Mặc Lâm, biên tập viên RFA2012-01-18Cách đây không lâu một bài báo của Xizhe Peng có tựa "Lịch sử nhân khẩu học của Trung Quốc và thách thức trong tương lai" đăng trên tạp chí Science vào ngày 29/7/2011, kèm theo các bản đồ Trung Quốc có vẽ đường lưỡi bò phi pháp. Các luận điểm của tác giả Xizhe Peng ngay lập tức đã bị nhiều trí thức Việt Nam lên tiếng phản đối, trong đó có GS Phạm Quang Tuấn giảng dạy tại Đại học New South Wales, Úc. Ông đã gửi một lá thư cho tạp chí Science, giải thích rõ ràng về tính phi pháp của bản đồ đường lưỡi bò và đề nghị Science xét đăng lá thư này. Sau nhiều lần trì hoãn, Science buộc phải đăng bức thư và xét lại cách mà họ làm trước đây khi cho phép đăng tải một vần đề thiếu tính khoa học và lịch sử. Phóng viên Mặc Lâm của Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn GS Phạm Quang Tuấn để biết thêm chi tiết và được trình bày sau đây. Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi trong buổi nói chuyện ngày hôm nay. Thưa, xin ông cho biết ông phát hiện bài báo "Lịch sử nhân khẩu học của Trung Quốc và thách thức trong tương lai" của Xizhe Peng đăng trên tạp chí Science như thế nào? GS Phạm Quang Tuấn: Vâng. Cái này là do một đồng nghiệp đại học ở bên Mỹ họ đọc được rồi họ báo tin cho tôi. Mặc Lâm: Thưa, sau khi đọc bài báo ấy thì cảm giác đầu tiên của Giáo Sư như thế nào ạ? GS Phạm Quang Tuấn: Tôi cũng cảm thấy thất vọng là tại vì một tờ báo rất là lớn như tờ Science, một trong hai tờ báo khoa học nổi tiếng nhất thế giới mà lại đăng cái bản đồ vô lý đó, thành ra tôi hết sức tức giận và thất vọng đối với tờ báo đó. Mặc Lâm: Chắc Giáo Sư cũng biết là sau khi bài báo ấy phát hành thì một nhóm cựu sinh viên tại New Zealand đã phát hiện và tỏ thái độ rất gay gắt đối với Science. Không biết lá thư của Giáo Sư có gửi đến tạp chí này cùng thời gian với họ hay không? GS Phạm Quang Tuấn: Dạ không. Thực ra thì cái thư của tôi và cái thư của nhóm sinh viên ở New Zealand gửi đi hầu như là cùng một lượt, tại vì khi mà tôi được cái tin đó thì tôi mới thông báo cho tất cả mọi người quen biết thì cái tin đó loan ra rất nhanh. Và theo tôi hiểu thì sau đó nhóm sinh viên New Zealand đã gửi lá thư của họ, trong khi đó thì tôi cũng đang thảo lá thư của tôi, thế nhưng mà hai lá thư đó mang hai mục đích khác nhau. Lá thư của nhóm kia thì có mục đích là bày tỏ sự giận dữ và phản đối, còn lá thư của tôi thì có mục đích rõ ràng là để đăng lên phản hồi trên báo Science. Hai lá thứ đó khác nhau. Mặc Lâm: Sau khi lá thư phản biện về đường lưỡi bò trong bài báo của Giáo Sư gửi đi thì tờ báo có cho ông biết là sẽ đăng nó, hay chờ sự xem xét nào của ban biên tập hay không ạ? GS Phạm Quang Tuấn: Dạ không. Thư để gửi đăng báo Science thì họ có quy trình rõ ràng là cái thư phải nằm trong website của họ, sau đó bình thường thì họ sẽ xét cái thư đó được đăng hay không, và nếu mà đăng được thì họ sẽ đăng, hoặc là trước hết họ sẽ đưa cho tác giả bài báo đó xem và có phản hồi hay không, và sau đó nếu thấy mình có lý thì họ sẽ đăng. Tuy nhiên, vì cái thư đó tới hầu như cùng một lúc với thư phản đối của các nhóm khác thành ra báo Science gộp tất cả lại và trả lời chung chung trên báo của họ thôi. Do đó cái thư của tôi hầu như là bị quên đi. Mặc Lâm: Chúng tôi được biết là bà Jennifer Sills có tiếp xúc qua email với Giáo Sư và ông đã yêu cầu bà này nên đăng bức thư, câu chuyện này có đúng với những diễn tiến đã xảy ra hay không ạ? GS Phạm Quang Tuấn: Dạ vâng. Thật ra họ không có trả lời tôi gì hết. Sau 3 tuần tôi phải viết thư