Còn nhiều nơi bị chia cắt
Chiều 19.10, ông Lê Chí Công - Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Quảng Trị, cho biết còn rất nhiều địa bàn bị ngập lụt, nhất là tại hai huyện vùng trũng Triệu Phong và Hải Lăng. Đặc biệt, công trình kênh mương thủy lợi Nam Thạch Hãn và một số tuyến đê xung yếu trên địa bàn cũng đã bị vỡ, chưa thể khắc phục. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây (H.Đakrông đi H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế) và tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía đông (H.Hướng Hóa đi Quảng Bình) dù đã được thông tuyến cơ bản nhưng vẫn xuất hiện khoảng 200 vị trí sạt lở. Cũng theo ông Công, tính đến thời điểm này tung tích 2 nạn nhân mất tích trước đó là Phùng Thế Tùng (18 tuổi, xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Linh) và Trần Linh Trang (xã Trung Sơn, H.Gio Linh) vẫn chưa được xác định.
Các cô giáo trường Mầm non xã Phong Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) đang vét bùn vệ sinh trường học - Ảnh: Diệp Đồng |
Tại H.Bắc Trà My (Quảng Nam), nước lũ dâng nhanh khiến tuyến tỉnh lộ ĐT616 tại cầu ngầm sông Trường (xã Trà Sơn) bị nhấn chìm hơn 3m, làm cô lập hoàn toàn các xã vùng cao của 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Rạng sáng qua, tại Km 95 thuộc địa phận suối Đôi, hàng trăm khối đất, đá kèm theo cây gỗ sạt lở xuống nền đường cắt đứt hoàn toàn tuyến giao thông ĐT616. Tuyến đường nam Quảng Nam qua Kon Tum cũng sạt lở nghiêm trọng.
|
Không để người dân bị đói khát Trong công điện ký hỏa tốc gửi tới lãnh đạo UBND các tỉnh đang bị ngập lũ ở miền Trung và các bộ ngành liên quan vào ngày 19.10, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị chết, mất tích, người bị thương do mưa lũ vừa qua. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân (nhất là người già, trẻ em) tại các vùng bị ngập lũ; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực còn đang bị ngập sâu, chia cắt, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát. Bảo Cầm |
|
Các xã vùng thấp H.Bắc Trà My như Trà Đông, Trà Dương, Trà Nú, Trà Kót, thị trấn Trà My… bị ngập cục bộ. Riêng các thôn Ba Hương, Đông Phú (xã Trà Đông) và thôn 5A, 5B (xã Trà Dương) bị cô lập do lũ sông Cái, sông Trạm dâng cao.
Ở H.Tây Giang, tuyến đường đi 4 xã vùng cao Tr'Hy, Ch'ơm, Gary và Axan bị bùn đất cô lập. Hiện tại 60 tấn gạo cứu trợ lũ lụt cho 4 xã vùng cao này vẫn cất tại kho vì không thể vận chuyển. Tại H.Đông Giang, nhiều cầu gỗ bị cuốn trôi ở Aduông 2, Phú Mưa…
Tại H.Núi Thành đã xuất hiện tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở các xã vùng thượng lưu và phụ cận như Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Nghĩa, Tam Hiệp, thị trấn Núi Thành… Tại xã Tam Mỹ Tây đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn, ngang với đỉnh lũ lịch sử năm 1964.
Đến trưa 19.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bắt đầu ngớt mưa, nước ở các sông tại các huyện thấp trũng Lệ Thủy và Quảng Ninh đã rút nhưng vẫn còn 12.500 nhà dân, trên 40 trường học cùng nhiều tuyến đường giao thông và chợ, trạm y tế… trên địa bàn đang bị nước lũ "ngâm". Hàng trăm hộ dân ở các xã An Thủy, Sơn Thủy (Lệ Thủy), An Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh, Hàm Ninh (Quảng Ninh), Tân Hóa, Thượng Hóa (Minh Hóa) đang ngập sâu trên 1m. Toàn tỉnh còn khoảng gần 40.000 học sinh chưa thể đến trường trong ngày 20.10, chủ yếu tập trung ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Các bản Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa và các hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều tại H.Quảng Ninh vẫn bị cô lập. Cũng trong ngày 19.10, nạn nhân mất tích tại H.Quảng Ninh là ông Hà Văn Hảo đã được tìm thấy thi thể. Như vậy, tổng số người bị chết do mưa lũ tại Quảng Bình lên 4 người.
Tập trung ứng cứu người dân
Ngay trong ngày 19.10, Sở Công thương Quảng Bình đưa về các địa phương vùng lũ trên 324.000 gói mì tôm, gần 100.000 lít nước đóng chai, trị giá trên 1,2 tỉ đồng hàng hóa để tổ chức cứu trợ cho nhân dân các vùng bị ngập lụt tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và Minh Hóa. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình cũng cấp phát trên 1.300 thùng mì tôm và 100.000 viên lọc nước cho người dân 2 xã miền núi bị nước lũ cô lập và chia cắt là Tân Hóa (Minh Hóa) và Trường Xuân (Quảng Ninh).
Thiệt hại nặng Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN Quảng Ngãi, đến chiều 19.10, hầu hết các sông trong tỉnh, nhất là sông Trà Câu, sông Vệ, đã vượt mức báo động 3 từ 0,34 - 0,61m. Thống kê ban đầu, mưa lũ làm 6.754 căn nhà ở H.Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Bình Sơn, Tư Nghĩa ngập chìm trong nước, 12.000 ha hoa màu bị ngập úng, 916 tấn lúa của dân bị ướt, chết 15.000 con gia cầm, 2 tàu cá bị chìm... Tại Bình Định, mực nước các sông lên nhanh và xảy ra lũ. Riêng tại huyện miền núi An Lão, mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ đã gây ngập lụt và lũ quét, trong đó 56 nhà dân tại 2 xã An Hòa và An Tân bị ngập nước; tỉnh lộ 629 (đoạn đi qua xã An Hòa) ngập sâu trong nước. Tuyến đường từ An Quang đi An Toàn bị sạt mái ta-luy, lấp đường khoảng 25.000m3 đất đá... Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư hôm qua (19.10) cho biết, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum lên nhanh. Đến tối và đêm qua, mực nước tại Trà Khúc được dự báo lên mức 6,5m, ở mức báo động (BĐ)3; tại cầu Sông Vệ 5,3m, trên BĐ3: 0,8m; các sông ở Bình Định và Kon Tum lên mức BĐ2 - BĐ3, có nơi trên BĐ3. Trong khi đó, ở ĐBSCL, dự báo trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục biến đổi chậm và còn ở mức cao. Đến những ngày cuối tháng 10 sẽ xuất hiện một đợt triều cường cao, do vậy lũ tại các trạm chính trên sông Tiền và sông Hậu có thể lên cao hơn đỉnh lũ cuối tháng 9.2011. Tình trạng ngập lụt sâu còn tiếp tục kéo dài ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Hiển Cừ - Nghệ Bình - M.Vọng - Q.Duẩn |
Thanh Niên