Nhà báo Hoàng Khuơng, tai ương nghề nghiệp và tình người
05/01/2012
Phóng viên báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương
Lê Diễn Đức
Treo: RFA Blog’s
-
“Điều 8, Bộ Luật Hình sự quy định: “Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm”. Hành vi của Hoàng Khương chỉ nguy hiểm cho những kẻ tham nhũng chứ không hề nguy hiểm cho xã hội.”
Trong mấy ngày qua, dư luận xã hội, đặc biệt là giới báo chí đã có sự quan tâm lớn về vụ phóng viên báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ và khởi tố về tội “đưa hối lộ”.
Trên cơ sở các thông tin nắm bắt được, chủ yếu từ báo chí hai lề trái và phải, tôi thấy có hai giả thiết: Một, Hoàng Khương đã “gài bẫy” “đưa hối lộ” cho công an để có tư liệu chứng minh cho bài viết. Hai, Hoàng Khương có mục đích cá nhân, lợi dụng vai trò nhà báo, đưa hối lộ để lấy lại xe bị công an giữ, nhưng vì không đạt được kết quả như ý muốn nên đã viết bài tố cáo.
Sự vụ đang nằm trong vòng điều tra mở rộng nên tôi không muốn bị rơi vào những ngộ nhận, kết luận vội vã dưới góc độ pháp lý.
Bài viết của tôi nhắm vào hai ý: Nên hay không bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương; và phản ứng của các đồng nghiệp.
Việc làm quá đáng
Bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương 4 tháng theo tôi là việc làm chưa cần thiết và quá đáng.
Cần chú ý rằng, kết luận mà cơ quan điều tra đưa ra để bắt giữ nhà báo Hoàng Khương chỉ có thể xem là tình nghi hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kết luận này đúng hay sai còn phải dựa trên các chứng cớ thuyết phục và phán xét công bằng của toà án.
Trước hết, về hành vi “gài bẫy” “đưa hối lộ”.
Hơn 50 bài viết của Hoàng Khương về các cuộc điều tra chống tệ nạn nhận hối lộ cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Khương áp dụng phương pháp “gài bẫy”. Cho nên hình thức tác nghiệp này hoàn toàn có khả năng được tiếp tục trong trường hợp với Thượng uý công an Huỳnh Minh Đức.
Như Hoàng Khương đã mô tả, Huỳnh Minh Đức được xem là một nhân vật “tác oai tác quái” trong đường giây bao chạy hồ sơ, xử lý vi phạm, vì vậy nếu muốn phanh phui thì nhất thiết phải có bằng chứng tin cậy, ngược lại là đồng nghĩa với mũi dao sẽ chĩa về phía mình.
Nhưng, cho dù phương pháp “gài bẫy” không thể khuyến khích vì không những vi phạm các quy định hiện hành, mà còn cả đạo đức của người cầm bút, tôi đồng ý với nhận định của nhà báo Huy Đức, rằng:
“Điều 8, Bộ Luật Hình sự quy định: “Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm”. Hành vi của Hoàng Khương chỉ nguy hiểm cho những kẻ tham nhũng chứ không hề nguy hiểm cho xã hội. Có thể, sau khi bắt Hoàng Khương trên báo chí chỉ còn tin cảnh sát giao thông trả lại tiền hối lộ chứ không còn “ăn” hối lộ. Nhưng, không phải những thông tin như thế sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, bởi điều mà người dân cần là tham nhũng không còn chứ không phải là những nhà báo chống tham nhũng không còn nỗ lực để khui ra tham nhũng”.
Như vậy trong trường hợp hành vi “gài bẫy” “đưa hối lộ” cho mục đích tác nghiệp, mức cao nhất nên thực hiện là cảnh cáo nhằm ngăn chặn tái diễn, hoặc có thể xử phạt hành chính theo Điều 26 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội: Người nào có hành vi “đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, toàn bộ số tiền, tài sản hoặc vật chất dùng để hối lộ người thi hành công vụ sẽ bị tịch thu theo quy định”.
Hành vi thứ hai mà cơ quan điều tra nêu ra là Hoàng Khương “lợi dụng cương vị của mình nhằm ép Huỳnh Minh Đức thực hiện đến cùng hành vi vi phạm pháp luật”.
