ớt tơi hơn và có vị cay hơn. Loại 70.000 đồng/kg có màu đỏ sẫm hơn, ướt hơn và vị ít cay, Màu khác nhau? "Có thể là do phẩm màu khác nhau", chị D. nói.

Tại chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Phùng Khoang, cũng nhan nhản can tương ớt loại 5 lít, không nhãn mác, không xuất xứ, màu từ đỏ tươi đến đỏ sẫm. Trong khi sản phẩm có nhãn mác có giá 30.000-32.000 đồng/lít, tương ớt vô danh chỉ 10.000-15.000đồng/lít. Chị T (chủ một ki ốt ở chợ Đồng Xa) cho biết, mỗi ngày, ki ốt của chị bán đến chục can, người mua hầu hết là chủ quán phở, cửa hàng ăn. "Bán hàng ăn nhất thiết phải dùng loại tương ớt này. Chứ bán hàng công ty thì lỗ nặng", chị T nói.

Kết quả kiểm tra trên diện rộng của Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm Quốc gia năm 2011 cho thấy, có tới 80%, thậm chí 100% mẫu hạt dưa, ớt bột dương tính với Rhodamine B, tùy theo từng tỉnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học , công nghệ thực phẩm - ĐH Bách Khoa Hà Nội thực trạng trên tồn tại nhiều năm nay. "Phải chăng các cơ quan chức năng chưa vào cuộc kịp thời hay chưa vào cuộc đúng cách", ông Thịnh nói.

Tiêu hủy 10 tấn ớt bột

Hôm qua GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, cho biết vừa yêu cầu tiêu hủy 10 tấn ớt bột không đảm bảo chất lượng, trong đó có 300 kg ớt bột chứa Rhodamine B. Hơn chín tấn ớt bột còn lại chưa xác định có nhiễm Rhodamine B hay không nhưng vẫn phải tiêu hủy. Việc tiêu hủy sẽ do chủ cơ sở kinh doanh thực hiện dưới sự giám sát của y tế tỉnh Hải Dương. Cơ sở kinh doanh bị đình chỉ hoạt động.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc truy tìm ra cơ sở ở Hải Dương là xuất phát từ vụ bắt và tiêu hủy 56 kg ớt bột ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), cuối tháng 12-2011. Chủ cửa hàng kinh doanh thứ ớt bột trộn chất nhuộm màu công nghiệp đã bị phạt 10 triệu đồng.


Nhóm PV