Một hàng không mẫu hạm của Mỹ đi vào vùng biển gần eo Hormuz, nơi hải quân Iran đang tiến hành một cuộc tập trận. |
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ. Ảnh: US Navy |
"Một máy bay trinh sát của hải quân đã phát hiện ra tàu sân bay của Mỹ ở bên trong vùng biển đang có tập trận", hãng tin IRNA của Iran dẫn lời đại tá hải quân đồng thời là người phát ngôn cho cuộc tập trận, ông Mahmoud Mousavi.
Ông Mousavi cho biết thêm rằng máy bay của Iran đã ghi hình và chụp được ảnh của tàu chiến Mỹ. Tàu sân bay này được cho là USS John C. Stennis, một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất của hải quân Mỹ.
Giới chức Mỹ hôm qua cho hay tàu USS John C. Stennis và các chiến hạm nhỏ hơn đi cùng đã đi qua eo Hormuz, một eo biển hẹp đóng vai trò là lối vào vịnh Ba Tư từ vịnh Oman. Đây cũng đồng thời là một cửa ngõ quan trọng nhất thế giới đối với việc vận chuyển dầu mỏ.
Sau khi chính phủ và hải quân Iran tuần này cảnh báo rằng quốc gia Hồi giáo có thể đóng cửa eo Hormuz, nếu tiếp tục bị đe dọa bởi những lệnh trừng phạt từ phương Tây, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay những hành động như vậy sẽ không được tha thứ. AP hôm nay còn đưa tin Mỹ sắp công bố thương vụ bán và nâng cấp máy bay chiến đấu cho Saudi Arabia, với trị giá lên tới gần 30 tỷ USD. Saudi Arabia là nước láng giềng của Iran và cùng chia sẻ vùng vịnh Ba Tư (vùng Vịnh).
Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện hải quân với số lượng lớn tại vịnh Ba Tư, để đảm bảo việc vận chuyển dầu mỏ ở đây không bị cản trở. Iran, vốn vẫn đang phải chịu những lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân của nước này, luôn tuyên bố về khả năng có thể nhằm vào eo Hormuz nếu bị tấn công hoặc bị cô lập về kinh tế. Nếu điều này xảy ra, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.
Bản đồ eo biển Hormuz. Đồ họa: AFP |
Iran đang tiến hành cuộc tập trận hải quân 10 ngày trên vùng biển quốc tế ở phía đông của eo Hormuz. Quốc gia Hồi giáo được cho là bố trí nhiều thủy lôi và sử dụng cả các máy bay không người lái.
Iran và Mỹ từ trước đến nay luôn hạn chế các hoạt động quân sự trên biển, nhưng giới phân tích và những người quan tâm tới thị trường dầu mỏ đang dõi theo tình hình hiện nay một cách cẩn trọng. Dư luận lo ngại một sự va chạm nhỏ có thể dẫn tới thế đối đầu công khai giữa hai nước.
Wahington trước đây từng đề xuất thiết lập một đường dây nóng quân sự giữa Mỹ và Iran, để giảm thiểu khả năng những quyết định sai lầm có thể xảy ra khi hải quân hai nước có va chạm với nhau. Tuy nhiên, Iran hồi tháng 9 đã từ chối lời đề nghị này.
Iran trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận suốt thời gian qua, sau khi bản báo cáo mới nhất của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định quốc gia Hồi giáo "đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân". Tehran bác bỏ báo cáo này.
Mối quan hệ Israel - Iran cũng trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây, sau khi Tel Aviv tỏ rõ sự sẵn sàng cho một hành động quân sự nhằm vào Tehran. Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây thể hiện sự ủng hộ với Israel bằng việc đưa ra hàng loạt lệnh cấm vận mới với Iran. Chủ đề mới đây nhất gây được sự quan tâm là vụ Iran khống chế được một máy bay không người lái của Mỹ bay vào không phận nước này.
Nhật Nam