Để xác minh điều này không nhất thiết phải bắt giam Hoàng Khương.Tất cả nhân chứng liên quan mà cơ quan điều tra có thể khai thác thông tin đều đã nằm trong kiểm soát của nhà chức trách.
Với nhà báo Hoàng Khương, con người của công chúng, một nhân vật chống tiêu cực xã hội năng nổ, xông xáo, hiệu quả, một cây viết giỏi được đồng nghiệp nhìn nhận, người nhiều lần đã chỉ ra trung thực hiện tượng nhận hối lộ trong ngành công an, trong khi chưa có gì đảm bảo kết luận của cơ quan điều tra là đúng, việc bắt giam Hoàng Khương đã làm dư luận hoang mang và mặc nhiên nghi vấn công an trả thù.
Với nét mặt bình thản của Hoàng Khương khi công an tới khám xét nhà và bắt giữ, cùng với cam đoan “không hề có động cơ vụ lợi nào khác” của anh, cho phép chúng ta hết sức dè dặt đánh giá tính chuẩn xác trong kết luận của cơ quan điều tra.
Bắt giam nhà báo Hoàng Khương, trụ cột kinh tế của gia đình, trong khi vợ anh đang mang thai, một con nhỏ khác bị bệnh bẩm sinh, mẹ già ở quê đau ốm, là thiếu hẳn thiện tâm của người làm công tác điều tra, thiếu vắng tình nhân đạo của con người đối với một nhà báo có bề dày thành tích.
Đành rằng, như mọi công dân bình thường khác, nhà báo không thể đứng trên pháp luật, nhưng bản chất và sự việc trong trường hợp Hoàng Khương có ý nghĩa đặc thù.
Cơ quan công an đang nhắm vào một chiến sĩ cầm bút được nhà nước khuyến khích trong việc bài trừ tệ nạn tham nhũng đang phổ biến trong ngành công an gây bức xúc và thất vọng của dân chúng trước kỷ cương pháp luật. Vào tháng 12/2010, kết quả khảo sát tại Việt Nam của tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT) cho thấy tỷ lệ tham nhũng của ngành công an cao nhất trong tất cả các cơ quan công quyền, tới 82%, so với ngành giáo dục là 67%, hành chính công 61%…
Các tổ chức quốc tế ngay lập tức cũng đã chú ý tới sự việc và với thái độ thận trọng cũng cho rằng không nên bắt giam nhà báo Hoàng Khương.
Theo tôi, giới báo chí truyền thông bằng cách này hay cách khác nên vận động một chiến dịch mạnh mẽ, đề nghị chính quyền cho Hoàng Khương tải ngoại hầu tra có điều kiện. Điều này không hề phương hại đến việc điều tra như tôi đã phân tích mà chỉ mang lại hình ảnh tốt hơn cho ngành tư pháp Việt Nam.
Tình đồng nghiệp
Sự việc của nhà báo Hoàng Khương làm tôi nhớ tới câu chuyện ở Ba Lan.
Tôi không có ý định so sánh về mặt nhà nước, bởi vì Ba Lan và Việt Nam có thể chế hoàn toàn khác nhau, còn mức độ tự do báo chí cách xa nhau như hai cực của trái đất.
Năm 2001, nhà báo A. Marek đã cho đăng bài viết của mình cáo buộc một quan chức lạm dụng quyền hạn mưu lợi cá nhân. Quan chức này đã khởi kiện dân sự ông Marek. Trong năm 2004, toà án tỉnh Szczecin, Ba Lan, đã xử phạt nhà báo Marek ba tháng tù giam về tội xúc phạm danh dự người khác. Nhà báo Marek thua kiện vì đã không đưa ra được bằng chứng, mặc dù ông khẳng định nội dung bài viết là có thật, dựa trên lời kể của các nhân chứng cụ thể.
Được tin trên, giới truyền thông đã phát động một chiến dịch biểu thị tình đoàn kết với đồng nghiệp, phản đối bản án vì cho rằng, ngành tư pháp đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận, muốn bịt miệng các nhà báo.
Họ đặt trước trụ sở quốc hội Ba Lan một cái cũi sắt lớn mượn từ Sở Thú. Hàng chục nhà báo hàng đầu, nổi tiếng của Ba Lan, từ đài truyền hình quốc gia, đài phát thanh, các nhật báo lớn, tới tạp chí quốc tế… đã thay phiên nhau chui vào cũi nửa giờ, trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng, các nghị sĩ quốc hội và báo chí.
