Với mức tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia trong năm 2010, VN đã trở thành nước thứ
3 có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á. Đến 2015 VN sẽ trở thành
thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới!
Với sức tiêu thụ hàng tỷ lít, cộng với mức tăng trưởng 15%/năm, thị trường bia Việt Nam được xếp thứ ba tại châu Á về sản lượng tiêu thụ. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, dù đã có nhiều thương hiệu thất bại, nhưng các hãng bia nước ngoài vẫn tiếp tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới của Heineken trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Sức tiêu thụ khổng lồ này khiến thị trường bia Việt Nam “tăng độ” với sự xuất hiện của hàng loạt nhãn hiệu bia mới.
Đơn vị tính bằng tỷ lít
Với mức tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia trong năm 2010 (khoảng 24 lít trên/đầu người/năm, bằng 1/10 so với châu Âu), Việt Nam đã trở thành nước thứ ba có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc.
Dù đang ở mức cao nhưng sức tiêu thụ mặt hàng bia vẫn đang tăng lên mạnh mẽ bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.
Theo khảo sát của Kantar Worldpanel Vietnam tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng), từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 120 triệu lít bia (tương đương với 2.900 tỷ đồng) được tiêu thụ tại các hộ gia đình.
Và dự kiến, đến hết năm nay, số bia được tiêu thụ tại 4 thành phố này sẽ đạt 300 triệu lít với tổng trị giá 7.250 tỷ đồng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến 80% số hộ gia đình tại các thành phố này dùng bia với số tiền 1,6 triệu đồng/năm, và mỗi người uống bình quân 3 lần/tuần, mỗi lần uống từ 2-3 chai bia.
Sức tiêu thụ bia tăng mạnh còn do thị hiếu tiêu dùng thay đổi. Tại các vùng nông thôn, việc dùng bia thay rượu trong các dịp lễ Tết và ngay trong những ngày thường đã trở nên phổ biến hơn.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, dù kinh tế khó khăn nhưng ngành bia vẫn phát triển tốt. Chỉ tính riêng những nhãn hiệu bia sản xuất trong nước, trong năm 2010, đã có hơn 2,7 tỷ lít bia được tiêu thụ.
Sức tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bia đã khiến nhiều nhà sản xuất nước ngoài ngạc nhiên. Trong chuyến viếng thăm Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) vào tháng 5 vừa qua, ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, tỏ ra kinh ngạc trước tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại Việt Nam!
Trong năm 2010, người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia Heineken, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt.
Với tốc độ tiêu thụ này, ông Michel de Carvalho dự báo đến năm 2012, Việt Nam sẽ chiếm vị trí thứ hai của Pháp để trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng của Heineken, chỉ xếp sau Mỹ. Và khả năng đến năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới!
Trong tăng công suất, ngoài ồ ạt nhập
Sức hấp dẫn của thị trường bia Việt Nam thu hút hàng trăm nhà sản xuất bia với đủ quy mô lớn nhỏ, hình thức địa phương, tổng công ty, liên doanh, nước ngoài...
Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia có trụ sở ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước và tiếp tục tăng mạnh về số lượng.
Trong số này, có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm, và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm.
Dù 350 cơ sở sản xuất bia cho thị trường 87 triệu dân là con số không nhỏ, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống sản xuất của mình.
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các dự án xây dựng mới cũng như nâng cấp nhà máy bia đã ồ ạt diễn ra. Nổ phát pháo đầu tiên trong ngành này là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Chỉ trong tháng 3, Sabeco đã đưa vào hoạt động ba nhà máy sản xuất tại Quảng Ngãi và Hà Nam với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, tổng công suất khoảng 300 triệu lít/năm.
Trước đó, vào tháng 2, Sabeco cũng đã khởi công dự án Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh công suất 50 triệu lít/năm với tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng. Song song với những dự án đầu tư mới, Sabeco còn thực hiện việc nâng cấp các nhà máy cũ.
Trong đó, nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi nâng công suất lên 264 triệu lít, Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long lên 200 triệu lít/năm. Với sự đầu tư đồng loạt này, trong năm tới, Sabeco sẽ đưa ra thị trường thêm 500 triệu lít bia các loại.
Lãnh đạo của đơn vị này cũng đã đưa ra mục tiêu tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia trong năm 2011, và tăng lên 2 tỷ lít bia trong năm 2015.
Không mở nhà máy ồ ạt như Sabeco, nhưng trong năm nay, VBL cũng đầu tư, nâng cấp các nhà máy có sẵn để tăng lượng sản xuất.
