Những kinh nghiệm thực tế ứng phó với lũ lụt được người dân chia sẻ với cơ quan chức năng, để từ đó xây dựng bộ tài liệu chuẩn cho bà con vùng lũ lụt miền Trung.
Các ý kiến được thu thập tại diễn đàn xây dựng mô hình "Cộng đồng ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu", do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp Bộ TN-MT tổ chức ngày 10.12 tại Hà Tĩnh, với gần 150 bà con xã Sơn Long, H.Hương Sơn (Hà Tĩnh) tham gia đóng góp. Mục đích diễn đàn là thu thập, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm ý tưởng ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu. Qua đó, xây dựng bộ tài liệu chuẩn để trang bị cho bà con vùng lũ các kiến thức ứng phó với lũ lụt, cách tổ chức cuộc sống phù hợp với đặc điểm thường xuyên bị thiên tai.
Hậu cần tại chỗ
Tại diễn đàn, người dân tự đặt câu hỏi rồi trao đổi ý kiến. Nhiều người thắc mắc lâu nay họ chỉ biết các cấp ngành lãnh đạo hướng dẫn cho bà con ứng phó với lũ lụt, nay mới được trực tiếp "chỉ giáo" cho cấp trên về kinh nghiệm của mình, nên tỏ ra vui vẻ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.
Buổi tập huấn cho 41 giáo viên huyện Hương Sơn về cách phòng và sơ cứu người đuối nước - Ảnh: Tr.H |
Anh Nguyễn Văn Thế, xóm 1, xã Sơn Long, cho biết do sống chung với lũ lâu năm nên rút ra nhiều kinh nghiệm. Ngoài cách đối phó thông dụng, sơ tán người và tài sản đến vùng an toàn, anh chỉ ra những "mẹo vặt", như khi xây nhà thì tính toán sao cho vượt mức đỉnh lũ lịch sử là 10m, nhà càng có nhiều gác xép càng tốt. "Nhà tôi cấp 4, 3 gian nhưng có đến 2 gác xép. Ngày nắng gác xép bỏ trống nhưng mưa lũ thì cực kỳ hữu ích", anh Thế nói.
Khi đại diện Bộ TN-MT hỏi: "Trước và sau lũ lụt bà con sẽ làm gì?", nhiều ý kiến đưa ra, trong đó có các ý kiến rất cụ thể: Dự phòng lương thực (gạo, mì tôm, muối mắm); bếp dầu, bếp gas (nhớ lấy dây cột bình gas kẻo bị trôi), củi (nhớ là củi nào dễ cháy và chẻ sẵn), bật lửa, diêm… và đừng quên dầu gió, dầu tràm, thuốc đau bụng. Những thứ đó liên quan đến "hậu cần tại chỗ" và quan niệm "hãy tự cứu mình".
Ngoài ra, việc kê đồ đạc mất nhiều thời gian, công sức nhất và không phải ai cũng đủ sức mà làm. Vì thế, trong nhà phải luôn có những giá đỡ đóng sẵn thật cao, ngoài gác xép. Không đợi nước đến chân mới nhảy, tất cả những việc ấy phải chuẩn bị cả năm trước mùa lũ lụt.
Mô hình nhà gác cho trâu, bò ở xã Sơn Long cần được nhân rộng - Ảnh: Tr.H |
|
Trao tặng 20 chiếc thuyền Tại diễn đàn, T.Ư Hội LHTN VN và Bộ TN-MT trao tặng 20 chiếc thuyền, 30 bồn nước, 500 áo phao và gia cố 20 căn nhà tại xã Sơn Long (mỗi căn nhà trị giá 20 triệu đồng) theo mô hình vượt lũ; đồng thời đã có 1 buổi tập huấn cho 41 giáo viên huyện này trong cách phòng và sơ cứu khi gặp người chết đuối. |
|
Bảo vệ đàn gia súc cũng vô cùng quan trọng với người nông dân. Tại xã Sơn Long, nhiều gia đình sẵn sàng cắm sổ đỏ vay hàng chục triệu đồng chỉ để xây nhà gác cho trâu bò ở khi lũ lụt đến. Tại xã này đã có gần 50% hộ dân xây nhà gác cho trâu bò ở thay vì phải lục tục chở gia súc đi tránh lũ, rất cực. Chị Mai Thị Liêu, ở xóm 3, cho biết: "Khi lũ đến, cả nhà đi sơ tán nơi an toàn nhưng vẫn không lo gia súc ở nhà ngập nước hay chết đói. Trước khi sơ tán lũ, chúng tôi đã cho trâu lên gác hai ở, tích trữ đầy đủ rơm, rạ cho chúng ăn đủ 1 tháng".
Cái khổ nhất sau lũ
Người dân cũng trình bày khó khăn sau lũ, mà cái khổ nhất là nguồn nước uống, sinh hoạt và lương thực thực phẩm (vì lúc đó đã hết nguồn tích trữ). Dịch bệnh ngoài da sau lũ lụt tràn lan, cần khám, bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Nạn chết đuối trong lũ cũng làm cho diễn đàn nóng lên, người dân tha thiết có lớp dạy học bơi cho trẻ em vùng lũ, cách sơ cứu người khi chết đuối…
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Trung tâm dự kiến và biến đổi khí hậu, thuộc Cục Truyền thông phòng ngừa thiên tai: "Qua thu thập ý kiến, kinh nghiệm của người dân Hương Sơn, chúng tôi mong muốn có nhiều nguồn tài trợ, kinh phí ủng hộ để thực hiện dự án xây dựng nhà đa chức năng, nhà sinh hoạt cộng đồng chống bão lũ cho người dân".
Trương Hoa