Chiến dịch này gây tiếng vang lớn, vượt ra ngoài biên giới Ba Lan. Ngay hôm sau toà án đã ra quyết định hoãn thi hành án trong 6 tháng.
Sự vụ còn được đưa ra Toà án Tối cao và nhà báo bị xử y án, nhưng Toà Hiến pháp Ba Lan lại ra quyết định hoãn thi hành án và cuối cùng Tổng thống Ba Lan ra quyết định ân xá.
Tuy nhiên, mọi thứ chưa dừng lại. Nhà báo Marek khởi kiện sự vụ lên Toà án Nhân quyền Âu Châu có trụ sở ở Strasburg (Pháp). Trong tháng 11/2011, bảo hộ quyền được phát biểu chính kiến của nhà báo, Toà án Nhân quyền Âu châu đã phán quyết toà án Ba Lan xét xử sai và buộc nhà nước Ba Lan phải bồi thường danh dự cho nhà báo Marek 1.500 euro.
Nhắc lại sự kiện trên, tôi không hy vọng các nhà lãnh đạo nhà nước Việt Nam có cái nhìn cởi mở, thông thoáng đối với những người cầm bút, như ở Ba Lan. Trong quá khứ, nhiều nguời cầm bút ở Việt Nam đã bị rút thẻ nhà báo, lâm vào cảnh thất nghiệp, đời sống điêu dứng, số khác phải chịu các bản án nặng nề, bất công vì bị cáo buộc tiết lộ bí mật nhà nước, tuyên truyền chống phá chế độ…
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tập quán truyền thống của giới báo chí nói chung. Đó là tình đoàn kết và bảo bọc nhau giữa những người đồng nghiệp. Bởi vì nghề làm báo chịu nhiều thách thức trước áp lực, cám dỗ, mang tính trách nhiệm xã hội cao, và đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường hay ở các quốc gia có chế độ độc tài toàn trị, nơi mà báo chí truyền thông là công cụ phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền, chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi chế độ kiểm duyệt.
Thật cảm động khi trong những ngày qua một số người cầm bút đã thẳng thắn lên tiếng về trường hợp nhà báo Hoàng Khương. Nhưng quá ít ỏi và dường như hầu hết những người này không nằm trong luồng quản lý của nhà nước.
Giữa rừng mười mấy ngàn nhà báo ăn lương là bóng tối, tôi không hoặc chưa nhin thấy chút ánh sáng nào của tình đồng nghiệp, như các nhà báo Ba Lan đã làm. Báo chính thống đồng loạt đưa tin nhưng chủ yêu dựa trên cung cấp của cơ quan điều tra, bất lợi cho Hoàng Khương hơn là tạo cho dư luận một không gian khách quan. Ngoài ra cách đưa tin rất thuần tuý, vô cảm.
Tôi cảm thông với cái khó của người cầm bút trong nước qua bài “Giọt nước mắt của lề phải” của nhà báo Đoan Trang gần đây. Nhưng vấn đề không phải là sự đòi hỏi lên tiếng chỉ trích bất kỳ sự sai trái nào, bênh vực phía cơ quan điều tra hay phía nạn nhân, vì mọi thứ còn nằm ở phía trước, trong tiến trình điều tra, mà là trách nhiệm bày tỏ tình cảm và thái độ trước sự việc gây tranh cãi đang diễn ra có ảnh hưởng lớn tới đạo đức nghề nghiệp, căn cước chính trị -xã hội của một người bạn đồng nghiệp nói riêng và của cả giới báo chí nói chung.
Còn báo Tuổi Trẻ, cơ quan chủ quản, lẽ ra, phải vào cuộc hết mình, thậm chí nếu sợ, thì chí ít cũng chuyển tải trung thực nhiều thông tin nhất về nhà báo Hoàng Khương để công luận biết và hiểu rõ hơn về anh. Vậy mà đến bản tường trình của Hoàng Khương lại nằm trên Blog của một đồng nghiệp bên ngoài.
Bản tường trình và quá trình làm việc lâu dài của Hoàng Khương trong nhiều sự vụ cho thấy rõ Ban biên tập Tuổi Trẻ có bàn bạc và giám sát quy trình tác nghiệp của phóng viên. “Thật khó để giải thích nếu như hệ thống kiểm soát nội bộ của Tuổi Trẻ không còn khả năng nhận ra để ngăn chặn những sai sót nghiệp vụ…”- Nhà báo Huy Đức viết.