Tháng 5 vừa qua, VBL đã chi hơn 68 triệu USD để nâng công suất của nhà máy tại TP.HCM từ 280 triệu lít lên 420 triệu lít, trở thành nhà máy sản xuất bia hiện đại và lớn nhất Việt Nam. Dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay và sẽ giúp tăng năng suất của VBL lên 25%.
Cùng lúc đó, VBL cũng mở rộng năng lực sản xuất của hai nhà máy tại Hà Nội và Đà Nẵng lên 45 triệu lít. Dự án này cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Sở dĩ VBL đầu tư mạnh vào sản xuất vì thị trường đang tăng trưởng mạnh.
Ông David Teng, Tổng giám đốc VBL, cho rằng: “với dân số 87 triệu người và sự gia tăng số người giàu có, nhất là trong thành phần trẻ, nhu cầu dùng bia ở Việt Nam đang tăng ở mức 2 con số và nhịp độ gia tăng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian dài sắp tới”.
Trong khi các nhà máy liên tục đầu tư mở rộng sản xuất thì bia nhập khẩu cũng đổ bộ vào thị trường. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, lượng bia nhập khẩu năm 2010 tăng tới 50% so với năm 2009, lên đến 1,66 triệu sản phẩm (tính chung với mặt hàng rượu) đã được đưa ra thị trường.
Các loại bia như Corona, Budweiser, Bit Burger, Leffe Brown, Hoegaarden White, MOA, Cooper, Bavaria... xuất xứ Mexico, Đức, Bỉ, Hà Lan... dù có giá cao gấp 2-3 lần so với bia sản xuất trong nước nhưng vẫn được ưa chuộng tại các nhà hàng, khách sạn.
Tuy số lượng bia nhập khẩu chiếm tỷ trọng thấp nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng sẽ là đối thủ đáng gờm cho các nhà sản xuất trong tương lai.
“Bia nội” giữ thế chân vạc
Nếu gọi các loại bia sản xuất trong nước là “bia nội” thì hiện nay, bia nội đang thắng thế. Thị trường bia Việt Nam đang hình thành thế “chân vạc” với 3 doanh nghiệp lớn nhất là Sabeco, Habeco và VBL.
Với
mức tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia trong năm 2010 (khoảng 24 lít trên/đầu
người/năm, bằng 1/10 so với châu Âu), Việt Nam đã trở thành nước thứ 3
có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc.
|
Trong 2,7 tỷ lít bia được tiêu thụ năm 2010, đến 1,1 tỷ lít thuộc về Sabeco, 600 triệu lít thuộc Habeco và 700 triệu lít của VBL.
Với 1,1 tỷ lít bia được tiêu thụ, Sabeco không chỉ đứng đầu thị trường Việt Nam mà còn vươn lên vị trí thứ 21 trong số các doanh nghiệp sản xuất bia hàng đầu thế giới và Top 3 các nhà sản xuất bia Đông Nam Á.
Nếu chia thị trường bia theo phân khúc, Sabeco đang dẫn đầu dòng bia phổ thông và chiếm 35% lượng bia bán ra trên toàn thị trường. Trong khi đó, VBL đang nắm giữ 70% thị trường ở phân khúc cao cấp với nhãn hàng Heineken.
Kết quả khảo sát của Sabeco trong tháng 12/2010 về thị trường tiêu thụ bia cũng như thương hiệu bia được người tiêu dùng ưa chuộng nhất cũng cho thấy sự chiếm giữ thị trường của 3 “đại gia” này.
Tại 36 thành phố trong cả nước, bia Sài Gòn Đỏ chiếm 28,1% thị phần, bia 333 chiếm 16%, bia Hà Nội 11,4% và Heineken (10% đối với lon và 6,8% đối với loại chai).
Nằm trong top 10 sản phẩm bia được tiêu thụ nhiều nhất còn có sự góp mặt của Saigon Lager, Bierre Larue, Tiger (chai, lon), Saigon Special. Như vậy, trong 10 dòng sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất thì có đến 5 sản phẩm thuộc VBL và 4 sản phẩm của Sabeco.
Dù thế chân vạc đã rõ nhưng các doanh nghiệp vẫn lo ngại về sự xuất hiện quá mạnh của bia nhập khẩu. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này là 45% nhưng số lượng bia nhập khẩu đã khá nhiều.
Vào năm 2012, khi mức thuế này giảm xuống còn 30% thì bia ngoại sẽ tràn ngập thị trường. Và như vậy, cuộc cạnh tranh giành miếng bánh thị phần sẽ càng khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Còn tiếp...
Theo HỒNG NGA - BÍCH LOAN - Ảnh: QUÝ HÒA
Doanh nhân Sài gòn