nhắc lại họ, và khi mà tôi nhắc thì bà cũng không nói là thư có được đăng hay không, mà bà chỉ nói là đã có trả lời chung chung như vậy rồi.Và tôi mới phải nói rõ ra với bà là cái thư của tôi nó không có liên quan gì đến cái thông cáo của họ hết, tại vì cái thông cáo của họ nói rất là kỳ cục, họ đổ cho những độc giả là đã hiểu lầm Science chứ thật ra trong Science thì ai mà viết bài thì người đó chịu trách nhiệm chứ còn báo thì không có chịu trách nhiệm gì về lời nói hết. Đó là cách trả lời trốn trách nhiệm của Science qua cái thông cáo của họ, trong khi đó cái thư của tôi là để nói về những cái sai lầm của bài báo của tác giả Tàu đó, do đó tôi mới chỉ rõ cái điều đó cho họ, và từ đó mới có mấy cuộc tranh luận giữa tôi và bà Jennifer Sills. Kinh nghiệm cho VNMặc Lâm: Thưa Giáo Sư, có một sự thật là Trung Quốc quá mạnh trên các diễn đàn khoa học của thế giới và hình như họ sẵn sàng dùng lợi thế này để khuynh loát các nơi uy tín trong mục đích tạo cho dư luận cái cảm giác là đường lưỡi bò là đúng đắn và hiện hữu. Theo Giáo Sư thì trí thức Việt Nam khắp thế giới phải đối phó như thế nào trước cái khuynh hướng này ạ? GS Phạm Quang Tuấn: Theo tôi nghĩ thì chúng ta vẫn có thể theo dõi và phản đối khi có cơ hội, như là trong trường hợp vừa rồi, thế nhưng mà cái chính là chúng ta phải dựa vào các học giả chuyên về luật biển trên toàn thế giới – không phải chỉ có Việt Nam thôi đâu – mà các nhà khảo cứu của các nước khác nữa, tại vì ở Việt Nam bây giờ thì rất còn yếu về cái chuyện nghiên cứu luật biển này. Chúng ta không có những nhà nghiên cứu hay những luật gia có tiếng để mà tranh đấu cho chính chúng ta, do đó chúng ta phải dựa vào các học giả quốc tế, các luật gia quốc tế. Mặc Lâm: Qua kinh nghiệm này thì để tránh những sự cố tương tự xảy ra, theo Giáo Sư thì chúng ta nên làm gì? Viết những bài báo khoa học trình bày lại tính chất phi lý của đường lưỡi bò, hay là kể lại câu chuyện này trên các tạp chí uy tín quốc tế như Nature hay Time Magazine chẳng hạn… để đánh động sự chú ý hơn của các nhà khoa học trên thế giới, thưa ông? GS Phạm Quang Tuấn: Vâng. Nếu mà có thể đăng được trên các báo nổi tiếng trên thế giới thì điều đó rất là hay, tuy nhiên viết bài đăng trên các tạp chí như vậy cũng cần khả năng về tiếng Anh, khả năng về viết báo, và bỏ rất nhiều thì giờ nghiên cứu, nên tôi không chắc là các nhà khoa học Việt Nam có làm được chuyện đó không. Dĩ nhiên là chúng ta phải cố gắng để báo tin cho các dư luận trên thế giới biết, họ phản ứng ra sao thì cái đó cũng may rủi thôi. Chẳng hạn như là khi có một lá thư của nhóm khoa học gia gửi tới báo Nature, tức là một trong hai tờ báo khoa học lớn nhất thế giới (cùng với Science), thì báo đó đã có bài phản ứng rất mạnh và họ quyết liệt nói là sẽ không có nhận bản đồ lưỡi bò đó. Thế nhưng mà cái đó hầu như là một trường hợp đặc biệt và có thể nói là may mắn cho chúng ta. Mặc Lâm: Qua kinh nghiệm vừa rồi của Giáo Sư khi viết những bài phản biện có tính khoa học để gửi đăng trên các tờ báo chuyên ngành của thế giới thì Giáo Sư có chia sẻ gì cho trí thức trong và ngoài nước, thưa ông? GS Phạm Quang Tuấn: Nếu mà viết thư cho báo Khoa Học (Science) thì điều cần nhất là chúng ta phải nói rõ ràng và khách quan, bởi vì lý lẽ thuộc về chúng ta. Chúng ta đừng có nên thiên lệch, cứ việc nói một cách khách quan và có dẫn chứng rõ ràng thì họ sẽ nghe. Mặc Lâm: Cảm ơn Giáo sư Phạm Quang Tuấn đã dành thời gian cho chúng tôi trong buổi nói chuyện hôm nay! |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog