-
Từ ngày cái chân cụt teo nhẽo đi, không lắp được chân giả, cụ Triệu Thị Ngọ, 93 tuổi (Nguyễn Đức Thuận - Thống Nhất - Nam Định) phải nhờ đến chiếc ghế gỗ thấp nhỏ làm chân, lết lê từ giường xuống đất. Những hôm không lê được nữa, thì giường thành luôn nhà vệ sinh.Họa vô đơn chí
18 tuổi, cụ Ngọ lấy chồng. 2 năm sau, trong một lần đi bắt cá, người chồng đột ngột mất tích. Những nơi có thể đi, người vợ trẻ đều đã đi, để tìm chồng. Đứa con gái nhỏ đã ra đời trong đôi mắt mờ bạc ngày đêm khóc than thân phận, thương chồng, thương con. Hoạ vô đơn chí, tai nạn lại bất ngờ ập đến lấy đi chân trái của người đàn bà không chồng.
Khi cô con gái vừa sang tuổi 18, bom đạn đã giết chết cô. Cụ Ngọ phát điên, bỏ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác, vật vờ trong thân xác cụt què không hồn, ai cho gì ăn nấy. Các sư thầy ở chùa Vọng Cung (Nam Định) thấy vậy thương tình đưa cụ về chăm sóc. Lời kinh, tiếng mõ hàng ngày dần giúp cụ bình tâm, không bỏ đi lang thang nữa. Cụ Ngọ trở về nhà, bắt đầu buôn bán hoa quả nuôi thân.
|
Một lần nhóm bếp, cụ Ngọ phải nấu luôn mấy bữa... |
Thân già quạnh quẽ khốn cùng
Khi có tuổi, cái chân cụt cứ mềm oặt ra không thể lắp được chân giả vào, cái chân lành cũng bắt đầu tê liệt, thì cái ghế gỗ nhỏ trở thành vật bất li thân thay thế chiếc chân giả của cụ Ngọ. Dùng tay gác cái chân cụt lên ghế, rồi lại dùng tay đưa cái ghế đi, cứ thế bao nhiêu năm ròng, cụ lê trên cái chân bằng ghế, đến nỗi cái ghế bóng nhẫy cả lên vì cái chân cụt cứ nhay đi nhay lại trên đó. Người trong khu phố nhìn thấy cụ già lệt sệt bò lê dưới đường trên chiếc ghế gỗ, thương quá, mới bảo nhau hàng ngày thay phiên đi chợ giúp cụ.
Có lần, cô Hường (giáo viên trường cấp II Quang Trung, ở gần nhà cụ Ngọ) thấy cụ nằm bất tỉnh vội bế cụ đặt lên giường và hô hoán lên, mọi người trong xóm mới biết, chạy sang, người bóp tay, bóp chân, cho cụ uống thuốc cụ mới dần tỉnh. Mỗi lần như thế cụ lại ốm nằm liệt giường hàng tuần liền.
Căn nhà cụ Ngọ tuềnh toàng, than củi rác rưởi ngổn ngang dưới nền, mùi nước tiểu quện với mùi thức ăn ôi thiu. Bữa trưa hôm nay là những sợi bánh đa cụ dành dụm từ hôm qua, giờ đã trương phềnh, nước bắt đầu sủi bọt lăn tăn. Anh Hải - hàng xóm của cụ cho biết: "Không đi lại được, nên mỗi lần cất công nhóm bếp lò lên là cụ Ngọ lại tiện thể nấu để ăn mấy ngày liền. Nhiều khi đồ bị ôi thiu rồi cụ vẫn phải ăn".
Anh Hải nói tiếp: "Những lúc ốm liệt, thì giường cụ thành luôn nhà vệ sinh. Có lần, con trai tôi chạy về, bảo cụ Ngọ bị ốm, gọi mãi không dậy. Tôi vội sang, thấy cụ hai mắt nhắm nghiền, nước từ trong khóe mắt cứ trào ra. Chúng tôi là hàng xóm cũng chỉ có thể giúp đỡ cụ được một phần, cụ ốm thì cấp cứu, tiện đường thì mua cho cụ mớ rau chứ không thể trông nom cụ được vì ai cũng bận bịu cả. Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, mà bà cụ vẫn phải sống cô độc trong cảnh khốn cùng. Tội quá".
Trong nhà cụ Ngọ, có chiếc xe lăn là đáng giá nhất. Đó là quà các bạn sinh viên tình nguyện tặng. Mỗi khi có người đến thăm, cụ lại bảo cho cụ lên đấy, cho cụ đi ra ngoài hít thở không khí. Nhưng đấy là chuyện... ngày xưa, còn bây giờ, có muốn cũng không được nữa vì cụ đã không còn đủ sức để ra ngoài. Chiếc xe lăn để không, lâu ngày, bám đầy bụi .
|
Tài sản đáng giá nhất của cụ Ngọ |
"Giá ông trời đừng bắt tội tôi…"
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả xin liên hệ: Cụ Triệu Thị Ngọ, 93 tuổi (Nguyễn Đức Thuận - Thống Nhất - Nam Định). Hoặc liên lạc theo số điện thoại của tác giả bài viết: 098.292.1414 |
Nỗi đau mất con gái đối với cụ Ngọ quá lớn, những người hàng xóm của cụ cho biết mấy chục năm qua, chưa lúc nào cụ quên nhắc đến con gái, ai lạ đến thăm, cụ cũng hỏi có phải là bạn của con gái cụ không.
Cụ Ngọ đơn độc trong cảnh bần hàn, lầm lũi, ốm đau bệnh tật chỉ biết co quắp một mình trong căn nhà chật chội không thuốc thang, không người chăm sóc. Nửa tỉnh nửa mê, cụ vừa khóc, vừa nói với chúng tôi: "Lần nào tôi bị ốm, con gái cũng về đứng ở đầu giường. Nó thương tôi lắm, dẫn cả thầy lang về bắt mạch cho tôi. Nó dặn tôi phải cố gắng sống tiếp. Con gái tôi vẫn chưa cho tôi đi theo… nhưng ở một mình thế này thì khổ lắm. Giá như ông trời đừng bắt tội tôi".
|
Cụ Ngọc vẫn phải tự lê lết trong nhà... |
Có lần, vì loay hoay mắc màn, cụ bị ngã xuống đất. Thế nên cụ thôi không nằm màn. Tối nào có người đến thăm và buông màn giúp cụ trước khi về thì đêm đó cụ mới có được một giấc ngủ yên lành vì không bị muỗi đốt.
Vân Anh