Phải chăng Ban Biên tập tờ Tuổi Trẻ “chạy làng”, rũ bỏ trách nhiệm, bỏ mặc đồng đội, đồng nghiệp lúc nguy nan?
Huy Đức nhấn mạnh:
“Vụ Hoàng Khương không chỉ liên quan đến uy tín của tờ Tuổi Trẻ, sinh mệnh pháp lý của Hoàng Khương và những người đã cộng tác với anh để có loạt bài “ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông” mà còn có thể tạo ra “án lệ”. Sự lên tiếng của Tuổi Trẻ không chỉ bảo vệ một con người mà còn bày tỏ thái độ trước một “thủ pháp nghiệp vụ” đang được tranh cãi trong nghề báo”.
“Cho dù không đồng tình với một số biện pháp nghiệp vụ, Tuổi Trẻ cần phải khẳng định trên mặt báo điều mà Hoàng Khương đã tường trình: “Tôi cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác. Mặt khác, những hiện tượng tiêu cực, vi phạm nói trên đã được Khương thể hiện trong các bài viết và được tòa soạn đồng ý cho đăng tải”.
Nhận định của Huy Đức không những nhận được chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Lập, mà nhiều người khác.
Nhà báo Đào Tuấn bình luận: “Tuổi trẻ giờ “khách quan” đến nỗi đưa tin phóng viên của mình bị bắt mà tưởng đó là câu chuyện xảy ra ở Campuchia”, và “Tuổi Trẻ giờ “giấu quan điểm” giỏi đến mức không ai, không ai có thể biết quan điểm của họ”.
Trên Blog của mình Nguyễn Tây Ninh đã chua chát: “Mùa đông giá lạnh, chúc anh an lành đón tết “nơi xa” ấy. Hoàng Khương! Ngày về thôi đừng quay lại Tuổi Trẻ nữa! Tuổi Trẻ ngày xưa đó giờ không còn đâu! “.
Blogger Sao Hồng mỉa mai: “Làm sếp của các báo ở Việt Nam thật phẻ! Khi có chuyện gì cùng lắm là bị khiển trách, phê bình hay cho thôi chức. Còn tai vạ nghề nghiệp của phóng viên thì đã có… công an “xử lý theo pháp luật”!
Bạn “Hà Hết Hạn” trên Facebook có vẻ không giữ được bực tức: “Về chuyện trách nhiệm của lãnh đạo báo Tuổi Ttrẻ qua việc này, theo dõi từ hôm Hoàng Khương bị bắt, tôi không còn gì để nói với họ nữa. Cá nhân tôi cho rằng họ không đáng được những người tử tế nhìn vào và nói gì với họ. Hãy để họ có thời gian để ngộ, họ cũng là những kẻ đáng thương mà thôi”.
Kết luận
“Ngay cả khi Hoàng Khương có những sai lầm thì, tại thời điểm này, Tuổi Trẻ cũng không nên để anh đơn độc”, có lẽ là lời nhắn nhủ hay nhất không chĩ cho tờ Tuổi Trẻ mà cho tất cả những người cầm bút.
Dù ở thế chế nào, báo chí trong điều kiện có thể của mình, cũng là phương tiện hiệu quả góp phần quan trọng lành mạnh hoá xã hội.
“Tai nạn nghề nghiệp” có thể xảy ra với bất cứ ai có bản lĩnh, dám làm mũi nhọn tấn công vào tệ nạn trong hệ thống công quyền. Nếu thiếu trung thực, người viết sẽ đánh mất uy tín là thứ cao quý nhất, sau đó phải chịu trách nhiệm trước công luận và pháp luật. Nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, những người bạn, đồng đội cũng không nên có thái độ dửng dưng hay im lặng đáng trách khi đồng nghiệp gặp tai ương.
Một phóng viên giỏi và dấn thân như Hoàng Khương cần được bảo vệ, ngay cả khi anh vi phạm nhưng không ở mức nghiêm trọng, vẫn nên với lòng nhân ái tạo cho anh điều kiện để rút kinh nghiệm và tiếp tục thăng tiến. Hoàng Khương ở tuổi 37, một độ tuổi trưởng thành sung mãn của người làm báo. ●
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog