Xác định nhiệm vụ hàng đầu trong những năm tới là tái
cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn và cố
gắng kiểm soát nợ công không quá 65% vào năm 2015.
> Thủ tướng: ‘Tăng trưởng 2011 đạt yêu cầu'
> Giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong 2012
Sau phát biểu khai mạc Quốc hội của Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng sáng nay, các đại biểu đã nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2011, kế
hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và riêng cho năm 2012.
Đánh giá về tình hình kinh tế 2011 với nhiều khó khăn,
Chính phủ cho rằng điểm nổi bật là những bất ổn đầu năm đã chuyển biến
theo hướng tích cực trong những tháng cuối. An sinh xã hội được đảm bảo,
nhất là ở vùng nông thôn. Tuy vậy, cơ quan điều hành cho rằng những kết
quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định, bền vững, nhất
là trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp.
Tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012. Ảnh: Hoàng Hà |
Bước sang năm 2012, Chính phủ xác định mục tiêu trọng
tâm vẫn sẽ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với tái cơ
cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Do vậy, cơ quan điều
hành cho rằng khẳng định quyết tâm kiểm soát lạm phát ở mức một con số
(9 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 16,63%),
GDP 6 - 6,5% (ưu tiên hơn cho phương án 6%), nhập siêu khoảng 11,5 -
12%, bội chi ngân sách khoảng 4,8% GDP và sẽ giảm dần trong những năm
sau. Theo kế hoạch, dự kiến nợ công đến cuối năm 2011 khoảng 54,6% GDP,
2012 là 58,4% và đến 2015 là 60-65% GDP.
Cũng trong năm 2012, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ hàng
đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát động
phong trào tiết kiệm trong toàn xã hội (cả sản xuất và tiêu dùng) để
giảm dần chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Song song với đầu tư cho
nông nghiệp - nông thôn, cơ quan điều hành cũng cho biết sẽ triển khai
nhiều biện pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp,
nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giữ lãi suất ở mức hợp lý…
Một nguyên tắc quan trọng khác cũng được Chính phủ đề
cập trong kế hoạch điều hành lần này là phối hợp hài hòa giữa chính sách
tiền tệ và tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị sức mua của
tiền đồng, tăng dần dự trữ ngoại hối… Việc điều hành giá cũng được nhắc
đến với chủ trương sát với thị trường nhưng cần có lộ trình, tránh dồn
dập, tạo ra cú sốc về tâm lý.
Riêng với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ
xác định 3 khu vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (tập
trung vào các Tập đoàn, Tống công ty) và hệ thống tài chính (tập trung
vào ngân hàng).
Về đầu tư, Chính phủ dự kiến tiếp tục thực hiện tinh
thần của Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công, kiên quyết tập trung vốn
cho các công trình dự án cấp thiết, sớm hoàn thành, nhanh đưa vào sử
dụng để phát huy hiệu quả. Đối với các dự án đang được đầu tư bằng vốn
ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ nhưng không có nguồn để bố
trí tiếp thì chuyển sang các hình thức đầu tư khác hoặc phải tạm đình
chỉ.
Với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng khẳng
định cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại, rà soát đánh
giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty. Các
doanh nghiệp này sẽ chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính,
kiên quyết thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi
phối
Chính phủ cũng sẽ có phương án sắp xếp kiện toàn các
doanh nghiệp thua lỗ. Đổi mới mô hình tổ chức và quản trị tại các doanh
nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn, hoàn thiện cơ chế đại diện vốn. Các
doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ phải tiến hành công khai kết quả kinh
doanh và được đặt trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành
phần kinh tế khác. Chính phủ cũng sẽ có cơ chế, chính sách để thúc đẩy
tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh.
Đối với ngân hàng, Chính phủ chủ trương tái cấu trúc
theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và
tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao chất lượng tín dụng và phát triển các
dịch vụ ngân hàng. Cơ quan điều hành cũng sẽ có cơ chế để những ngân
hàng có điều kiện phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, đủ sức cạnh
tranh trong nước và quốc tế.
Các tổ chức tín dụng hoạt động cũng cần kiểm soát chặt
chẽ nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng thương
mại. Chính phủ kiên quyết khắc phục tình trạng đô la hóa, thiết lập trật
tự kỷ cương trong việc sử dụng ngoại tệ, nâng giá trị đồng Việt Nam. Về
lâu dài, cơ quan quản lý sẽ từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu
tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại, tăng tỷ trọng huy động
vốn từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2015, bất
chấp những khó khăn trước mắt, Chính phủ dự kiến vẫn đặt mục tiêu tăng
GDP khoảng 6,5 - 7%. Tuy thấp hơn mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng đề ra
(7-7,5%) nhưng so với 2 phương án trình Thường vụ Quốc hội đầu tháng 10,
cơ quan điều hành vẫn kiên định chọn mục tiêu cao hơn.
Với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh,
bền vững, gắn với mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm
phúc lợi và an sinh xã hội, theo tính toán của Chính phủ, đến năm 2015,
quy mô GDP của Việt Nam theo giá thực tế sẽ đạt 4,5 - 4,6 triệu tỷ đồng
(180 - 184 tỷ USD), tương đương 49 - 50 triệu đồng cho mỗi người dân
trong một năm.
Để thực hiện mục tiêu này, 3 nhiệm vụ hàng đầu được
Chính phủ đề ra là kiềm chế lạm phát - ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu
và phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế (theo hướng hiện đại hóa
nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp). Cùng với đó là nâng cao chất
lượng giáo dục, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, tăng cường tiềm
lực quốc phòng…
Nhật Minh